Thời tiết se lạnh trong tiết trời mùa thu, lại vào dịp nghỉ cuối tuần, cho nên trong sáng nay, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) có hàng nghìn người hành hương đến thăm quan, chầu Thánh, lễ Phật.
Ban Tổ chức lễ hội chùa Keo đã có những điều chỉnh cần thiết để phù hợp với điều kiện, bối cảnh hiện tại khi dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, cùng với tình hình lũ lụt các tỉnh miền trung hoành hành dữ dội, gây thiệt hại nghiêm trọng đến người và tài sản của bà con nơi đây.
Dẫu cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian, các trò chơi, các chương trình múa hát giao duyên thường có trong lễ hội phải tạm dừng, nhưng sự trầm mặc, cổ kính của kiến trúc ngôi chùa gần 400 năm tuổi và không gian thoáng đãng, yên bình mướt màu xanh của cây trái, ruộng đồng, tiếng chuông chùa vang vọng, nén hương trầm nghi ngút khói như làm cho con người xích lại gần nhau hơn để chiêm nghiệm, nghĩ suy, ước nguyện một cuộc sống ấm no, hạnh phúc và cầu cho quốc thái, dân an.
Lễ hội chùa Keo Thái Bình năm nay diễn ra trong năm ngày. Nếu như ngày đầu khai hội, tại đây diễn ra lễ khai chỉ mở cửa đền, thì thường trong ngày cuối hội sẽ tổ chức lễ mông sơn (còn gọi lễ tạ). Bên cạnh các hoạt động tâm linh của khách hành hương về lễ phật, lễ thánh, tại di tích còn diễn ra các hình thức tế lễ riêng có của cư dân trồng lúa nước gắn với những sự tích còn lưu truyền trong dân gian, mà điển hình là lễ tế bà chúa Thác bờ do đội tế như quan làng Keo thực hiện.
Trao đổi với Nhân Dân điện tử, ông Vũ Ngọc Khuê, Thường trực Ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo cho biết: Lễ hội năm nay, địa phương rất chú trọng đến việc phòng, chống dịch Covid-19 bằng cách khuyến khích và yêu cầu du khách đeo khẩu trang khi vào khu di tích. Phía ngoài cổng ra vào, bố trí dung dịch sát khuẩn tay, loa phóng thanh đặt tại mọi nơi phát các thông báo về tình hình dịch bệnh nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người tham gia lễ hội. Dù lượng người đổ về di tích chùa Keo khá đông, nhưng nhìn chung vệ sinh môi trường, an ninh trật tự được bảo đảm.
Lễ hội chùa Keo là lễ hội vùng, một năm thường mở hai lễ hội là Hội Xuân (mồng 4 tháng Giêng âm lịch) và Hội Thu (ba ngày chính 13, 14, 15 tháng 9 âm lịch). Lễ hội có nhiều hoạt động mang tính chất hội lịch sử, gắn liền với cuộc đời của thiền sư Không Lộ (thời Lý). Ngoài việc tế lễ, rước kiệu Thánh, hội còn thi bơi chải trên sông và các nghi thức bơi chải cạn chầu Thánh, múa ếch vồ… Do đó, lễ hội này đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 10-2017.