Phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trưởng thành từ công nhân, công đoàn

Từ Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đến Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm tiếp tục xác định giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng; đồng thời xác lập vị trí, vai trò quan trọng của tổ chức công đoàn, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Cần Thơ trao đổi với công đoàn cơ sở Công ty Dược Hậu Giang về việc bảo đảm chất lượng bữa ăn ca cho đoàn viên, người lao động. (Ảnh MỸ LY)
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Cần Thơ trao đổi với công đoàn cơ sở Công ty Dược Hậu Giang về việc bảo đảm chất lượng bữa ăn ca cho đoàn viên, người lao động. (Ảnh MỸ LY)

Bài 1: Công tác tạo nguồn vẫn là bài toán khó

Trong giai đoạn mới, nhiệm vụ phát triển đất nước đặt ra yêu cầu tất yếu, khách quan đối với sự phát triển giai cấp công nhân Việt Nam cũng như tổ chức Công đoàn cả về số lượng, chất lượng và tổ chức. Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm và kinh nghiệm thực tiễn, tạo nguồn cán bộ cơ cấu cấp ủy các cấp, là chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng.

Nhiệm vụ xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trưởng thành từ công nhân, công đoàn, đáp ứng yêu cầu xây dựng Đảng và phát triển đất nước có sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cấp ủy các cấp. Trong quá trình đó, tổ chức công đoàn đã thể hiện được trách nhiệm và vai trò nòng cốt, cùng cấp ủy phát hiện, bồi dưỡng, giáo dục nhân tố tiêu biểu trong các loại hình doanh nghiệp, góp phần tăng tỷ lệ đảng viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân. Tuy nhiên, bảo đảm số lượng, chất lượng cán bộ nguồn vẫn là bài toán khó.

Kết quả chưa tương xứng

Song hành suốt quá trình gần 40 năm đổi mới, giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh, phát triển nhanh về số lượng, nâng cao chất lượng, có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học-công nghệ tiên tiến, hiện đại trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tỷ lệ đảng viên và cán bộ lãnh đạo xuất thân từ công nhân còn thấp. Một bộ phận công nhân chưa thiết tha phấn đấu vào Đảng và tham gia hoạt động trong các tổ chức chính trị-xã hội.

Theo Viện Công nhân và Công đoàn, kết quả khảo sát, nghiên cứu tại quận Long Biên và thị xã Sơn Tây của thành phố Hà Nội cho thấy không có cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị các cấp trưởng thành từ công nhân. Trong khi đó, cán bộ lãnh đạo, quản lý trưởng thành từ cán bộ công đoàn chuyên trách dù có nhưng số lượng rất hạn chế, chiếm tỷ lệ chưa đến 3% và 5% ở mỗi địa bàn; chưa kể, vai trò, vị trí ở mức “khiêm tốn”. Tại hai địa bàn này, có rất ít cán bộ lãnh đạo, quản lý thật sự trưởng thành từ cán bộ công đoàn, phần lớn qua luân chuyển, chỉ có một thời gian làm công tác công đoàn.

Tại địa phương, hầu hết cán bộ lãnh đạo, quản lý trưởng thành từ công đoàn phát triển chủ yếu sang các cơ quan khối đảng, đoàn thể. Nguyên nhân được lý giải là do hoạt động của các đơn vị trong khối đảng, đoàn thể khá tương đồng với hoạt động công đoàn. Trong khi đó, đối với các cơ quan quản lý nhà nước, có yêu cầu bằng cấp chuyên môn cụ thể với từng vị trí việc làm nên khó luân chuyển giữa hai khối.

Theo Phó Viện trưởng phụ trách Viện Công nhân và Công đoàn Phan Nhạc Linh, mặc dù có sự luân chuyển giữa cán bộ công đoàn sang các cơ quan đảng, nhà nước và ngược lại, nhưng số lượng cán bộ lãnh đạo cơ quan đảng, quản lý nhà nước sang làm lãnh đạo công đoàn nhiều hơn số cán bộ công đoàn được điều động, bổ nhiệm làm lãnh đạo cơ quan đảng, quản lý nhà nước. Đáng nói, số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trưởng thành từ công nhân lao động rất ít, thậm chí là không có.

Ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, thực tế nêu trên cũng không ngoại lệ. Nhiệm kỳ 2018-2023, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội không có đồng chí nào trưởng thành từ công nhân là lãnh đạo của bảy phòng, ban chuyên môn (tỷ lệ 0%). LĐLĐ “Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có một trong số bảy đồng chí trưởng phòng, ban chuyên môn phát triển lên vị trí phó chủ tịch LĐLĐ thành phố (tỷ lệ phát triển chỉ 14%). Tương tự, tại TP Đà Nẵng, tỷ lệ là 1/5 đồng chí .

Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang, trong các giai đoạn lịch sử cách mạng thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước, nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước trưởng thành từ công nhân, công đoàn đã khẳng định phẩm chất, trí tuệ, bản lĩnh, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Tuy nhiên hiện nay, số cán bộ lãnh đạo trưởng thành từ môi trường này giảm rõ rệt. Trên thực tế, ở các địa phương và ở cấp Trung ương, có rất ít cán bộ lãnh đạo, quản lý thật sự trưởng thành từ cán bộ công đoàn. Chỉ có số ít cán bộ công đoàn chuyên trách trưởng thành từ công nhân, người lao động trực tiếp.

Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, công đoàn còn khiêm tốn; công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ trưởng thành từ công nhân, cán bộ công đoàn còn khó khăn… Điều này cho thấy, ngay từ hệ thống tổ chức công đoàn cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc và thể hiện rõ vai trò trong tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chủ chốt.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn

PGS, TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, việc xây dựng, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trưởng thành từ công nhân, công đoàn, trong đó có việc bảo đảm tỷ lệ và cơ cấu hợp lý, là góp phần tăng cường sứ mệnh, bản chất giai cấp công nhân. Nhưng khi xác định cơ cấu của đội ngũ cán bộ thì lại chưa đề cập đến cơ cấu về thành phần giai cấp, mà chủ yếu nhấn mạnh về cơ cấu độ tuổi, giới tính, dân tộc, trình độ.

Bên cạnh đó, những yếu tố tác động như: Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý vẫn có điểm “chưa mạnh”, còn hạn chế về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống. Một số cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tính đảng, làm suy giảm bản chất giai cấp công nhân. Không ít công nhân thờ ơ với chính trị, không thiết tha phấn đấu vào Đảng và tham gia hoạt động trong các tổ chức chính trị-xã hội. Số cán bộ lãnh đạo, quản lý trưởng thành từ công nhân chủ yếu thuộc doanh nghiệp nhà nước...

Để bảo đảm cơ cấu, tỷ lệ hợp lý cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trưởng thành từ công nhân, công đoàn cần đặt cơ cấu thành phần giai cấp công nhân trong tương quan với các giai tầng khác; phù hợp địa phương, ngành, lĩnh vực khác nhau. Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức quần chúng, nhất là trong xây dựng, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ trong các doanh nghiệp, để trở thành lực lượng quan trọng thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về Đảng; bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao ý chí và tinh thần tự giác phấn đấu vào Đảng cũng như tham gia công tác lãnh đạo, quản lý của giai cấp công nhân.

Khẳng định vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong xây dựng, phát triển đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị nội bộ, Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Văn Định nhận định, đó là nhiệm vụ cơ bản, tất yếu khách quan đối với các tổ chức công đoàn Việt Nam. Công tác này cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, không gián đoạn, từ phát hiện nguồn đến đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí làm cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Điều này đòi hỏi sự quan tâm đúng mức của các cấp ủy, khắc phục những thói quen, nếp nghĩ chỉ tập trung làm “công tác nhân sự” trước mỗi kỳ đại hội mà buông lơi ở các thời điểm khác. Công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, công đoàn phải được đầu tư cả nguồn lực tài chính và phi tài chính cho học tập, đào tạo, rèn luyện... đến quan tâm chế độ, chính sách bảo đảm đời sống để cán bộ yên tâm cống hiến, dấn thân vì sự nghiệp chung.

Từ thực tiễn sinh động của Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Trần Đoàn Trung cho rằng: Trưởng thành từ phong trào công nhân và công tác công đoàn, người cán bộ không chỉ có năng lực vận động quần chúng, tổ chức phong trào mà còn được rèn luyện qua thực tiễn, vận dụng pháp luật, quản trị hệ thống, quản lý kinh tế, tài chính, hợp tác quốc tế cùng những kỹ năng cần thiết như thuyết phục, thương lượng, khả năng chịu đựng áp lực, giải quyết các tình huống phát sinh trong quan hệ lao động. Trên hết, cán bộ công đoàn là những người gắn bó với công nhân, người lao động, thấu hiểu hoàn cảnh cuộc sống, nhận thức sâu sắc về đoàn kết giai cấp - đồng chí Trần Đoàn Trung nhấn mạnh.

Tại Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, Trung ương đã dự báo, thời gian tới, số lượng công nhân, lao động tăng nhanh, hoạt động công đoàn tiếp tục mở rộng và chuyển mạnh sang khu vực ngoài nhà nước. Những thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Xây dựng giai cấp công nhân, Công đoàn Việt Nam vững mạnh là góp phần quan trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và bảo vệ chế độ; tạo động lực, nguồn lực bảo đảm số lượng, chất lượng giới thiệu cơ cấu cấp ủy các cấp.

(Còn nữa)