Quán cơm 2.000 đồng cho bệnh nhân ung thư

NDO - Đều đặn vào 4 rưỡi chiều từ thứ 2 đến thứ 6, ở khu tập thể Trạm bơm Yên Xá, cạnh Bệnh viện K (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội), căn bếp Nụ cười Shinbi lại đỏ lửa, trao đi những suất cơm chỉ với giá 2.000 đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Quán Nụ cười Shinbi luôn đông khách mỗi khi mở cửa.
Quán Nụ cười Shinbi luôn đông khách mỗi khi mở cửa.

Mỗi ngày, Nụ cười Shinbi phục vụ từ 120-150 suất cơm. Sau hơn 2 tuần khai trương, quán được nhiều người bệnh, người nhà bệnh nhân ở Bệnh viện K ghé thăm và nhận được sự ủng hộ từ các nhà hảo tâm khắp cả nước.

Những người nhóm lửa ở căn bếp tràn ngập tiếng cười

Thành lập và quản lý Nụ cười Shinbi là vợ chồng anh Võ Tiên Lâm (45 tuổi) và chị Nguyễn Trà My (37 tuổi), ngụ ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Cả hai đều đang công tác trong lĩnh vực báo chí, truyền thông.

Trước đây, quán có tên là Yên Vui Tân Triều, cả Tiên Lâm và Trà My đều là những tình nguyện viên năng nổ, gắn bó với quán trong suốt thời gian dài. Vì thế, khi nhận được thông tin quỹ từ thiện cũ ngưng tài trợ, quán buộc phải ngừng hoạt động, Tiên Lâm đã không thôi trăn trở. Anh không cam lòng chứng kiến cảnh quán đóng cửa và những bệnh nhân ung thư thiếu mất một nơi nhận cơm từ thiện để lui tới mỗi ngày.

“Lấy lại mặt bằng quán này là một quyết định liều lĩnh với tôi”, Tiên Lâm chia sẻ. Dù từng đi nhiều nơi, tham gia nhiều chương trình và tổ chức thiện nguyện, nhưng chưa bao giờ anh nghĩ sẽ có ngày mình trở thành chủ của một quán cơm đặc biệt như thế.

Lúc ấy, hai vợ chồng anh đều thiếu tiền, thiếu cả kinh nghiệm quản lý. Tất cả những gì họ có là bản lĩnh và lòng nhân ái. Gác lại nhiều dự định phía trước, họ mạnh dạn lên kế hoạch mở lại quán, sửa sang không gian và đứng ra kêu gọi giúp đỡ về tài chính, nhân lực từ những người chung quanh.

“Nếu chỉ có hai chúng tôi thôi thì dẫu có giỏi đến đâu, nhiều tiền thế nào đi chăng nữa cũng không thể làm được. Chỉ khi có sự chung tay, hỗ trợ của mọi người, căn bếp của Nụ cười mới đỏ lửa hằng ngày. Mỗi người ở đây, từ đầu bếp, phụ bếp, đến tình nguyện viên đều là những người cực kỳ trách nhiệm”, Trà My khẳng định.

Quán cơm 2.000 đồng cho bệnh nhân ung thư ảnh 1
Thực đơn hằng ngày của quán cơm luôn được Trà My lên kế hoạch tỉ mỉ.

Để chuẩn bị những phần cơm tối, các thành viên của quán đã phải sơ chế nguyên liệu từ sáng, nấu cơm từ trưa, dọn dẹp và bày biện bàn ghế từ đầu giờ chiều. Mỗi người một tay, ai ai cũng hạnh phúc với công việc mình đang làm. Họ hiểu rằng, sứ mệnh của họ lúc này là mang đến những bữa cơm ấm cúng cho những người không may mắn.

Gắn bó với việc nấu cơm từ thiện suốt 3 năm, chú Nguyễn Văn Hải từng là bếp trưởng của tiệm Yên Vui Tân Triều. Quán ngừng hoạt động, chú Hải đành “khăn gói” về quê. Thế nhưng, sau khi nghe tin Nụ cười Shinbi thiếu nhân viên, chú sẵn sàng bỏ dở công việc đang làm, rồi lập tức bắt xe từ Phú Thọ lên Hà Nội để đứng bếp. “Công việc ý nghĩa này làm tôi càng yêu nghề hơn”, chú Hải chia sẻ.

