Chuyển đổi xe buýt điện, doanh nghiệp trăn trở chi phí đầu tư

Kế hoạch và chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được Sở Giao thông vận tải trình Ủy ban nhân dân thành phố thể hiện sự quyết tâm của chính quyền thành phố với các giải pháp loại bỏ phương tiện cơ giới cũ, lạc hậu; ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải với nhiều chính sách hấp dẫn hỗ trợ doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Xe buýt điện do Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Sinh thái VinBus đầu tư có hệ thống trạm sạc đi kèm, bảo đảm cung ứng điện năng kịp thời.
Xe buýt điện do Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Sinh thái VinBus đầu tư có hệ thống trạm sạc đi kèm, bảo đảm cung ứng điện năng kịp thời.

Chi phí đầu tư chuyển đổi phương tiện cùng với hạ tầng trạm sạc chính là nỗi lo lắng của các đơn vị vận tải.

Đến năm 2030: xe buýt điện đạt 100%

Theo lộ trình và giải pháp "Chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh" do Sở Giao thông vận tải xây dựng, từ năm 2030, 100% phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Trước mắt, từ năm 2025, tất cả xe buýt được thay thế, đầu tư mới phải sử dụng điện, năng lượng xanh.

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh có 2.209 xe buýt đang lưu hành (trong đó có 528 xe chạy bằng khí CNG), phát thải 553 nghìn tấn CO2 mỗi năm. Dự kiến số lượng xe buýt sẽ được đầu tư trong 5-6 năm tới, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố cho biết: Số lượng phương tiện bằng xe buýt đến năm 2030 là 3.317 xe (2.209 xe hiện có và 1.108 xe đầu tư mới).

"Nếu không kịp thời có kế hoạch chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh thì đến năm 2030, vấn nạn ô nhiễm môi trường từ hoạt động giao thông của thành phố sẽ trở nên trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân và gây thiệt hại kinh tế cho thành phố", Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Lê Hoàn nhận định.

Việc chuyển đổi phương tiện sử dụng điện đòi hỏi phải xây dựng hệ thống hạ tầng trạm cung cấp năng lượng điện đồng bộ với kế hoạch chuyển đổi, đáp ứng nhu cầu của phương tiện sử dụng điện.

Qua tính toán, với số lượng phương tiện xe buýt đến năm 2030 của thành phố là 3.317 xe (trong đó phương tiện xe buýt sử dụng xe CNG là 528 xe) thì cần ít nhất 25 trạm cung cấp năng lượng điện với 269 trụ sạc có bốn cổng sạc.

Theo trung tâm, hiện chỉ có một trạm sạc do Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus đầu tư tại thành phố Thủ Ðức nhằm phục vụ cho các phương tiện của công ty và không chia sẻ cho các phương tiện thuộc hãng khác. Như vậy, trên địa bàn thành phố chưa có hệ thống trạm sạc phục vụ xe buýt, nên thành phố sớm có quy hoạch và cơ chế, chính sách đầu tư trạm sạc.

Hỗ trợ vốn vay chuyển đổi phương tiện

Theo Sở Giao thông vận tải, dự kiến nguồn kinh phí để thực hiện chuyển đổi phương tiện cho giai đoạn 2025-2030 là 3.521 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ lãi vay là 2.094 tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ lãi vay đầu tư trạm cung cấp năng lượng điện là 79,4 tỷ đồng. Phần còn lại dành để đầu tư xây dựng trạm cung cấp năng lượng điện là 1.347,2 tỷ đồng.

Một trong những chính sách quan trọng đối với việc chuyển đổi phương tiện được Sở Giao thông vận tải đề xuất là chủ phương tiện được vay cao nhất 85% tổng mức đầu tư của dự án; mức vốn vay hỗ trợ lãi suất cao nhất 300 tỷ đồng trên một dự án. Cùng với đó, đơn vị kinh doanh vận tải được hưởng mức lãi suất vay cố định là 3,0%/năm trong suốt thời gian vay; ngân sách thành phố hỗ trợ phần chênh lệch giữa mức lãi suất để tính mức hỗ trợ và lãi suất vay cố định.

