Chiều 17/10, tại thành phố Đà Lạt, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị đánh giá kết quả đạt được và các khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh.
Gỡ khó để phát triển du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Theo đánh giá, Lâm Đồng là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm mô hình du lịch canh nông, kết hợp du lịch và sản xuất nông nghiệp; nên hiện nay, vẫn còn thiếu các hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành Trung ương trong quá trình tổ chức thực hiện điểm du lịch canh nông, dẫn đến quản lý loại hình du lịch canh nông tại tỉnh Lâm Đồng theo đề án thí điểm gặp nhiều khó khăn, phát sinh các vấn đề phức tạp.
Đại diện điểm du lịch canh nông trên địa bàn thành phố Đà Lạt phát biểu ý kiến tại hội nghị. |
Tại hội nghị, các ý kiến của đại diện doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân tập trung nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai mô hình du lịch canh nông, như quy định về sử dụng đất kết hợp đa mục đích; trong đó, vướng mắc lớn nhất là trong xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ du lịch, như xây dựng điểm đón khách, lưu trú, chuồng trại cho các loài thú phục vụ du lịch; về tiêu chí về xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, tỷ lệ công trình có mái và không có mái che trên đất nông nghiệp, phi nông nghiệp; chuyển đổi đất nông nghiệp thành phi nông nghiệp; khó khăn trong trong quy trình, thủ tục cấp phép, tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ…
Trên cơ sở ý kiến đề xuất, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch canh nông; tại hội nghị, đại diện các sở ngành và địa phương liên quan đã có những giải đáp trực tiếp, đồng thời ghi nhận các ý kiến để nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng có phương án xử lý.
Lãnh đạo địa phương, sở ngành liên quan giải đáp kiến nghị của các tổ chức, cá nhân là chủ thể mô hình du lịch canh nông trên địa bàn Lâm Đồng. |
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S nhấn mạnh, du lịch canh nông là loại hình du lịch mới, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh và bước đầu đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế địa phương nói chung và ngành du lịch.
Từ năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh và ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển loại hình du lịch này, như bộ tiêu chí công nhận mô hình “tuyến du lịch canh nông”, “điểm du lịch canh nông”... Đến nay, tỉnh Lâm Đồng có 17 điểm du lịch canh nông được cấp thẩm quyền chứng nhận, trong đó có 3 điểm đạt chuẩn quốc tế.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S phát biểu kết luận hội nghị. |
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, du lịch canh nông tại Lâm Đồng còn có những khó khăn, hạn chế, như quy mô diện tích quá nhỏ nên không đủ điều kiện xây dựng các thể chế về hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật; chủ thể chưa hiểu nhiều về du lịch canh nông nên chưa có định hướng chiến lược dài hạn; hướng dẫn viên loại hình du lịch này chưa được đào tạo bài bản; sản phẩm du lịch canh nông liên quan Luật Du lịch, Luật Đất đai, Luật Xây dựng nên còn vướng về mặt thể chế.
Để du lịch canh nông góp phần phát triển du lịch xanh, bền vững theo định hướng phát triển du lịch của tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S đề nghị chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị liên quan khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển du lịch canh nông, để tiếp tục xây dựng thương hiệu du lịch canh nông Lâm Đồng; các cơ quan chức năng, chính quyền cần hướng dẫn cụ thể về thể chế cho các chủ thể du lịch canh nông dễ làm, dễ hiểu, đúng quy định và tính khả thi cao; các chủ thể cần tuân thủ các quy định trong quá trình triển khai xây dựng điểm du lịch canh nông.
Du khách trải nghiệm tại điểm du lịch canh nông Avocado Farm, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng. |
Trong đó, giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về quy định phương án sử dụng đất đa mục đích; giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh xây dựng bộ tiêu chí để công nhận điểm du lịch canh nông phù hợp điều kiện thực tế; các địa phương trong tỉnh tiếp tục thông tin để mọi người, nhất là thế hệ trẻ khởi nghiệp biết và tiếp cận các nguồn vốn để phát triển du lịch canh nông.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, từ năm 2018 đến nay, tổng lượt khách đến tham quan, trải nghiệm các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh đạt hơn 7 triệu lượt.