Ðều là những thị trường rộng lớn, EU và MERCOSUR là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của nhau. Nhìn nhận rõ những tiềm năng hợp tác, EU và MERCOSUR đã khởi động đàm phán FTA từ năm 1999.
Tuy nhiên, tiến trình này nhiều lần bị trì hoãn và vấp phải không ít những bất đồng giữa hai bên. Bởi vậy, mãi đến năm 2019, hai bên mới đạt được thỏa thuận về nguyên tắc, với các đề xuất mới về việc cắt giảm thuế quan.
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh MERCOSUR tại thủ đô Montevideo của Uruguay vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và các nhà lãnh đạo Argentina, Brazil, Paraguay, Uruguay chính thức thông báo hoàn tất đàm phán về thỏa thuận hợp tác mang tính đột phá giữa hai khối.
FTA giữa EU và MERCOSUR được trông đợi sẽ tạo ra một thị trường với hơn 700 triệu người, chiếm khoảng 25% GDP toàn cầu. Theo những nội dung hai bên nhất trí, FTA sẽ giảm rào cản thuế quan và phi thuế quan, qua đó thúc đẩy thương mại và đầu tư. FTA cũng sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hai bên thông qua đa dạng hóa và bảo đảm chuỗi cung ứng.
FTA giữa EU và MERCOSUR được trông đợi sẽ tạo ra một thị trường với hơn 700 triệu người, chiếm khoảng 25% GDP toàn cầu. Theo những nội dung hai bên nhất trí, FTA sẽ giảm rào cản thuế quan và phi thuế quan, qua đó thúc đẩy thương mại và đầu tư. FTA cũng sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hai bên thông qua đa dạng hóa và bảo đảm chuỗi cung ứng.
Việc hoàn tất quá trình đàm phán là một bước tiến lớn, song chặng đường để thỏa thuận được phê chuẩn và đi vào hiệu lực vẫn còn trắc trở. Về phía EU, FTA sẽ cần đa số phiếu ủng hộ tại Nghị viện châu Âu, cùng với sự chấp thuận của 15 nước thành viên đại diện cho 65% dân số của khối. Một số quốc gia thành viên, trong đó có Ðức và Tây Ban Nha, thể hiện rõ sự ủng hộ đối với thỏa thuận.
Với các nước này, MERCOSUR là thị trường xuất khẩu nhiều mặt hàng, như ô-tô, rượu vang… và cũng là nguồn cung các khoáng sản quan trọng. Tuy nhiên, một số nước, như Pháp, Ba Lan…, lâu nay phản đối thỏa thuận, viện dẫn những lo ngại về tác động đối với môi trường và ngành nông nghiệp.
Thời gian qua, người nông dân tại nhiều nước châu Âu tổ chức các cuộc biểu tình nhằm ngăn chặn thông qua FTA; cho rằng, thỏa thuận sẽ cho phép các mặt hàng giá rẻ, không đáp ứng các tiêu chuẩn xanh và an toàn thực phẩm thâm nhập thị trường EU. Ðiều này sẽ gây ra sự cạnh tranh không công bằng, khiến thu nhập của người nông dân châu Âu bị ảnh hưởng.
Ðối với MERCOSUR, FTA cần có sự chấp thuận từ cơ quan lập pháp của các nước thành viên. Việc các nhà lãnh đạo MERCOSUR mới đây đều hoan nghênh thỏa thuận cho thấy những tín hiệu lạc quan.
Các nhà lãnh đạo MERCOSUR nhận định, thỏa thuận sẽ bảo đảm thị trường cho hàng xuất khẩu của các nước thành viên và tăng cường dòng đầu tư vào các quốc gia Nam Mỹ, đồng thời củng cố cam kết của khối đối với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Dù vậy, các nhà phân tích dự đoán, tình hình chính trị, các ưu tiên kinh tế và cam kết về môi trường của mỗi nước vẫn có thể ảnh hưởng tiến trình phê chuẩn thỏa thuận.
Nhằm trấn an những lo ngại, Chủ tịch Ủy ban châu Âu khẳng định, đây là một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng ở cả hai bên.
Theo bà Leyen, FTA sẽ bao gồm các biện pháp nhằm bảo vệ các sản phẩm, cũng như sinh kế của người nông dân các nước thành viên EU. Về phía MERCOSUR, Tổng thống Argentina Javier Milei cho rằng, trong khi các nước láng giềng, như Chile và Peru, mở cửa với thế giới và ký kết các FTA với những quốc gia đi đầu trong thương mại toàn cầu, khối này lại "tự nhốt mình". Nhấn mạnh, thỏa thuận mất hơn 20 năm mới đạt được, ông Milei kêu gọi MERCOSUR đừng để các cơ hội vụt mất.