Tại khu vực Bắc Phi, hàng loạt mỏ dầu ở Libya đã bị đóng cửa vào ngày 28/8 trong khi hoạt động sản xuất tại mỏ Sarir gần như ngưng trệ hoàn toàn, trong bối cảnh các phe phái ở quốc gia Bắc Phi này vẫn không ngừng tranh chấp để giành quyền kiểm soát Ngân hàng Trung ương Libya (CBL) và nguồn thu từ dầu mỏ.
Trước đó ngày 26/8, chính quyền ở miền Đông Libya, nơi nắm giữ hầu hết các mỏ dầu ở nước này, tuyên bố sẽ phong tỏa mọi hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ ở Libya.
Sản lượng của mỏ Sarir đạt khoảng 209.000 thùng/ngày trước khi hoạt động sản xuất của mỏ này bị giảm mạnh. Chính quyền miền Đông cũng đã ban bố tình trạng bất khả kháng đối với hoạt động xuất khẩu dầu tại mỏ Sharara có sản lượng 300.000 thùng/ngày. Trong tuần này cũng chứng kiến tình trạng gián đoạn sản xuất tại các mỏ El Feel, Amal, Nafoora và Abu Attifel của Libya.
Hồi tháng 7/2024, Libya - một thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) - đã ghi nhận mức sản lượng khoảng 1,18 triệu thùng/ngày.
Việc chính quyền ở miền Đông Libya đóng cửa hàng loạt mỏ dầu, nguồn thu chính của quốc gia Bắc Phi, là động thái trả đũa việc Hội đồng Tổng thống Libya có trụ sở tại Tripoli sa thải Thống đốc CBL Sadiq Al-Kabir, khiến các phe phái vũ trang ở Libya tăng cường huy động và điều động lực lượng.
Thủ tướng Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU) Abdulhamid Al-Dbeibah nhấn mạnh các mỏ dầu của Libya không được phép đóng cửa với những lý do không rõ ràng. Ông Al-Dbeibah được bổ nhiệm làm người đứng đầu GNU có trụ sở tại Tripoli thông qua một tiến trình chính trị do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ vào năm 2021.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Libya (HoR) Aqila Saleh tuyên bố lệnh phong tỏa đối với ngành dầu khí của nước này sẽ tiếp tục cho đến khi Thống đốc CBL Saddek Elkaber, người đã bị Hội đồng Tổng thống Libya sa thải, được phục chức.
Theo tuyên bố đưa ra ngày 27/8 của Văn phòng HoR, ông Saleh nêu rõ việc đóng cửa các mỏ dầu là biện pháp "bảo vệ tài sản của người dân Libya khỏi bị bóc lột và đánh cắp, cũng như bảo vệ tài nguyên quốc gia".
Ông Saleh nhấn mạnh quyết định của HoR về việc bổ nhiệm Thống đốc, Phó Thống đốc và Hội đồng Quản trị CBL được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Ông khẳng định ông Elkaber và Phó Thống đốc Marai Al-Barassi nên tiếp tục nhiệm vụ điều hành CBL.
Trước đó ngày 20/8, HoR có trụ ở tại miền Đông Libya đã bỏ phiếu tái bổ nhiệm ông Elkaber làm Thống đốc CBL và ông Al-Barassi làm Phó Thống đốc. Ông Saleh bày tỏ ngạc nhiên về việc bổ nhiệm ông Mohammed Al-Shukri làm một thống đốc bất hợp pháp tại thời điểm hiện nay, đặc biệt sau khi CBL được thống nhất.
Chủ tịch HoR cũng lưu ý việc bổ nhiệm Thống đốc CBL không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Tổng thống Libya, cho rằng động thái này là vi phạm pháp luật, Tuyên bố Hiến pháp và thỏa thuận chính trị.
Ông Saleh tái khẳng định cam kết của HoR đối với trách nhiệm của cơ quan này, nhấn mạnh rằng việc bổ nhiệm Thống đốc CBL là thẩm quyền của HoR sau khi tham vấn với Hội đồng Cấp cao Nhà nước Libya (HCS).