Là một trong những người “nhóm lửa” ở bếp từ những ngày đầu tiên, tình nguyện viên Đỗ Thị Lan Anh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Khác với những nơi đi phát cơm từ thiện trong vội vàng, đến với Nụ cười Shinbi, mọi người sẽ được từ tốn ăn, nói với nhau một vài câu chuyện và hít thở không khí trong lành. Nhờ vậy, tinh thần của họ sẽ trở nên tốt hơn, sức khỏe có thể hồi phục nhanh hơn.

Hạnh phúc khi được nhìn thấy những bệnh nhân ăn cơm ngon miệng là thế, nhưng sau khi bà con rời đi và cả trước lúc chợp mắt mỗi tối, trong tâm trí anh Võ Tiên Lâm chỉ toàn là nỗi lo.

“Duy trì quán cơm này không phải là câu chuyện của một tháng hay một năm mà là cả hành trình dài. Khi quán mới mở, ai cũng sẵn sàng quyên góp, nhưng để tìm được người đồng hành bền lâu lại chẳng phải là chuyện dễ dàng”, anh Lâm tâm sự với vẻ đầy lo lắng.

Thấu hiểu nỗi lòng ấy, nhiều nhà hảo tâm đã cùng sẻ chia về mặt kinh tế lẫn tinh thần với Nụ cười Shinbi. Mỗi ngày, nhiều hiện vật và hiện kim được gửi đến quán, cùng lời cam kết sẽ đồng hành với hoạt động này dài lâu. Nhờ những giúp đỡ chân thành ấy, quán đã dần ổn định, tiếp tục nấu những bữa cơm đẩy đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư.

Thắp lên khát vọng sống

Nhắc đến Bệnh viện K, hẳn không ít người nghĩ ngay đến những số phận éo le, với chuỗi ngày đằng đẵng đánh vật với căn bệnh ung thư quái ác. Họ phải đối mặt với cơn đau trong từng giây, từng phút. Họ buộc mình phải thật dũng cảm trước mỗi đợt xạ trị, hóa trị. Họ đánh đổi cả thời gian, sức lực và tiền bạc để nắm lấy hy vọng sống của mình.

“Vậy mà ở đây, chúng tôi được nghe họ kể về câu chuyện của mình bằng ánh mắt chất chứa niềm vui, dù cuộc sống vẫn khó khăn, vẫn cứ lo tiền xe, tiền khám, vẫn phải ghé quán cơm 2.000 đồng để tiết kiệm những đồng tiền ít ỏi”, chị Trà My nhớ lại.

Tới quán lần đầu tiên, chị Trần Thị Nhung, 48 tuổi, từ Nam Định lên Thủ đô chữa bệnh ước giá mà biết đến nơi đây sớm hơn. Thường ngày, chị phải trả 100 nghìn đồng tiền thuê trọ, 90 nghìn tiền cơm nước. Tính cả tiền thuốc men, đi lại và sinh hoạt phí, mỗi tuần chữa bệnh, chị tốn khoảng 17-18 triệu đồng. Theo chị, bữa cơm với giá 2.000 đồng thế này đã giúp đỡ những bệnh nhân như chị rất nhiều, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Đến với Nụ cười Shinbi, người ta còn gặp những mối nhân duyên kỳ lạ. Chị Quách Thị Luyến (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) và chị Vũ Thị Phương (Nam Định) là đôi bạn chung phòng xạ trị. Cả hai đều là nông dân, cũng thiếu thốn về tài chính. Nếu như mỗi khi đi bệnh viện chị Phương phải bán cả tạ lúa ở quê thì chị Luyến lại chật vật đi vay khắp nơi mới có tiền chữa bệnh.

“Lần nào đến đây, cơm canh cũng nóng hổi như ở nhà, nhân viên phục vụ nhiệt tình, mọi người lại được ngồi quây quần bên nhau. Tôi không nghĩ ngay sát bệnh viện lại có một nơi thoáng đãng và tuyệt vời như thế”, nói rồi chị Phương rút ra tờ 10.000 đồng được cất cẩn thận trong túi và hào phóng mời cơm tối cho cả bàn.

“Tôi rất biết ơn các mạnh thường quân, những người đã nấu suất cơm này. Cảm ơn sự giúp đỡ của họ, dù họ cũng chẳng biết chúng tôi là ai”, không kìm được nước mắt, chị Luyến đáp lời.

