Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 26/10, tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự phiên họp tổ tại Tổ 13 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk).
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, khối lượng công việc của Quốc hội tại Kỳ họp này rất lớn do tình hình khó khăn chung, đòi hỏi Quốc hội phải làm việc nhiều hơn, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trên tinh thần “khó đâu gỡ đó”.
Thời gian qua, Quốc hội rất đồng hành với Chính phủ để đổi mới công tác xây dựng pháp luật nhằm xây dựng hệ thống pháp luật chuyên nghiệp, tuổi thọ lâu. Muốn hệ thống pháp luật chuyên nghiệp, tuổi thọ lâu thì chính các đại biểu Quốc hội phải ra sức tích cực, quyết tâm, quyết liệt. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung cao độ, phấn đấu xem xét, thông qua được 18 luật.
Quang cảnh phiên làm việc chiều 26/10 tại Tổ 13. (Ảnh: DUY LINH) |
“Cử tri và Nhân dân rất kỳ vọng vào Kỳ họp thứ 8 để Quốc hội quyết sách những vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước. Nhân dân tin tưởng, Quốc hội phải làm việc hết sức mình”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ghi nhận, đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong năm 2024, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Nghị quyết của Đảng đúng đắn, Quốc hội thể chế hóa, cụ thể hoá, Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện, chúng ta vượt qua được những khó khăn, thử thách.
Chủ tịch Quốc hội cũng dành thời gian phân tích những hạn chế, tồn tại; đồng thời chỉ ra điểm nghẽn trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2024. Đồng chí cũng nêu một số vấn đề trọng tâm cần lưu ý trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới:
Một là, việc ban hành văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành luật chưa bảo đảm tiến độ. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh tại phiên thảo luận. Chủ tịch Quốc hội nhất trí với đề nghị của các đại biểu về việc cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Hai là, thị trường tài chính, ngân hàng tiếp tục có một số biến động cần phải được theo dõi chặt chẽ, nhất là trong những tháng cuối năm nay và đầu năm sau.
Ba là, thị trường bất động sản, nhà ở còn nhiều bất cập. Chênh lệch giữa giá nhà ở và thu nhập của người dân còn quá lớn, giá nhà ở bình quân bằng 25 lần thu nhập bình quân đầu người của người dân khu vực đô thị. Nguồn cung bất động sản dồi dào, nhưng cơ cấu sản phẩm bất động sản không hợp lý. Cùng với đó là các vấn đề về cấp tín dụng cho thị trường bất động sản, phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, phát triển nhà ở xã hội…
Cần kiểm soát hiện tượng đầu cơ, thổi giá bất động sản
Bốn là, xuất khẩu là điểm sáng năm 2024, cán cân thương mại 8 tháng năm 2024 ước thặng dư gần 19,1 tỷ USD. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần lưu ý triển vọng kinh tế toàn cầu còn khó khăn, thiếu bền vững, đặc biệt sức mua tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… còn yếu.
Nhiều nước gia tăng các hàng rào kỹ thuật, biện pháp bảo hộ thương mại, điều tra chống bán phá giá, thúc đẩy thực thi các tiêu chuẩn, tiêu chí mới về thương mại và đầu tư quốc tế.
“Đây là những vấn đề sẽ tác động tới cán cân thương mại của Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, xuất siêu còn phụ thuộc vào khu vực FDI: 8 tháng đầu năm, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu đạt 15,7 tỷ USD; khu vực FDI xuất siêu đạt 34,77 tỷ USD”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Về giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đã gợi mở nhiều nhóm giải pháp quan trọng. (Ảnh: DUY LINH) |
Năm là, thị trường lao động còn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, khu vực, ngành, nghề kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao (tính chung 9 tháng là 7,92%, tăng 0,29 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).
Chất lượng cung lao động còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện đại; đến nay có khoảng 37,8 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. Bên cạnh đó, cần lưu ý tình trạng già hóa dân số (dự báo chỉ số già hóa của cả nước vào các năm 2029, 2049, 2069 sẽ tương ứng là 78,0; 131,3 và 154,5).
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần đánh giá cụ thể hơn về tác động của tình trạng này đến thị trường lao động cũng như toàn xã hội.
Sáu là, tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, điển hình như việc thiếu nước, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long vào đầu năm; bão lũ, mưa lớn kéo dài tại miền Bắc và miền Trung vào giữa năm. Đặc biệt là cơn bão số 3 gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo tăng cường hiệu quả công tác dự báo, phòng, chống thiên tai, đồng thời có những giải pháp đồng bộ hơn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.
Về giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đã gợi mở nhiều nhóm giải pháp quan trọng, bao gồm: Tăng cường điều chỉnh chính sách tài khoá phù hợp, hiệu quả hơn trong năm 2025; ngăn chặn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản kết hợp với kiểm soát tốt số lượng nhà ở được xây dựng mới; quan tâm thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp để vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh...
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển; đồng thời kích thích tiêu dùng, mở rộng nhu cầu tiêu dùng trong nước; bảo đảm nguồn cung và giá cả ổn định với các mặt hàng thiết yếu trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Cũng tại phiên thảo luận tại Tổ 13, các vấn đề xã hội tiếp tục nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội. Các đại biểu đánh giá cao những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; đồng thời cũng cho rằng, vẫn còn một số thách thức tồn tại. Nổi bật trong số này là tình trạng hoạt động của nhiều doanh nghiệp còn gặp khó, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường còn lớn...
Các đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.