Danh sách này được xây dựng bởi nhóm các nhà khoa học của Đại học Stanford (Mỹ), dựa trên căn cứ khai thác cơ sở dữ liệu Scopus.
Xếp hạng dựa vào các tiêu chí quan trọng như: Chỉ số ảnh hưởng trong giới khoa học (composite score); tổng số trích dẫn (không bao gồm các tự trích dẫn); chỉ số Hirsch h-index; chỉ số Schreiber hm-index; số trích dẫn cho các bài báo được đăng với tư cách là tác giả duy nhất; số trích dẫn cho các bài báo là tác giả chính và tác giả cuối cùng …
Theo bảng xếp hạng mới nhất vừa được công bố ngày 17/9, Việt Nam có 9 nhà khoa học được xếp hạng trong nhóm 10 nghìn nhà khoa học thế giới và 60 nhà khoa học được xếp hạng trong nhóm 100 nghìn nhà khoa học có trích dẫn ảnh hưởng thế giới trong năm 2024.
Trong số này, Đại học Quốc gia Hà Nội có 5 nhà khoa học nằm trong danh sách của Elsevier với 2 nhà khoa học được xếp hạng cao thuộc nhóm 10 nghìn nhà khoa học thế giới và 3 nhà khoa học thuộc nhóm 100 nghìn nhà khoa học thế giới.
Trong 6 năm liên tiếp (từ 2019 đến nay), Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức (Trường đại học Công nghệ) và Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn (Viện Công nghệ thông tin) được xếp hạng trong top 10 nghìn nhà khoa học của Đại học Quốc Gia Hà Nội có trích dẫn ảnh hưởng nhất thế giới. Các nhà khoa học được phân chia vào 22 lĩnh vực khoa học và 176 lĩnh vực phụ (ngành/chuyên ngành).
Theo thứ tự trong bảng xếp hạng này, năm nay, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức đã vươn lên xếp hạng 78 trong lĩnh vực Engineering còn Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn đứng thứ 303 trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và Truyền thông (Information and Communication Technologies)
Ba nhà khoa học thuộc Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội được xếp vào nhóm 100 nghìn nhà khoa học có trích dẫn ảnh hưởng nhất thế giới năm 2024 là: Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương (lĩnh vực Economics and Bussiness, xếp hạng 32.439 thế giới), Tiến sĩ Chu Đình Tới (lĩnh vực Clinical Medicine, xếp hạng 28.314 thế giới), Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường (lĩnh vực Economics and Bussiness, xếp hạng 42.130 thế giới).
Kết quả này một lần nữa tiếp tục khẳng định vị thế của các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội được ghi nhận trong cộng đồng khoa học quốc tế. Đây cũng là thành quả của sự đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học và khoa học công nghệ Việt Nam ngày càng hội nhập mạnh mẽ với trình độ, hướng nghiên cứu tiên tiến trên thế giới.