Phát triển mạnh hệ thống ngân hàng số, chứng khoán số
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành một trung tâm tài chính quốc tế, đóng vai trò cung cấp các dịch vụ tài chính bao gồm huy động vốn, đầu tư, tiết kiệm, thanh toán, phát hành sản phẩm tài chính…; ban đầu là phát triển các nền tảng vững chắc của một trung tâm tài chính quốc gia (NFC), sau đó trở thành trung tâm tài chính khu vực (RFC), tiến tới trung tâm tài chính quốc tế (IFC) và toàn cầu (GFC). Đó là mục tiêu của Đề án “Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh” vừa được Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo đề án, định hướng phát triển trung tâm tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh là phát triển mạnh hệ thống ngân hàng số và thị trường chứng khoán số, hội nhập vào các mạng lưới ngân hàng và thị trường chứng khoán toàn cầu; từng bước áp dụng các chính sách gỡ bỏ kiểm soát ngoại tệ đã xây dựng ở giai đoạn 2 (nếu có) và cho phép sử dụng một đồng ngoại tệ chuyển đổi (như USD) cho các giao dịch phát sinh trong phạm vi trung tâm tài chính…
Phạm vi, mô hình không gian phát triển, mô hình quản lý trung tâm tài chính Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được phát triển dựa trên khu phố tài chính ở trung tâm hiện hữu thuộc Quận 1 và hình thành khu phố tài chính ở Thủ Thiêm. Hai khu phố này sẽ bổ sung cho nhau với các dịch vụ tài chính truyền thống vẫn sẽ tập trung ở khu phố tài chính hiện tại; các dịch vụ tài chính có tính sáng tạo sẽ tập trung ở khu phố mới (thành phố Thủ Đức).
Về lộ trình thực hiện, giai đoạn 1 (2025-2028) sẽ xây dựng khung pháp lý cơ bản của trung tâm tài chính; rà soát các quy định rộng hơn trong lĩnh vực tài chính, thực hiện các cải cách hành chính cơ bản trong ngành tài chính; thành lập các thể chế quản trị chủ chốt. Giai đoạn 2 (2029-2035) sẽ là quá trình thiết lập trung tâm tài chính kế thừa thành tựu trong giai đoạn đầu và cải thiện thứ hạng của trung tâm tài chính Thành phố Hồ Chí Minh so với các trung tâm tài chính ở khu vực châu Á. Giai đoạn 3 (từ năm 2035 trở đi) là quá trình củng cố vị thế là một trung tâm tài chính nổi bật trong khu vực và không chỉ dừng ở việc thiết lập nền tảng hay thu hút các nhà đầu tư.
Danh mục lĩnh vực ngành nghề tham gia vào trung tâm tài chính Thành phố Hồ Chí Minh gồm: Các dịch vụ và hoạt động tài chính, ngân hàng; quản lý tài sản; các hoạt động giao dịch; lưu trữ, xử lý và phân phối tất cả các loại hàng hóa và kim loại đơn thuần; công nghệ tài chính và dịch vụ thanh toán; các hoạt động và dịch vụ ký quỹ, thanh toán, thanh toán bù trừ và lưu ký; môi giới tài chính và tiền tệ; mua, bán và phát hành cổ phiếu, trái phiếu, các công cụ tài chính khác; dịch vụ bảo hiểm, tái bảo hiểm và môi giới bảo hiểm; khu vui chơi giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng, khách sạn; kinh doanh bất động sản, cao ốc văn phòng, căn hộ cho thuê…
Cần cơ chế ưu tiên
Việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá sẽ tạo ra các nhân tố thu hút các định chế tài chính nước ngoài, đón đầu cơ hội dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư quốc tế khi đến Việt Nam. Đồng thời việc hình thành trung tâm sẽ tác động tích cực đối với nguồn cung vốn - huyết mạch của nền kinh tế và sự dịch chuyển của dòng vốn sẽ tiếp tục thu hút thêm các nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức... Từ đó, kéo theo sự phát triển của hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh, tài chính phụ trợ không chỉ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh mà còn lan tỏa tới các bên có giao dịch liên quan, cùng với sự phát triển của nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, công nghệ và tiện ích về giáo dục, y tế và môi trường sống chất lượng cao. Cùng với đó, việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đóng góp trực tiếp vào việc tăng GRDP của thành phố nói riêng, cả nước nói chung.
Để trở thành trung tâm tài chính, Thành phố Hồ Chí Minh xác định sẽ cần và xây dựng chính sách thu hút nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; chính sách về giải quyết tranh chấp; chính sách về phát triển thị trường vốn; xuất nhập cảnh; ngoại hối; ưu đãi thuế và phân bổ nguồn thu; tiền tệ và ngân hàng; phát triển ngân hàng số và phát triển cơ chế thử nghiệm Fintech (công nghệ tài chính)…
Ngày 5/10 vừa qua, tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những nội dung kiến nghị của lãnh đạo thành phố lên Quốc hội là cần có một cơ chế ưu tiên nhằm xây dựng thành công Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố đề xuất và kiến nghị Quốc hội chấp thuận 10 cơ chế, chính sách tập trung vào các nhóm trụ cột năng lực cạnh tranh cần ưu tiên để xây dựng thành công Trung tâm tài chính quốc tế. Chủ tịch Quốc hội cơ bản ủng hộ định hướng, chủ trương của đề án và nhấn mạnh Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng phối hợp khẩn trương, thường xuyên với thành phố để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ và Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu triển khai đề án bằng năng lực nội sinh, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với quyết tâm, cơ chế, chính sách, bước đi phù hợp, làm đến đâu chắc đến đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần. Thủ tướng cũng yêu cầu đề án cần xác định rõ các điều kiện về hạ tầng, nguồn nhân lực, tài chính, hệ sinh thái; đề xuất cơ cấu, mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động của Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Cùng với đó, đề xuất khung pháp lý, cơ chế chính sách đặc thù, đột phá, kể cả về chính sách visa, thuế, nhân lực chất lượng cao… để thu hút mọi nguồn lực tài chính, nhất là tài chính cho các ngành mới nổi như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…; hình thành thị trường tài chính hoạt động lành mạnh, an toàn, hội nhập, bền vững ■