Quán cơm 2.000 đồng cho bệnh nhân ung thư ảnh 2

Chị Quách Thị Luyến xúc động trước sự giúp đỡ nhiệt tình từ các thành viên của quán Nụ cười Shinbi.

Nghe được những tâm sự ấy, anh Nguyễn Văn Hòa, một trong những nhà tài trợ “cứng” cho Nụ cười Shinbi không giấu nổi niềm hạnh phúc. Anh kể, hồi còn là sinh viên, mẹ anh cũng mắc bệnh ung thư, nhưng vì nhà quá nghèo nên không đủ tiền chữa trị. Lúc mẹ mất, anh tự nhủ sau này sẽ giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh như mình. Giờ đây, anh Hòa đã làm được điều đó.

Ở căn bếp tràn ngập tiếng cười này, không chỉ có người ốm đau, bệnh tật được giúp đỡ, mà những người khỏe mạnh cũng được tiếp thêm tình yêu với cuộc sống qua câu chuyện của những con người dũng cảm, vượt lên số phận éo le.

Chỉ mới 12 tuổi, nhưng em Vũ Văn Sơn (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) không may mắc phải căn bệnh u tụy ác tính, rồi bị di căn qua phổi và xương. Bác sĩ cho hay, bệnh tình của Sơn không khả quan dù đã em trải qua nhiều đợt hóa trị đau đớn. Vậy mà “vị khách” nhỏ tuổi nhất này vẫn cười thật tươi mỗi khi đến quán. Em biết, mình cần phải ăn thật nhiều mới có đủ sức khỏe để chiến đấu với bệnh tật dài lâu.

Trong số những tình nguyện viên năng nổ của Nụ cười Shinbi, có anh Nguyễn Thắng Dương, một người khuyết tật, đi lại và phát âm khó khăn. Hằng ngày, Dương chạy chiếc xe 3 bánh, cùng vợ bán rau ở chợ để mưu sinh. Đáng lý ra, Dương là người cần được giúp đỡ. Thế nhưng, bao nhiêu ngày tiệm mở cửa là bấy nhiêu ngày Dương đảm nhận vị trí “shipper” vận chuyển nào rau, nào cháo đến từng khoa trong Bệnh viện K giúp mọi người.

Quán cơm 2.000 đồng cho bệnh nhân ung thư ảnh 3
Anh Nguyễn Thắng Dương mang cháo đến Khoa Nhi, Bệnh viện K để phát cho các bệnh nhân.

“Mình cảm thấy may mắn và trân trọng cuộc sống biết bao khi được gặp những người như thế. May mắn bởi mình vẫn có sức khỏe, vẫn kiếm ra tiền và không phải giành giật sự sống. Nhờ họ mà mình nhận ra cuộc đời này quý giá đến nhường nào”, tình nguyện viên Đỗ Thị Lan Anh bày tỏ.

Mong muốn lan tỏa và tiếp thêm nhiều hy vọng sống hơn nữa, anh Võ Tiên Lâm cho biết: “Ngoài việc nấu cơm cho bà con hằng ngày, tôi muốn nơi đây sẽ là đầu mối cho các nhóm thiện nguyện khác. Chúng tôi sẵn sàng cho mượn bếp, cũng sẵn lòng nấu cơm hộ để họ mang phát cho các bệnh nhân ở nhiều bệnh viện khác”.

Kết thúc buổi phát cơm vào lúc trời chập tối, mọi người đã thấm mệt nhưng vẫn nở nụ cười tươi. Hôm nay, quán không thừa một suất cơm nào.

Vì sao cơm từ thiện lại bán với giá 2.000 đồng/suất?

“Mọi người thường nói với tôi, nếu từ thứ 2 đến thứ 6 mà ngày nào cũng ăn cơm miễn phí thì ngại lắm. Dù biết 2.000 đồng còn không đủ mua dầu, mua mắm nhưng nếu quán thu tiền thì các cô, chú ấy sẽ thấy thích hơn.

Việc trả tiền cũng cho những người đến đây giữ được tự trọng. Người ta sẽ không có cảm giác là mình đang đi xin ăn. Và với 2.000 đồng, nhiều người cũng có cảm giác được trả thừa tiền, hay khoái chí mời cả bàn cơm tối”, chị Nguyễn Trà My, chủ quán cơm Nụ cười Shinbi chia sẻ.