Theo ông Nguyễn Duy Khánh, Giám đốc Xí nghiệp Vận tải buýt (Công ty cổ phần Xe khách Sài Gòn), chủ trương chuyển đổi phương tiện cũ sang phương tiện xanh là hoàn toàn hợp lý, phù hợp cam kết chung tiến tới Net-Zero của Chính phủ. Tuy nhiên, điều làm doanh nghiệp trăn trở chính là kinh phí đầu tư phương tiện vì giá thành một chiếc xe buýt điện gấp 3 đến 4 lần so với xe buýt chạy bằng dầu hoặc khí CNG.

Bên cạnh đó, hệ thống trạm sạc gần như chưa có gì cũng là điều kiện hạn chế khi đầu tư xe buýt điện. Vì vậy, ông Khánh cho rằng, thành phố nên kéo dài lộ trình chuyển đổi xe buýt điện thêm 2-3 năm bởi chỉ trong thời gian ngắn mà phải chuyển đổi hàng nghìn phương tiện với hệ thống hạ tầng, trạm sạc đi kèm còn thiếu thốn sẽ khó bảo đảm về thời gian để doanh nghiệp xoay xở.

Một thực tế cũng được ông Khánh chia sẻ, hiện công ty có 200 xe buýt chạy bằng khí CNG, hầu hết đều mới được đầu tư, tuổi đời chưa đến 10 năm. Trong trường hợp, đến năm 2030 phải chuyển đổi, thay thế qua xe buýt điện thì thiệt hại doanh nghiệp phải gánh là không nhỏ.

Giám đốc điều hành Công ty Bảo Yến chi nhánh phía nam Trần Quang Thái cho rằng, một trong những vấn đề doanh nghiệp băn khoăn khi đầu tư xe điện là hạ tầng và trạm sạc. Ðối với xe chạy bằng xăng dầu, tài xế chỉ cần ít phút có thể đổ đầy bình nhiên liệu. Nhưng với xe buýt điện, để sạc pin phải tốn 3-4 giờ, do đó thành phố cần có phương án đầu tư hệ thống trạm sạc, có thể hình thành địa điểm tập trung quy mô lớn để thuận tiện cho quá trình khai thác và vận hành.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố cho hay, thành phố hiện có ba trạm nạp khí CNG (trạm An Sương, trạm Ðại học Quốc gia, trạm Phổ Quang), các trạm này phục vụ cho 516 phương tiện xe buýt CNG hoạt động trên 18 tuyến xe buýt có trợ giá. Số lượng trạm rất ít và ở tại các vị trí chưa thuận lợi cho các tuyến xe buýt sử dụng khí CNG dẫn đến các phương tiện nạp nhiên liệu phải chạy cự ly xa làm phát sinh thêm chi phí, tốn nhiều thời gian chờ đợi nạp.

Như vậy, với số lượng trạm cung cấp năng lượng (điện, khí CNG) như hiện nay, chưa thể đáp ứng cho việc chuyển đổi phương tiện vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh của thành phố trong giai đoạn 2025-2030.

Thành phố dự kiến đầu tư các trạm cung cấp năng lượng điện tại các bến bãi do Trung tâm Quản lý giao thông công cộng và Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (SAMCO) quản lý, như sau: Năm 2025, đầu tư 2 trạm cung cấp năng lượng điện với 15 trụ sạc; năm 2026, đầu tư 9 trạm với 20 trụ sạc; năm 2027, đầu tư 7 trạm với 79 trụ sạc;... năm 2030, bổ sung 51 trụ sạc tại các trạm hiện hữu. Ngoài ra, trong giai đoạn 2025-2026, đầu tư 3 trạm cung cấp khí CNG tại 3 địa điểm: Bến xe Ngã 4 Ga, Bến xe buýt Quận 8, Bến xe Miền Ðông mới.