Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An nối thành công cánh tay đứt rời cho nữ công nhân

NDO - Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã chạy đua với thời gian, thực hiện nối thành công cánh tay trái bị đứt rời cho một nữ công nhân 37 tuổi do tai nạn lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Sau một tháng phẫu thuật nối tay, sức khỏe bệnh nhân L. đã ổn định, cánh tay và đầu chi đã ấm hồng, các dấu hiệu phục hồi khả quan.
Sau một tháng phẫu thuật nối tay, sức khỏe bệnh nhân L. đã ổn định, cánh tay và đầu chi đã ấm hồng, các dấu hiệu phục hồi khả quan.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Vương, Trưởng Khoa Chấn thương-Chỉnh hình (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An) cho biết: Bệnh nhân L.T.L. ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng cánh tay trái bị đứt lìa do máy xay cây keo cắt, gãy xương vai, và sốc mất máu.

Sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được đặt nội khí quản, hồi sức chống sốc; đồng thời, kíp trực đã kích hoạt báo động đỏ, hội chẩn các khoa liên quan và xác định: đây là phẫu thuật tối cấp cứu để nối cánh tay đứt rời. Kíp phẫu thuật được triển khai nhanh chóng với sự tham gia của hơn 10 bác sĩ và các kỹ thuật viên.

Theo lời kể của người nhà, khoảng hai giờ đồng hồ trước khi nhập viện, bệnh nhân L.T.L. đang vận hành máy xay cây keo thì máy bị kẹt trục lăn. Trong lúc dùng tay để gỡ vật cản, cánh tay trái của chị bị máy cuốn, dẫn đến đứt lìa 1/3 giữa cánh tay trái, gãy xương vai và đau tức ngực. Sau khi bị tai nạn, bệnh nhân được sơ cứu, phần cánh tay bị đứt rời được làm sạch, cho vào túi nylon chứa dung dịch Natri Clorid 0,9%, đặt trong thùng xốp có đá lạnh để bảo quản, và chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An để cấp cứu.

Để giảm thời gian chết của cánh tay, quá trình phẫu thuật đã triển khai song song theo các kíp: kíp lấy mạch hiển cấy ghép, kíp làm sạch đầu trung tâm, kíp làm sạch và xử lý cánh tay đứt rời (phần ngoại vi), kíp ghép xương.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Vương chia sẻ: “Đây là trường hợp đứt lìa cánh tay trái với nguy cơ phải cắt cụt nếu không được xử trí kịp thời. Để tận dụng tối đa ‘thời gian vàng’ cứu chi thể khi không còn được nuôi dưỡng bởi cơ thể, các bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu, hội chẩn với các chuyên khoa liên quan, huy động ê-kíp bác sĩ phẫu thuật mạch máu vi phẫu, chấn thương-chỉnh hình, gây mê hồi sức. Trong quá trình phẫu thuật, tất cả các thao tác đều được thực hiện khẩn trương, chính xác".

Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An nối thành công cánh tay đứt rời cho nữ công nhân ảnh 2
Các bác sĩ chạy đua thời gian phẫu thuật nối cánh tay cho bệnh nhân L.

Sau sáu giờ phẫu thuật căng thẳng, các bác sĩ đã nối thành công cánh tay trái cho bệnh nhân L.T.L. Trong và sau phẫu thuật, bệnh nhân được truyền hơn ba lít máu và được theo dõi sát sao.

Sau một tháng, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định. Hiện cánh tay và đầu chi của bệnh nhân ấm hồng, các dấu hiệu phục hồi khả quan. Bệnh nhân L.T. L. đã được xuất viện để tiếp tục điều trị tại nhà và sẽ tái khám để tập vận động, phục hồi chức năng.

Được biết, vào năm 2023, Khoa Chấn thương-Chỉnh hình (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An) cũng đã phẫu thuật nối thành công cánh tay đứt lìa cho một nữ bệnh nhân 47 tuổi ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), bị tai nạn lao động. Hiện nay, cánh tay của bệnh nhân này đã phục hồi, có thể vận động các động tác cơ bản.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Vương cũng khuyến cáo: “Khi thấy nạn nhân bị đứt rời chi thể, người dân cần gọi ngay trung tâm cấp cứu để được hỗ trợ y tế. Di chuyển nạn nhân và chi thể bị đứt rời ra khỏi nơi gây tai nạn, lấy vải hoặc ống áo, quần băng chặt phần trung tâm đồng thời lấy que gỗ hoặc vật cứng tại chỗ xoắn chặt băng gạc ép để cầm máu phần trung tâm và di chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Phần chi thể đứt rời cần được bảo quản đúng cách, tốt nhất là làm sạch các dị vật bẩn (bùn, đất, cát,…) bằng xà phòng với nước sạch, nước muối sinh lý 0,9% hoặc dung dịch sinh lý khác. Sau đó cho vào túi bóng có dung dịch Natri clorid 0,9% thổi căng phồng, buộc lại và cho vào thùng xốp có đá lạnh để bảo đảm nhiệt độ lý tưởng (4-5 độ C) (không bỏ trực tiếp vào đá tránh làm bỏng lạnh gây hoại tử tế bào chi thể sớm); đồng thời, chuyển bệnh nhân và chi thể đứt rời đến cơ sở có khả năng nối được chi thể đứt rời càng sớm càng tốt, nhất là trong “thời gian vàng”.

Sau phẫu thuật, cần theo dõi sát nguy cơ tắc mạch thứ phát, sử dụng thuốc chống đông dự phòng, sưởi ấm bằng đèn để tránh co mạch vùng ngoại biên (32-35 độ C) và chú ý dinh dưỡng, chống nhiễm khuẩn để hỗ trợ quá trình hồi phục”.