Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư Phạm Thị Như Phong cho biết: Địa phương vinh dự là nơi có quần thể di tích lịch sử, văn hóa lớn, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và còn bảo tồn nhiều bản sắc văn hóa tâm linh, văn hóa dân gian riêng có từ bao đời nay.
Ý thức được trách nhiệm đối với di sản mang giá trị đặc biệt, là biểu tượng văn hóa và du lịch đặc trưng của địa phương, huyện Vũ Thư trong những năm gần đây luôn quan tâm đầu tư nhằm nâng tầm lễ hội, lan tỏa và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của di tích.
Chùa Keo trầm mặc và uy nghi, còn bảo lưu nhiều nét kiến trúc truyền thống. |
Thông qua lễ hội, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tham gia giữ gìn, phát huy, khai thác tốt nhất tinh hoa của di sản, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của các tầng lớp nhân dân và du khách thập phương.
Hai bảo vật quốc gia trong ngôi chùa cổ gần 400 năm tuổi ở Thái Bình
Qua theo dõi, mỗi năm tổ chức lễ hội chùa Keo lại càng thu hút đông đảo người dân trong vùng đồng bằng nam sông Hồng về chiêm bái, vãn cảnh và thắp hương lễ Phật, lễ Thánh. Do đó, dù lễ hội được tổ chức với quy mô cấp huyện, nhưng bản chất đang trở thành lễ hội có quy mô cấp vùng, được các cư dân vùng trồng lúa nước sông Hồng đặc biệt quan tâm.
Tái hiện tục múa ếch vồ trong lễ hội chùa Keo Thái Bình. (Ảnh: Nguyễn Thuyên) |
Chùa Keo được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012; Lễ hội chùa Keo được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017; Hương án chùa Keo được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2021. Tất cả những điều này đã tạo nên giá trị và tầm ảnh hưởng lớn cho lễ hội chùa Keo mỗi năm được tổ chức 2 lần vào mùa xuân và mùa thu, nhưng lễ hội mùa thu luôn được xem là sự kiện văn hóa lớn nhất trong năm trên quê lúa Thái Bình.
Theo biến thiên của thời gian, những hồn cốt truyền thống của lễ hội chùa Keo luôn được chính quyền và người dân bảo tồn, gìn giữ vẹn nguyên. Năm nay, Ban tổ chức lễ hội vẫn duy trì nghi lễ cổ trong ngày đầu tiên khai hội 12/10/2024 (tức ngày 10 tháng 9 âm lịch) như: Lễ khai chỉ mở cửa đền, Lễ rước Đức Thánh, Múa rối hầu Thánh, Hầu đồng, các hoạt động tế lễ của nhân dân và tín đồ Phật tử.
Lễ rước kiệu Thánh trong lễ hội chùa Keo. (Ảnh: Nguyễn Thuyên) |
Từ 19 giờ tối 12/10, huyện Vũ Thư tổ chức khai mạc lễ hội chùa Keo với quy mô lớn tại sân Ban quản lý Di tích chùa Keo và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, cũng như được truyền tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước.
Ông Đỗ Ngọc Trung, Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao huyện Vũ Thư cho hay, điểm nhấn trong đêm khai mạc lễ hội chùa Keo là chương trình nghệ thuật được thực hiện theo hình thức sân khấu hóa với chủ đề “Chùa Keo - Linh thiêng nghìn thuở” do nam, nữ diễn viên các đoàn nghệ thuật Trung ương và địa phương biểu diễn. Chương trình có sự tham gia cố vấn đạo diễn của Giáo sư sử học Lê Văn Lan.
Thổi cơm thi trong lễ hội chùa Keo. |
Trong 8 ngày diễn ra lễ hội, chính quyền địa phương sẽ tập trung công sức, thời gian để duy trì, phục dựng nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian gồm: Dàn trống khai hội; du thuyền hát hội; giao lưu các Câu lạc bộ chèo; biểu diễn múa rối nước; têm trầu cánh phượng; chương trình biểu diễn nghệ thuật chèo; tổ chức giải cờ tướng; bắt vịt dưới hồ; biểu diễn võ cổ truyền.
Song song với các hoạt động nêu trên, huyện Vũ Thư tiến hành khai mạc Hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực, đặc trưng của các địa phương; Lễ hội bánh và ẩm thực của các đơn vị trong và ngoài tỉnh với quy mô 150 gian hàng, lớn nhất từ trước đến nay.
Gác chuông chùa Keo, một biểu tượng văn hóa trên quê lúa Thái Bình. (Ảnh: Nguyễn Thuyên) |
Cùng thời điểm khai mạc lễ hội chùa Keo, trong chiều 12/10/2024, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập huyện. Đây là dấu mốc lịch sử để nhìn lại quá trình hình thành, đổi mới và phát triển của một huyện thuần nông, đang có những bước khởi sắc đi lên trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của quê hương, đất nước.