Hợp tác MERCOSUR trước nhiều khó khăn

Chào đón thành viên mới Bolivia lần đầu tham dự và khách mời Panama tăng cường hợp tác với các quốc gia Nam Mỹ là những lý do Hội nghị thượng đỉnh Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) được kỳ vọng quyết định bước mở rộng tiếp theo của Khối. Song, nhiều vấn đề nội tại, xuất phát từ quan điểm khác biệt của các nước thành viên, khiến MERCOSUR chỉ tập trung tìm giải pháp vượt qua thách thức trước mắt.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị thượng đỉnh Mercosur tại Paraguay ngày 8/7/2024. (Ảnh: TTXVN)
Hội nghị thượng đỉnh Mercosur tại Paraguay ngày 8/7/2024. (Ảnh: TTXVN)

Nước chủ nhà Paraguay hôm 8/7 đã chào đón các đại diện từ các nước thành viên MERCOSUR là Brazil, Uruguay và Bolivia dự Hội nghị thượng đỉnh của Khối. Panama cũng tham dự với tư cách khách mời đặc biệt, với mong muốn thúc đẩy quan hệ với các nước khu vực Nam Mỹ. Trước đó, phát biểu nhậm chức hôm 1/7, tân Tổng thống Panama Jose Raul Mulino công bố một chương trình nghị sự quốc tế, bày tỏ mong muốn ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với MERCOSUR. Panama cho rằng, việc ký kết FTA với MERCOSUR sẽ góp phần thúc đẩy hội nhập giữa hai khu vực Trung và Nam Mỹ.

Thông điệp từ quốc gia Trung Mỹ Panama góp thêm những mảng mầu tươi mới trong bức tranh mở rộng và phát triển của MERCOSUR, nhất là khi Khối vừa đón tin vui từ việc Bolivia chính thức trở thành thành viên của MERCOSUR. Lãnh đạo Bolivia đánh giá cao ý nghĩa chiến lược của việc Bolivia gia nhập MERCOSUR đối với tiến trình hội nhập khu vực Nam Mỹ.

Ra đời năm 1991, MERCOSUR hiện là khu vực tiếp nhận đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Nam Mỹ, với GDP lên tới 2,86 nghìn tỷ USD. Việc kết nạp thêm Bolivia, quốc gia có trữ lượng khí đốt và lithium lớn, thị trường MERCOSUR được mở rộng lên 295 triệu dân. Bolivia gia nhập MERCOSUR cũng được cho là mở ra triển vọng tăng cường thương mại và đầu tư, hợp tác về các vấn đề xã hội cho các quốc gia thành viên của Khối, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng trong khu vực. Trước đó, tháng 12/2023, MERCOSUR cũng đã ký FTA với Singapore và đây là lần đầu sau 12 năm MERCOSUR đạt được thỏa thuận thương mại với một đối tác ngoài Khối.

Nhưng những tin vui về mở rộng Khối không khỏa lấp được những vấn đề mà MERCOSUR đang đối mặt. Việc Tổng thống Argentina Javier Milei bỏ qua cơ hội quan trọng để "làm tan băng" căng thẳng với người đồng cấp Brazil, khi quyết định không tham dự Hội nghị thượng đỉnh hôm 8/7 khiến nhiều lãnh đạo của Khối thất vọng. Lo ngại về khủng hoảng chưa từng có tiền lệ gia tăng do căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Brazil và Argentina - hai quốc gia chủ chốt trong Khối. Thậm chí, những người bi quan còn lo ngại về "tương lai không chắc chắn" của MERCOSUR, liên quan tình hình hội nhập hạn chế của khu vực, đặc biệt là sự bế tắc trong đàm phán FTA với Liên minh châu Âu (EU), cũng như những khó khăn trong đàm phán với Trung Quốc.

MERCOSUR là thị trường vô cùng tiềm năng và có nền tảng để đa dạng hóa, mở rộng quan hệ với thế giới. Tuy nhiên, hiện các nước thành viên chưa khai thác hết dư địa.

Bộ trưởng Ngoại giao Argentina

Dù các thành viên MERCOSUR nhiều lần bày tỏ mong đợi tiến trình hội nhập sâu rộng hơn, song Khối vẫn phải chấp nhận rằng, đàm phán FTA giữa khu vực với EU không tiến triển như mong đợi sau hơn 20 năm thương thuyết, nhằm thiết lập một không gian thương mại chung với khoảng 700 triệu người tiêu dùng. Trong khi nội bộ MERCOSUR chưa đồng thuận về dự thảo thỏa thuận, một số quốc gia châu Âu, nhất là Pháp, lại phản đối ký kết FTA do lo ngại ngành nông nghiệp EU không cạnh tranh được với nông phẩm các nước Nam Mỹ. Tại Hội nghị thượng đỉnh vừa qua, đại diện Uruguay thừa nhận rằng, nếu MERCOSUR không thúc đẩy đàm phán với Trung Quốc, Uruguay buộc phải tiến hành đàm phán song phương.

Bộ trưởng Ngoại giao Argentina nhấn mạnh, MERCOSUR là thị trường vô cùng tiềm năng và có nền tảng để đa dạng hóa, mở rộng quan hệ với thế giới. Tuy nhiên, hiện các nước thành viên chưa khai thác hết dư địa. Argentina kêu gọi hiện đại hóa cấu trúc, nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại, cả nội khối lẫn ngoại khối. Theo đó, MERCOSUR cần bãi bỏ các quy định, hàng rào thuế quan được cho là "không hoàn hảo", cản trở phát triển ở khu vực, cũng như hội nhập quốc tế.

Hội nghị thượng đỉnh tại Paraguay đã tạo cơ hội để các thành viên MERCOSUR nhận diện rõ hơn về thử thách và đề xuất các giải pháp mới. Tổng thống Paraguay nhấn mạnh rằng, thay vì hành động riêng lẻ, các nước cùng nhau chinh phục các thị trường thế giới, củng cố hợp tác và hội nhập khu vực.