"Công trình dân sinh thắm tình đồn, xã" nơi biên cương

Những năm qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn triển khai hiệu quả mô hình "Công trình dân sinh thắm tình đồn, xã", góp phần xây dựng nông thôn mới, thắt chặt tình đoàn kết quân dân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, chiến sĩ Ðồn biên phòng Ba Sơn phối hợp Ðoàn thanh niên xã Cao Lâu (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) sửa đường giao thông nông thôn.
Cán bộ, chiến sĩ Ðồn biên phòng Ba Sơn phối hợp Ðoàn thanh niên xã Cao Lâu (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) sửa đường giao thông nông thôn.

Anh Nông Văn Giao, ở thôn Tân Cương, xã Xuất Lễ (huyện Cao Lộc) chia sẻ: Gia đình tôi được bộ đội Ðồn biên phòng Ba Sơn (Cao Lộc) tặng 250 cây tre để trồng. Cây được trồng từ tháng 9 đến nay đã bén rễ, nhú mầm, cây dễ trồng, dễ chăm sóc...

Trung tá Hoàng Trung Hiếu, Chính trị viên Ðồn biên phòng Ba Sơn cho biết: Với phương châm "hướng về cơ sở để giúp dân" những năm qua, cán bộ, chiến sĩ biên phòng Ba Sơn luôn chủ động, khắc phục khó khăn, kiên trì, gần dân, bám bản, phối hợp chính quyền địa phương thực hiện nhiều mô hình, chương trình giúp dân. Mới đây, qua tham khảo, đơn vị nhận thấy, trồng tre lấy măng dễ thích nghi với đất, khí hậu ở các thôn, bản giáp biên; chi phí chăm sóc không cao, thời gian cây trưởng thành và cho thu hoạch măng khoảng hai năm, giá trị kinh tế cao, nên đã triển khai.

Ðồn biên phòng Ba Sơn lần đầu tổ chức mô hình "Lũy tre biên giới Việt", hỗ trợ 3.500 cây tre giống Bát Ðộ, cho hai tập thể và 16 gia đình ở xã Xuất Lễ để trồng thí điểm từ khu vực mốc 1189-1195, thuộc thôn Tân Cương, xã Xuất Lễ. Mô hình này góp phần đẩy mạnh phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới" theo Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhận thấy trà hoa vàng là cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây, thời gian qua, Ðồn biên phòng Ba Sơn mua hơn 2.000 cây trà hoa vàng, tặng 20 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở xã Mẫu Sơn (huyện Cao Lộc). Ðến nay, cây phát triển tốt, mở ra hướng phát triển kinh tế triển vọng cho người dân.

Ông Dương Trùng Lỷ, thôn Co Loi, xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc cho hay: "Gia đình tôi được Ðồn biên phòng Ba Sơn trao 100 cây giống trà hoa vàng, tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây giống tại đồn để cho người dân học hỏi. Nhờ chăm sóc đúng quy trình nên cây trà của nhà tôi phát triển rất tốt, cho thu hoạch đều đặn, kinh tế gia đình ổn định hơn, mỗi năm cho thu nhập hơn 40 triệu đồng...".

Trung tá Hoàng Trung Hiếu cho biết thêm: Bằng trách nhiệm, tình cảm gắn bó với đồng bào, thời gian qua đơn vị đã tích cực giúp nhân dân bằng nhiều phần việc cụ thể, thiết thực. Cụ thể từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã xây dựng được 15 công trình dân sinh, gồm: Làm 6km đường bê-tông nông thôn; sửa năm nhà văn hóa thôn, lớp học; làm một nhà mái ấm biên cương; hỗ trợ sửa chữa bảy nhà cho gia đình chính sách; tặng 5.500 giống cây trồng cho 36 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn... tổng trị giá các công trình hơn 4 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuất Lễ (huyện Cao Lộc) Lý Văn Thắng chia sẻ: Trồng cây tre để phát triển kinh tế là một hướng đi mới, không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân mà còn đẩy mạnh phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới". Thực tế, trong quá trình lao động sản xuất trên biên giới, người dân đã kịp thời báo cho chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng nhiều thông tin giá trị, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia.

Mô hình "Công trình dân sinh thắm tình đồn, xã" được Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn triển khai từ năm 2018, đã được nhân rộng tại tất cả các đồn biên phòng trên địa bàn 21 xã biên giới và thị trấn. Ðại tá Lượng Mạnh Vông, Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chia sẻ: Qua gần 5 năm, cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng đã xây dựng hơn 200 công trình, phần việc giúp dân, bao gồm: làm hơn 50km đường bê-tông nông thôn, đường lên biên giới; tham gia tu sửa 22 phòng học, nhà văn hóa thôn, khu vui chơi cho trẻ em; xây dựng, củng cố 20 vườn thuốc nam; hỗ trợ xây dựng 41 nhà Ðại đoàn kết, 22 nhà tình nghĩa, 33 nhà Mái ấm tình thương; hỗ trợ xây 425 nhà vệ sinh; 175 lò đốt rác; thăm hỏi, tặng gia đình chính sách, hộ nghèo 1.669 suất quà; trao tặng 113 suất học bổng cho học sinh nghèo; nhận nuôi dưỡng chín cháu con nuôi đồn biên phòng, hỗ trợ 105 cháu; khám và cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn lượt người dân; tổ chức Tết trồng cây "Ðời đời nhớ ơn Bác Hồ", trồng được gần 20.000 cây ăn quả; tặng 6.913 cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ cho 6.913 hộ gia đình ở 74 thôn giáp biên... Các công trình, phần việc trên, trị giá khoảng 7,6 tỷ đồng.

Ðại tá Trịnh Hữu Tăng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh khẳng định: Mô hình nêu trên là một cách làm cụ thể hóa của Bộ đội biên phòng tỉnh trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bằng những việc làm thiết thực, Bộ đội biên phòng tỉnh đã tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn biên giới tổ chức xây dựng các công trình dân sinh, hệ thống cơ sở hạ tầng, phục vụ đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội khu vực biên giới. Ðảng ủy, Ban Chỉ huy các đồn biên phòng triển khai phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền xây dựng cơ sở hạ tầng, phát huy sức mạnh toàn dân xây dựng khu vực biên giới vững mạnh.

Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, các đồn biên phòng đã cử 382 lượt cán bộ, chiến sĩ cùng với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương lao động giúp dân được 764 ngày công, làm được 6,5km đường bê-tông, một ngầm qua suối, xây một nhà văn hóa, sửa hai nhà văn hóa, đổ 472m2 sân bê-tông, làm hai công trình thắp sáng đường thôn... với tổng trị giá khoảng 1,6 tỷ đồng.

Thời gian tới, Ðảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, duy trì, thực hiện hiệu quả mô hình "Công trình dân sinh thắm tình đồn, xã" ■