Theo Tiến sĩ Mai Thùy Hương, Phó Viện trưởng Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) "dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo" là phẩm chất rất cần thiết với đội ngũ cán bộ ngành văn hóa, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý-những người chịu trách nhiệm định hướng, sáng tạo, giữ gìn các giá trị truyền thống và dẫn dắt thị hiếu, thẩm mỹ cho công chúng hiện đại. Văn hóa luôn vận động, biến đổi và phát triển những giá trị mới theo thời gian. Điều đó đòi hỏi người cán bộ văn hóa phải kịp thời nắm bắt những vận động, biến đổi của văn hóa để đổi mới, sáng tạo, đem lại hiệu quả trong công tác quản lý và định hướng hoạt động văn hóa.
Trong những năm gần đây, khi thực hiện nhiệm vụ, trong các công việc hằng ngày cũng như kế hoạch lâu dài, các cán bộ nghiên cứu văn hóa đã nắm bắt thực tiễn, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển, sáng tạo văn hóa.
Soi chiếu với tiêu chí cốt lõi là "hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân", Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS), trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều sáng tạo đóng góp cho quá trình thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, nhất là đối với việc xây dựng các chiến lược và chính sách cụ thể.
Trong những năm gần đây, khi thực hiện nhiệm vụ, trong các công việc hằng ngày cũng như kế hoạch lâu dài, các cán bộ nghiên cứu văn hóa đã nắm bắt thực tiễn, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển, sáng tạo văn hóa. Điển hình như VICAS đã thành công trong tư vấn, xây dựng hồ sơ đề nghị Hà Nội trở thành thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2019 trong lĩnh vực thiết kế, sau đó có Đà Lạt và Hội An năm 2024.
Quy định số 144 yêu cầu cán bộ, đảng viên "tôn trọng, tin tưởng, gần gũi và gắn bó mật thiết với nhân dân". Văn hóa từ nhân dân mà hình thành, từ trải nghiệm cuộc sống qua bao đời mà đúc kết. Do đó, với cán bộ làm công tác văn hóa, gần dân, hiểu rõ những phong tục, tập quán, thói quen, những nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân là động lực thúc đẩy sáng tạo văn hóa.
Trong xã hội hiện đại, phát triển văn hóa được hiểu theo nghĩa rộng và đa chiều, có sự tương tác cả không gian, thời gian, được hỗ trợ bằng khoa học, công nghệ. Do đó, đẩy mạnh sáng tạo văn hóa và thúc đẩy công nghiệp văn hóa là nhu cầu tất yếu.
Đáp ứng nhiệm vụ trong bối cảnh đó, VICAS đã có nhiều ý tưởng mới, như phát triển nghệ thuật đương đại thông qua Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa và nghệ thuật đương đại (VICAS Art Studio), tạo dựng không gian kết nối nghệ sĩ, giúp thúc đẩy quá trình sáng tạo và quảng bá các tác phẩm nghệ thuật. Viện đã tích cực tham gia tư vấn cho các hoạt động của các không gian sáng tạo và hỗ trợ tổ chức nhiều sự kiện sáng tạo như Tuần lễ thiết kế Việt Nam, Liên hoan thiết kế sáng tạo..., góp phần tạo ra môi trường văn hóa năng động và phát triển bền vững.
VICAS cũng đã hợp tác với nhiều đại sứ quán và các tổ chức có chức năng thực hiện các dự án nghệ thuật, nhằm đưa văn hóa nghệ thuật đương đại cũng như các kiến thức về công nghiệp văn hóa, bản quyền... đến gần với công chúng, nhất là thế hệ trẻ.
Mới đây, trong bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới" (Báo Nhân Dân, ngày 17/9/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh yếu tố thống nhất nhận thức và thực hiện cho nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Trong đó, Đảng "lãnh đạo bằng tư tưởng, đường lối, chính sách và sự tiên phong gương mẫu...". Người cán bộ làm công tác văn hóa phải trở thành những người thật sự tiên phong, phải am hiểu lĩnh vực chuyên môn được giao, thường xuyên cập nhật các xu hướng phát triển văn hóa hiện đại, làm cơ sở nghiên cứu, điều chỉnh, ban hành các chính sách quản lý văn hóa, chủ trương phát triển văn hóa phù hợp điều kiện, tình hình. Có làm tốt nhiệm vụ trong phạm vi trách nhiệm của mình mới lãnh đạo, vận động, thuyết phục nhân dân vận dụng, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực văn hóa.