Không để trẻ em nào phải bỏ lại phía sau

Trong những năm qua, nhờ sự nỗ lực chung tay từ các cấp, các ngành, tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng ở hầu hết các địa phương, địa bàn khó khăn đã có chiều hướng giảm. So với các tỉnh, thành phố trong cả nước, Lào Cai vẫn nằm trong tốp đầu về tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi. Với mục tiêu “Không để trẻ em nào phải bỏ lại phía sau” ngành y tế Lào Cai đang nỗ lực cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ em vùng cao.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ y tế hướng dẫn nấu bột cho người dân.
Cán bộ y tế hướng dẫn nấu bột cho người dân.

Vẫn còn những câu chuyện buồn

Căn nhà lụp xụp của chị Giàng Thị Dúa, thôn Mào Seo Phìn, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai nằm ven sườn núi. Là lao động chính của gia đình, nhưng trông chị nhỏ thó, ốm yếu bởi nghèo khó bủa vây. Khi sinh con, do thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc, ăn uống lại không đủ chất cho nên cả hai mẹ con bị suy dinh dưỡng. Đôi mắt ngấn lệ, Dúa chia sẻ: “Cuộc sống khó khăn, lúc mình sinh đứa thứ hai được hơn 1 tháng thì chồng lại đi làm ăn xa. Một mình vừa chăm con vừa phải làm nương, nên cháu lớn nhà mình được 3 tuổi chỉ nặng 6 cân thôi”. Mặc dù cán bộ y tế địa phương đến tận nhà phát sản phẩm dinh dưỡng và hướng dẫn Dúa nấu thức ăn đủ chất dinh dưỡng, nhưng tình trạng vẫn không cải thiện vì con bị suy dinh dưỡng thể nặng.

Anh Giàng Seo Hòa tất tả bế con đến Trạm Y tế xã A Lù, huyện Bát Xát khám bệnh. Con trai anh là cháu Giàng Seo Dũng đã hơn 1 tuổi, nhưng cân nặng chỉ được gần 7kg, thuộc suy dinh dưỡng mức độ 1. Nhìn con ho và quấy khóc, anh Hòa lo lắng: “Từ khi cai sữa, vợ tôi cho cháu tập ăn cơm, nhưng cháu lười ăn, lại hay bị ốm. Nhà neo người, nên khi đi làm nương tôi phải cõng cháu theo. Còn vợ tôi phải chăm sóc cháu thứ hai mới sinh được 3 tháng tuổi. Kinh tế khó khăn, bữa cơm hằng ngày chủ yếu là rau”.

Không để trẻ em nào phải bỏ lại phía sau ảnh 1

Mỗi lần sinh hoạt câu lạc bộ cán bộ y tế sẽ kết hợp cân đo để theo dõi sự phát triển của trẻ.

Đây chỉ là 2 trong những câu chuyện về những đứa trẻ bị suy dinh dưỡng ở một số địa phương ở vùng cao Lào Cai. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lào Cai, trong tổng số trẻ suy dinh dưỡng, số trẻ là người dân tộc thiểu số chiếm đến 82,8%, chủ yếu tập trung ở các xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân là nhiều gia đình cuộc sống khó khăn, bữa ăn hằng ngày rất đạm bạc, nên trẻ em bị thiếu chất ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ, khi trẻ sinh ra lại không được ăn uống đầy đủ chất, nên hay ốm, suy nhược cơ thể dẫn tới còi cọc, chậm lớn. Thêm vào đó, những ông bố, bà mẹ trẻ ở vùng cao lại thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ đã khiến tình trạng suy dinh dưỡng nặng hơn. Trẻ em dưới 5 tuổi đang trong giai đoạn quan trọng về phát triển thể lực và trí tuệ, nếu bị suy dinh dưỡng sẽ để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển.

Đổi thay từ một mô hình

Những cơn mưa triền miên khiến con đường dẫn đến thôn Tả Câu Liềng, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát trở nên trơn trượt lầy lội. Từng mảng đất đều ngậm nước, dễ dàng bong ra, bám chặt vào chiếc bánh xe quay tròn, két lại ở thanh chắn bùn. Ở những đoạn lên dốc tiếng xe máy ga khét lẹt, khi trồi lên, lúc hụp xuống, khiến những tay lái cứng cũng phải ái ngại. Nhưng trên con đường ấy, dù nắng hay mưa chị Bùi Thị Xuân, cán bộ y tế phụ trách công tác dinh dưỡng xã Cốc Mỳ vẫn lặn lội đến với người dân trên đỉnh núi cao. Chị chia sẻ: "Mặc dù đi lại vất vả, nhưng đến nơi thấy người dân cần tìm đến mình là thấy vui rồi".

Không để trẻ em nào phải bỏ lại phía sau ảnh 2

Người dân địu con đến tham gia câu lạc bộ.

Trên những con đường thấp thoáng sương mờ, tiếng bước chân của các bà mẹ đang địu con bắt đầu nhộn nhịp. Nhìn những đứa trẻ vẫn say giấc trên lưng mẹ, tiếng trưởng thôn điểm danh từng người, cùng lời hỏi thăm ân cần của cán bộ y tế… tất cả tạo nên một không gian ấm áp thân quen. Tại đây, người dân được hướng dẫn cách nấu bột và tư vấn chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, việc tưởng chừng rất bình thường nhưng lại là điều lạ lẫm đối với các bà mẹ trẻ ở đây. Chị Giàng Thị Khoa, thôn Tả Câu Liềng chia sẻ: "Con em đến độ tuổi ăn bột rồi nhưng em chưa biết cách nấu, hôm nay biết có người của trạm y tế lên hướng dẫn, em thu xếp đến học để về nấu cho con ăn, mong con mau lớn".

Mùi thơm được tỏa ra từ những bát bột nóng hổi với màu sắc bắt mắt được chị Xuân nấu từ thực phẩm có sẵn tại thôn. Vừa phát cho các bà mẹ để cho con ăn thử, chị Xuân vừa hướng dẫn cách nấu bằng tiếng H’Mông. Nhờ cách làm đặc biệt này, mà những bà mẹ người dân tộc nơi đây rất hào hứng tham gia. Chị Bùi Thị Xuân cho biết, qua quá trình tuyên truyền vận động và hướng dẫn trực tiếp thì không chỉ các bà mẹ mà các ông bố cũng biết cách chăm sóc con nhỏ đang trong độ tuổi phát triển, phụ nữ mang thai ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, phù hợp với kinh tế địa phương.

Không để trẻ em nào phải bỏ lại phía sau ảnh 3

Những câu lạc bộ này được đặt ở những thôn bản khó khăn của tỉnh Lào Cai.

Tả Câu Liềng là thôn nghèo nhất của xã Cốc Mỳ với 100% là người H’Mông sinh sống, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng luôn ở mức cao. Mô hình "Cải thiện thực hành chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ dựa vào cộng đồng" được triển khai từ cuối năm 2022, đến nay đã cho thấy hiệu quả rõ rệt: Từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2024, tỉ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân từ 14,79% còn 11,3%; thể thấp còi từ 25,84% giảm xuống còn 23,6%. Anh Vàng A Dơ, y tá thôn Tả Câu Liềng cho biết: "Trước đây trẻ em được nuôi dưỡng bằng cơm, từ khi có mô hình này bà con đã biết dùng những thực phẩm sẵn có ở nhà để nấu bột cho con ăn nhằm bảo đảm đầy đủ chất dinh dưỡng và dễ tiêu hóa".

Xã Cốc Mỳ cũng như rất nhiều xã khó khăn trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em bằng nhiều hình thức. Có 51 mô hình "Cải thiện thực hành chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ dựa vào cộng đồng" đang được triển khai hiệu quả trong tỉnh, tập trung chủ yếu vào chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho trẻ tại 22 xã vùng cao, do người dân thực hiện, chính quyền địa phương chỉ đạo và y tế hỗ trợ về chuyên môn.

Để tiếp tục duy trì thành quả mô hình dinh dưỡng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, ngành y tế đã phối hợp chính quyền địa phương nâng cao ý thức trách nhiệm, tổ chức thực hiện, triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của dinh dưỡng hợp lý đối với sự phát triển của trẻ tại cộng đồng.

Nỗ lực vì tương lai

Ngành y tế Lào Cai cũng đang triển khai đồng bộ các can thiệp nhằm cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em như bổ sung đa vi chất cho phụ nữ mang thai; bổ sung Vitamin A liều cao cho bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng, cho trẻ 6 đến 60 tháng tuổi định kỳ 2 lần/năm; tẩy giun cho trẻ 2 tuổi đến học tiểu học và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Đặc biệt chú trọng công tác truyền thông, tư vấn vận động cho bà mẹ, người chăm sóc trẻ nhằm thay đổi nhận thức, tư duy cũng như hành vi về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em; tăng cường giám sát hỗ trợ theo hình thức cầm tay chỉ việc tại hộ gia đình sử dụng nguồn lương thực, thực phẩm sẵn có trong nhà nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn; thường xuyên khám, phát hiện trẻ suy dinh dưỡng cấp tính để tiếp nhận điều trị.

Không để trẻ em nào phải bỏ lại phía sau ảnh 4
Sau khi nấu, những đĩa bột đều được các em nhỏ ăn ngon miệng.

Ông Lục Hậu Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế Lào Cai cho biết: "Trong những năm qua ngành y tế Lào Cai triển khai đồng loạt các biện pháp để giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các huyện có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao, các xã vùng sâu, vùng xa. Công tác chăm sóc sức khỏe 1.000 ngày đầu đời cho trẻ rất quan trọng và ý nghĩa để phòng chống bệnh suy dinh dưỡng và phòng chống bệnh sau này".

Trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2025, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 26,7%, tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn dưới 13% và tầm nhìn đến năm 2045, mọi người dân đạt được tình trạng dinh dưỡng tối ưu, kiểm soát tốt các bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Giàng Thị Dung nhấn mạnh: "Sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của người dân, để mỗi hộ nghèo nỗ lực vươn lên, phấn đấu để thoát nghèo".