Quận Bình Tân được thành lập trên cơ sở 3 xã Bình Hưng Hòa, Bình Trị Đông, Tân Tạo và thị trấn An Lạc thuộc huyện Bình Chánh, có diện tích 5.202 ha, với 254.635 nhân khẩu. Đến nay, dân số khoảng 800.000 người (tăng 3,14 lần) so với khi thành lập quận. Quận có 3 khu công nghiệp lớn, là đầu mối giao thông huyết mạch, phát triển thương mại-dịch vụ, kết nối thành phố với các tỉnh Tây Nam bộ.
Ông Huỳnh Khắc Điệp, Bí thư Quận ủy Bình Tân cho biết: Sau 20 năm, kinh tế địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao và bền vững với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm là 21%, thu ngân sách duy trì tốc độ tăng bình quân 13,57% hàng năm, luôn vượt chỉ tiêu pháp lệnh, riêng năm 2023 thu ngân sách gần 4.300 tỷ đồng, tăng 13,61 lần so với lúc thành lập quận.
Quận đã tập trung triển khai các công trình, chương trình văn hóa-xã hội phục vụ yêu cầu nâng cao dân trí và cải thiện đời sống người dân. Trong đó, 45 trường công lập được xây dựng mới, bảo đảm 100% trẻ em đến tuổi đến trường đều được đi học, hoàn chỉnh 4 trung tâm văn hóa thể thao, xây dựng 110 công viên, mảng xanh. Mới đây, quận đưa vào sử dụng công viên khu dân cư trung tâm Vĩnh Lộc rộng 3,6 ha.
Quận Bình Tân chỉnh trang đô thị hai bên kênh Nước đen. |
Bí thư Quận ủy Quận Bình Tân cho biết thêm, Đảng bộ quận tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn. Hiện Đảng bộ có 468 tổ chức Đảng với 10.119 đảng viên, tăng 2,53 lần về tổ chức Đảng và 7,17 lần số đảng viên so với thời điểm thành lập.
Trong thời gian tới, quận Bình Tân tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm như xây dựng khu dân cư Tân Tạo rộng hơn 475 ha, di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa 40,7 ha và sẽ hoàn thành bốc mộ trong năm 2025, hoàn thành xây dựng các công trình công cộng và công viên cây xanh tập trung quy mô lớn vào năm 2027…
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đánh giá dấu ấn nổi bật mà Đảng bộ và chính quyền quận Bình Tân đạt được về mọi mặt. Trong đó, là sự gia tăng dân số nhanh, từ 254.000 người năm 2003 tăng lên hơn 800.000 dân sau 20 năm. Do đó, quận cần chú trọng và giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người dân, giảm nghèo bền vững.
Quận Bình Tân với lợi thế về vị trí địa lý, có đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân và lực lượng lao động dồi dào, lại nằm ở vị trí cửa ngõ phía tây thành phố nên rất thuận lợi. Vì vậy, quận cần nắm bắt cơ hội, tận dụng thời cơ, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.
“Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội. Cho nên địa phương phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự lực, tự chủ, năng động sáng tạo của các địa phương trong khai thác cơ chế đặc thù, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy cũng lưu ý quận Bình Tân quan tâm phát triển văn hóa-xã hội, xây dựng trường hợp gắn với xã hội hóa giáo dục, cố gắng bảo đảm chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Bên cạnh đó quận chú trọng thực hiện tốt chính sách người có công; đầu tư cơ sở vật chất, chỉnh trang các khu nhà trọ, nhà ở cho công nhân, tạo lực lượng nòng cốt, giáo dục chính trị cho công nhân lao động.
Nhân dịp này Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Bình Tân vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước. Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tặng Cờ truyền thống cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Bình Tân vì có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên tục nhiều năm, nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập.