Tạo sức bật cho vùng Đồng Tháp Mười

Bài 2: Khơi thông huyết mạch phát triển

Với những mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại lợi nhuận cao và từng bước phát triển công nghiệp, thương mại-dịch vụ, tiềm năng của tiểu vùng Ðồng Tháp Mười được khai thác ngày càng hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Ðường tỉnh 830 (Long An) hoàn thành giúp kết nối các khu, cụm công nghiệp, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh THANH HIỂU)
Ðường tỉnh 830 (Long An) hoàn thành giúp kết nối các khu, cụm công nghiệp, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh THANH HIỂU)

(Tiếp theo và hết)

Trước đây, hệ thống thủy lợi quyết định sự thành công trong khai phá Ðồng Tháp Mười thì ngày nay, yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững ở tiểu vùng này chính là hạ tầng giao thông và các mô hình sản xuất đem lại giá trị kinh tế cao, bền vững.

Phá điểm nghẽn cầu, đường

Sự thay đổi về kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng đất Ðồng Tháp Mười khiến những ai xa quê khi có dịp trở về ngỡ ngàng. Nhiều ngôi trường, nhà ngói đua nhau mọc lên. Vườn cây ăn trái phủ một mầu xanh bạt ngàn. Nhiều khu, cụm công nghiệp được hình thành và đang trong quá trình mở rộng…

Thời gian qua, được sự quan tâm, đầu tư của Trung ương, ba tỉnh Tiền Giang, Long An, Ðồng Tháp đã cùng mở rộng các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ có sự kết nối giữa các tỉnh và liên vùng. Hiện, hệ thống giao thông thông suốt khắp vùng với các tuyến đường bê-tông nhựa, đường bê-tông phẳng phiu trải dài ngút tầm mắt...

Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang Trần Văn Bon cho biết, các dự án giao thông do Trung ương và tỉnh Tiền Giang làm chủ đầu tư đã tác động tích cực đến kinh tế-xã hội vùng Ðồng Tháp Mười. Một số công trình tiêu biểu, có sức ảnh hưởng lớn như: Xử lý các cầu hẹp trên quốc lộ 1A, dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long, nâng cấp kênh Tháp Mười số 2, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận.

Ðặc biệt, các dự án hạ tầng giao thông quan trọng phục vụ vùng Ðồng Tháp Mười đã hoàn thành, gồm: Ðường tỉnh 861, đường tỉnh 863, đường tỉnh 865, đường tỉnh 866B... Các địa phương đang nâng cấp, mở rộng các đường tỉnh 861, 863, 869…; đang chuẩn bị thực hiện đường phát triển vùng Ðồng Tháp Mười-giai đoạn 1 (dài hơn 12,3km và 6 cầu) với tổng mức đầu tư 596 tỷ đồng. Hạ tầng giao thông từng bước được hoàn thiện, bảo đảm nhu cầu đi lại của nhân dân, giao thương hàng hóa trong khu vực…

Tại Long An, một thời gian dài, hạ tầng giao thông là điểm nghẽn cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội vùng Ðồng Tháp Mười. Từ thực tế, Trung ương và tỉnh Long An đã đầu tư nhiều hệ thống giao thông nhằm kết nối với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An Ðặng Hoàng Tuấn cho biết, tuyến quốc lộ 62 dài gần 77km với 30 cầu trên toàn tuyến là trục kết nối độc đạo từ trung tâm hành chính của tỉnh Long An với các huyện: Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa; thị xã Kiến Tường; các huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng. Tuyến quốc lộ này cũng là trục kết nối cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (Long An) với cửa khẩu Prayvo (Campuchia), cửa khẩu phụ Tân Hưng, quốc lộ N2 (đường Hồ Chí Minh) và nhiều trục đường quan trọng nối với các huyện của tỉnh Ðồng Tháp và huyện Tân Phước (Tiền Giang). Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 62 sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, hành khách, tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực Ðồng Tháp Mười và các tỉnh trong khu vực.

Ông Võ Hồng Nhân, nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Tháp cho biết, xác định giao thông là biện pháp hàng đầu trong phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Ðồng Tháp đã đầu tư tập trung với nguồn vốn lớn nhất cho hệ thống cầu đường ngang dọc trong vùng. Ðường giao thông nông thôn phát triển mạnh mẽ, việc đi lại bằng xe cơ giới trên đường liên xã được dễ dàng hơn.

Tiếp tục đầu tư cho hạ tầng giao thông để kết nối hoàn chỉnh, thuận lợi trong nội vùng và bên ngoài vẫn là nhu cầu bức thiết hiện nay của tiểu vùng Ðồng Tháp Mười…

Sinh kế bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu

Huyện Tân Thạnh (Long An) nằm trên vùng đất phèn Ðồng Tháp Mười, giáp với huyện Tân Phước (Tiền Giang); hai huyện Tháp Mười và Tràm Chim (Ðồng Tháp). Ðến nay, nông dân huyện Tân Thạnh đã chuyển đổi hơn 1.000ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng sầu riêng, bưởi da xanh, chanh không hạt, mít Thái… Từ đó, nhiều nông dân nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Thạnh, Lê Thanh Ðông cho biết, huyện đang quy hoạch xã Tân Lập là vùng cây ăn trái đặc sản kết hợp với khu du lịch miệt vườn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An đang hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp Resfuot Tân Thạnh tại xã Tân Lập xây dựng kho chứa 5.000m2 để thu mua trái cây và giải quyết đầu ra sản phẩm cho nông dân. Ðịa phương đã xây dựng được ba mã số vùng trồng cho cây sầu riêng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các thị trường tiềm năng trên thế giới.

Ðể nâng cao thu nhập cho nông dân, tỉnh Ðồng Tháp tiếp tục thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ðịa phương đã chọn ngành hàng chủ lực là lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra để tổ chức lại sản xuất theo hướng giảm giá thành, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, gắn kết sản xuất với tiêu thụ, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản thông qua áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao.

"Tỉnh tập trung tạo sinh kế phù hợp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long bao gồm khả năng thích ứng của người dân, sinh kế và tài sản cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và tính bền vững trước những thách thức ngày càng tăng của biến đổi khí hậu; lựa chọn vùng sản xuất có khả năng phát triển theo chiều sâu, theo hướng liên vùng, tập trung ở những khu vực có điều kiện thuận lợi trên cơ sở khai thác tiềm năng sẵn có và phát huy lợi thế liên vùng, trong đó có vùng Ðồng Tháp Mười", Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho biết.

Ðể phát triển vùng Ðồng Tháp Mười, tỉnh Tiền Giang tiếp tục mở rộng các kênh thoát lũ, hoàn thiện hệ thống đê bao cấp vùng để ngăn lũ cho các khu trồng khóm kết hợp với giao thông nông thôn, xây dựng các công trình nội đồng điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Khang cho rằng, cần phát triển kinh tế vùng Ðồng Tháp Mười theo hướng nông nghiệp bền vững, quan tâm nhiều đến hiện tượng biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của nó. Từ đó, các địa phương có chiến lược tạo ra nhiều giống lúa, cây trồng, vật nuôi để thích nghi với biến đổi khí hậu; thực hiện các chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm khai thác lợi thế, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, tập trung phát triển sản xuất theo hướng chuyên canh, hiện đại, giải quyết việc làm, ổn định và nâng cao đời sống cho nhân dân. Các địa phương trong vùng Ðồng Tháp Mười cần xây dựng các khu công nghiệp kỹ thuật cao, có hàm lượng chất xám lớn, chú trọng công nghiệp chế tạo cơ khí và sản xuất hàng tiêu dùng, từng bước giảm dần gia công; bảo tồn các giá trị sinh học của vùng đất song song với việc tạo sự đột phá và ổn định đối với khu vực Ðồng Tháp Mười.

Theo ông Võ Hồng Nhân, phải áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để đưa công nghiệp sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn nhằm bảo đảm được môi trường sinh thái. Các khu, cụm công nghiệp phải có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Người dân Ðồng Tháp Mười phải sống thích nghi với biến đổi khí hậu… Chúng ta không phải chống lũ triệt để mà cần phải thiết kế bờ bao theo hướng kiểm soát lũ. Ðồng Tháp Mười cũng nên tính tới chuyện dự trữ nước ngọt để bảo đảm cho hệ sinh thái.

Các chuyên gia đánh giá, Ðồng Tháp Mười là vùng đất ngập nước có hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm. Sản phẩm bản địa vẫn là lúa gạo, trái cây, thủy sản, sen, cá đồng và cây dược liệu. Hệ sinh quyển nơi đây còn có các khu Ramsar ở Láng Sen (Long An); Khu Bảo tồn rừng tràm, Vườn Quốc gia Tràm Chim (Ðồng Tháp) và nhiều điểm du lịch đất ngập nước khác. Ðể phát huy tốt tiềm năng Ðồng Tháp Mười, các tỉnh Long An, Tiền Giang và Ðồng Tháp cần tiếp tục thảo luận về cách quản lý, chia sẻ nguồn tài nguyên thiên nhiên hợp lý để đạt được sự đồng thuận cao và hướng đến phát triển bền vững.

................................

* Bài 1: Đánh thức "con hổ ngủ"

Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 10/11/2022.