Khai mở tiềm năng
Chúng tôi rời những dốc phố Ðà Lạt, chậm chậm trên cung đường qua làng hoa Vạn Thành, một trong năm làng hoa truyền thống của thành phố cao nguyên. Từ trên cao đã thấy cung bậc của sắc hoa hồng, salem, cẩm chướng, đồng tiền rực rỡ, trải dài theo triền núi, uốn lượn mềm mại bên bờ suối Cam Ly huyền thoại. Chị Kiều Oanh, một người dân làng hoa Vạn Thành nhiệt tình khoe với chúng tôi: "Ở đây, hoa nở quanh năm, nên mọi người có thể tham quan bất cứ lúc nào. Bên những khoảnh khắc cùng sắc hoa Ðà Lạt, khách còn được chứng kiến cảnh sản xuất, thu hoạch hoa từ sáng tinh sương, hay khi hoàng hôn phủ xuống". Ngay giữa làng hoa là cả một không gian du lịch rau thủy canh. Nắng lên dịu nhẹ, lấp loáng trên dải nhà kính bao phủ thung lũng. Bên trong mỗi nhà kính, chủ nhân xây dựng những bậc thang vừa đủ để du khách tham quan vườn với các lối đi được trang trí nhiều loài hoa. Khu du lịch này hiện đang thu hút lượng khách rất lớn trên hành trình khám phá xứ Hoa. Chị Lan Hương, một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh mà chúng tôi gặp ở Vạn Thành vui vẻ nhận xét: "Rất thú vị. Ðến đây được trải nghiệm hai trong một, vừa tìm hiểu kiểu trồng rau ở lưng chừng trời, vừa được làm dáng cùng hoa trong tiếng nhạc dặt dìu theo từng bước chân".
Ngược phía núi Lang Biang, chúng tôi vào thăm không gian cà-phê Green Box, trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 7, TP Ðà Lạt, một không gian cà-phê lãng mạn, được "bao bọc" bởi những vườn rau công nghệ cao. Chủ nhân của quán, đồng thời là Giám đốc Công ty TNHH Langbiang Farm với khu trang trại rộng gần 30 ha là ông Trần Huy Ðường, một người từng công tác trong ngành thông tin và có nhiều hiểu biết về nông nghiệp công nghệ cao. Sớm nhận thức được xu hướng phát triển và lợi thế của điều kiện tự nhiên Ðà Lạt, ông Ðường đã chủ động xin nghỉ việc công sở để bắt tay đầu tư, thực hiện những đam mê của mình. Ông chia sẻ: "Tôi mới làm du lịch canh nông, chưa được lâu như nhiều người ở đây, song trang trại lại có sự phát triển nhanh chóng bởi tôi có cách làm khác biệt. Trong khu vườn công nghệ cao, tôi chia diện tích hợp lý để trồng rau, hoa và mở quán cà-phê, cung cấp nông sản an toàn. Du khách đến đây vừa có thể thưởng thức cà-phê trong không gian xanh vừa an tâm khi tận tay thu hái sản phẩm".
Vốn chỉ quen với ruộng vườn, nhưng giờ đây, nhiều nhà nông ở vùng đồi chè Cầu Ðất và xã Trạm Hành đã mạnh dạn thử sức với công việc mới là làm du lịch. Ít ai nghĩ rằng, những công việc nhà nông, như chăm sóc cây, thu hoạch nông sản lại có lúc trở thành "sản phẩm" phục vụ khách du lịch. Giống như nhiều nông hộ trong xã Trạm Hành, gia đình chị Hồng Loan trước đây chủ yếu sống bằng nghề nông, nhưng nay mở cửa đón khá đông khách du lịch trải nghiệm các công đoạn làm hồng treo gió. Trong thời gian ngắn, vườn hồng và cơ sở hồng sấy gió của chị Loan đã được nhiều người gần xa biết tiếng. Anh Lê Hoàng, một du khách đến từ Cần Thơ cho biết: "Chúng tôi đã đến khá nhiều điểm du lịch nổi tiếng Ðà Lạt, nhưng lần này được trải nghiệm đồi chè Cầu Ðất, vào xem những công đoạn làm hồng sấy gió rất thú vị lại còn được tận tay chọn mua sản phẩm ngon và rẻ".
