Vì vậy, Bộ Tài chính đã xây dựng và đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trong đó ngoài mức thuế đang áp dụng bằng 75% trên giá bán lẻ, từ năm 2026 thuốc lá sẽ chịu thêm mức thuế tuyệt đối tăng ở cả hai phương án là 2.000 hoặc 5.000 đồng/bao và tăng dần 1.000 hoặc 2.000 đồng/bao/năm, bảo đảm đạt 10 nghìn đồng/bao vào năm 2030.
Nhiều ý kiến đồng tình, cho rằng đây là việc cần thiết nhằm giúp tăng thu ngân sách nhà nước, giảm tỷ lệ người hút thuốc, góp phần hoàn thành mục tiêu Chính phủ đã đề ra trong Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030. Tuy nhiên, không ít ý kiến trái chiều lo ngại nếu tăng quá cao sẽ gây “sốc” cho thị trường, dẫn tới tiêu thụ thuốc lá trong nước hợp pháp giảm mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp thuốc lá tại Việt Nam, kéo theo các mục tiêu về tăng thu ngân sách, giảm tỷ lệ hút thuốc ở Việt Nam có thể sẽ khó đạt yêu cầu đề ra. Chưa kể việc tăng thuế còn kích thích gia tăng các hành vi nhập lậu, bởi lợi nhuận từ thuốc lá nhập lậu rất cao, gấp nhiều lần so với thuốc lá hợp pháp.
Tại Việt Nam, tình trạng thuốc lá nhập lậu diễn ra hết sức phức tạp. Trong giai đoạn 2019-2023, lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ 37,5 triệu bao, tiêu hủy 22,1 triệu bao. Theo tính toán, thuốc lá lậu đang gây thất thu cho ngân sách nhà nước 5.000-6.000 tỷ đồng/năm và nếu tình trạng này tiếp tục gia tăng, ngân sách nhà nước có thể thiệt hại lên tới 40 nghìn tỷ đồng/năm vào năm 2030.
Do đó, những ý kiến lo ngại nêu trên là hoàn toàn có cơ sở, bởi khi giá thuốc lá trong nước tăng cao, một bộ phận không nhỏ người dùng sẽ chuyển sang sử dụng thuốc lá nhập lậu giá rẻ hơn. Nguy hiểm hơn, thuốc lá nhập lậu đang bị bỏ ngỏ về chất lượng, hàm lượng các chất có hại không được kiểm soát,... làm gia tăng nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng như thuốc lá là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, nhưng cần có những giải pháp bổ trợ đi kèm, tính toán hợp lý về mức tăng, lộ trình thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp thuốc lá có thời gian thích nghi, ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặt khác, cần cân nhắc yếu tố về nguồn lực, tài sản nhà nước đã đầu tư cho ngành thuốc lá và các đối tượng khác như sinh kế của hàng chục nghìn hộ nông dân vùng trồng nguyên liệu, các doanh nghiệp phụ trợ,...
Do đó, cần có phương án hài hòa nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến thị trường, doanh nghiệp, an sinh xã hội và việc làm của người lao động. Ðồng thời, có biện pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu, tăng nặng mức xử phạt hành chính với người dùng vi phạm điều luật cấm hút thuốc, thay vì chỉ tập trung vào tăng thuế. Khi những chính sách được nghiên cứu kỹ lưỡng, thực hiện đồng bộ, chắc chắn sẽ giảm số người hút thuốc lá, ổn định hoạt động của doanh nghiệp, nguồn thu ngân sách được bảo đảm và hạn chế sự gia tăng thuốc lá nhập lậu,…