Thời gian qua, nhiều đoàn khách đã tìm đến các nhà vườn, trang trại tại Ðà Lạt - Lâm Ðồng để cùng ở, cùng làm nghề và trải nghiệm cuộc sống của người nông dân thời công nghiệp 4.0. Tại miền đất được thiên nhiên ưu đãi, cùng một nền nông nghiệp công nghệ cao đang ngày càng phát triển, nhiều nhà nông nơi đây đã hướng đến loại hình du lịch canh nông. Có thể nêu lên các điểm đến nổi tiếng như vườn lan YSA Orchid, vườn dâu Thanh Trung, vườn rau hợp tác xã Xuân Hương, trang trại Biofresh, trang trại rau thủy canh Ðức Tín, vườn hoa Dalat Hasfarm… Ngoài việc "xuất khẩu" sản phẩm tại chỗ, du lịch canh nông còn giúp thương hiệu nông sản của người nông dân Ðà Lạt - Lâm Ðồng lan xa…
"Ðiểm nghẽn" cần tháo gỡ
Lâm Ðồng là một trong số những địa phương đầu tiên trong cả nước sớm có định hướng dài hạn, áp dụng mô hình du lịch canh nông dựa trên cơ sở phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong các nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại; phát triển du lịch chất lượng cao của Tỉnh ủy Lâm Ðồng, luôn luôn xác định du lịch nông nghiệp là sản phẩm mới, có tính cạnh tranh cao và là nét khác biệt tạo nên thương hiệu du lịch Ðà Lạt - Lâm Ðồng. Ðây là những sản phẩm phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu của du khách, cần ưu tiên phát triển.
Ðến nay, tỉnh Lâm Ðồng đã có hơn 54 nghìn héc-ta sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chiếm 19,5% diện tích đất canh tác. Nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiệm cận nông nghiệp 4.0, có 19 nông sản được đăng ký thương hiệu và hơn 940 trang trại, năm làng hoa truyền thống. Tỉnh Lâm Ðồng cũng đã ban hành bộ tiêu chí công nhận mô hình "tuyến du lịch canh nông", "điểm du lịch canh nông"; toàn tỉnh đã công nhận 23 điểm du lịch canh nông. Theo khảo sát du khách của nhóm nghiên cứu Khoa Quản trị Du lịch, Trường đại học Ðà Lạt, có 43,5% du khách đến Ðà Lạt đã ghé thăm nhà vườn. Qua đó, có thể thấy một thị trường khách khá triển vọng với du lịch canh nông. Theo Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng: "Cùng với thương hiệu du lịch Ðà Lạt, 15 năm qua, tỉnh Lâm Ðồng đã phát triển tốt nông nghiệp công nghệ cao; đa dạng cây trồng, vật nuôi, với 34 loại; tạo nền tảng để phát triển du lịch canh nông".
Tiềm năng, lợi thế đã rõ, nhưng nhìn nhận một cách khách quan, hiện tại, các hoạt động du lịch canh nông vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ; sản phẩm chưa thật sự hấp dẫn, trùng lặp và ít được chú trọng về thương hiệu, hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn sản phẩm nông nghiệp mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách, cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách qua khai thác các dịch vụ bổ trợ. Vấn đề tiếp thị, quảng cáo sản phẩm nông nghiệp chưa được chú trọng; nhiều nông hộ chủ yếu chú ý việc tạo ra sản phẩm, ít quan tâm đến vấn đề tiếp cận thị trường, cũng như kỹ năng phục vụ du lịch nông nghiệp; nguồn nhân lực còn thiếu và yếu… Việc liên kết phát triển du lịch nông nghiệp giữa các địa phương trong tỉnh và giữa các tỉnh trong vùng còn hạn chế. Giám đốc Công ty TNHH Langbiang Farm Trần Huy Ðường chia sẻ: "Ðể phát triển du lịch canh nông, chúng ta phải thực hiện bài bản, không thể nóng vội. Phải trả lời cho được câu hỏi, du khách cần gì? Cơ sở kinh doanh du lịch nông nghiệp được gì? Như thế mới bắt tay vào làm thành công được. Sau đó, Nhà nước phải vào cuộc, có cơ chế, chính sách và hướng dẫn thực hiện". Theo ông Trần Huy Ðường: "Hiện đã có vài nơi xây dựng xong mô hình, nhưng sở này thì khen, cơ quan quản lý khác của Nhà nước thì nói vi phạm. Rõ ràng là vậy, khi du lịch canh nông thì làm trên đất nông nghiệp, mà đất nông nghiệp thì không được xây dựng, đó là vướng mắc trước mắt cần được tháo gỡ".
Trao đổi với chúng tôi về những "điểm nghẽn" này, Tiến sĩ Phạm S cho rằng: "Do mới hình thành, cho nên mô hình này còn một số hạn chế, như chưa có quy hoạch trước, chưa có sự sẵn sàng về hạ tầng, vì vậy còn phát triển manh mún, chưa được kết nối thành khu du lịch canh nông trong một vùng. Trong khi đó, nguồn nhân lực và sự kết nối giữa du lịch với tiêu thụ nông sản còn hạn chế. Việc quảng bá, xây dựng các tiêu chí về các điểm du lịch canh nông cũng là vấn đề đang cần những giải đáp thiết thực".
Thực tế là nhiều nông dân đã tự "tạo điều kiện" để mời gọi, thu hút du khách tham quan vườn rau, vườn hoa của mình trong thời gian qua. Họ đang rất cần sự vào cuộc từ chính quyền địa phương và các ngành liên quan. Thạc sĩ Lê Quốc Ðức, chủ trang trại rau thủy canh Ðức Tín cho biết: "Cái mà chúng tôi đang cần là sự hỗ trợ về hạ tầng giao thông, cơ chế đặc thù trong xây dựng công trình phụ tại điểm du lịch canh nông, như bãi đậu xe, khu vệ sinh, giới thiệu sản phẩm…; đào tạo thuyết minh viên và điều cốt lõi là sự liên kết, chia sẻ lợi ích giữa nhà vườn và các hãng lữ hành".
Từ những kết quả bước đầu và những khó khăn, bất cập, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, cần có quy hoạch để phát triển các cơ sở du lịch canh nông bảo đảm sự đa dạng về loại hình, đồng thời giúp cho công tác quản lý tốt hơn. Cùng với đó, xây dựng được mô hình và sản phẩm du lịch đặc thù, gắn với những tiềm năng, lợi thế tự nhiên, cũng như nét đặc sắc, riêng có về văn hóa, con người Ðà Lạt - Lâm Ðồng, không để trùng lặp gây nhàm chán. Ðồng thời, phát huy hiệu quả vai trò chủ thể của các chủ trang trại, doanh nghiệp, hộ nông dân trong tổ chức thực hiện mô hình du lịch nông nghiệp; có chính sách xúc tiến, quảng bá du lịch nông nghiệp hiệu quả; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ phục vụ du lịch... Ngoài các dịch vụ du lịch gắn với hoạt động nông nghiệp, yêu cầu chất lượng dịch vụ phải chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, phải tạo dựng sự hấp dẫn thẩm mỹ kiến trúc đối với các công trình.
Theo lãnh đạo tỉnh, thời gian tới, tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tìm hướng nhân rộng các mô hình du lịch canh nông đạt kết quả tốt, tham mưu chính sách hỗ trợ hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực tương xứng và tăng cường quảng bá nhằm tạo điều kiện tốt nhất có thể cho loại hình du lịch đặc trưng này của Ðà Lạt- Lâm Ðồng phát triển. Phải "biến" cái tự phát thành quy chuẩn để quản lý và phát huy thế mạnh của du lịch canh nông Lâm Ðồng. Ðây cũng là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ở buổi làm việc mới đây với lãnh đạo tỉnh Lâm Ðồng, trong đó nhấn mạnh ba định hướng chính: Lâm Ðồng cần phát triển nông nghiệp sạch công nghệ cao, công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp và du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao.