Lâm Đồng khẩn trương phòng, chống bệnh cho đàn bò sữa

“Những ngày qua, tôi không dám ra trang trại của mình, cứ nhìn thấy những con bò sữa yếu ớt bỏ ăn… rồi khuỵu xuống, tôi không chịu nổi. Bao nhiêu vốn liếng đổ vào đây, cơ nghiệp của gia đình cũng là đây”, bà Huỳnh Thị Kim Phượng, thôn Lạc Nghiệp, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng ngậm ngùi.
0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan chức năng kiểm tra thực tế tại những trang trại có bò sữa bị mắc bệnh.
Cơ quan chức năng kiểm tra thực tế tại những trang trại có bò sữa bị mắc bệnh.

Hơn nửa tháng nay, hàng loạt con bò sữa của những hộ chăn nuôi tại hai huyện Đức Trọng và Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, chết bất thường. Những con bò sữa là cơ nghiệp, sinh kế của nhiều hộ dân ở những vùng quê này bị tiêu chảy, sốt, giảm lượng sữa, bỏ ăn, kiệt sức và lăn ra chết, khiến họ vô cùng hoang mang, lo lắng. “Tổng đàn bò sữa của gia đình tôi là 76 con, 35 con đang cho sữa. Trước khi đàn bò chưa bị bệnh, hằng ngày chúng tôi xuất đi gần 7 tạ sữa. Thu nhập gia đình đều nhờ vào đó, giờ thì…”, bà Huỳnh Thị Kim Phượng bỏ lửng câu nói.

Vùng quê Tu Tra ngát xanh đồng cỏ, vườn ngô… bỗng trở nên trầm buồn, bởi hàng chục hộ dân phải chạy đôn, chạy đáo lo cứu đàn bò đang “chẳng buồn ăn”, nhiều con vật vờ chờ “ngã xuống”. Cảnh nhộn nhịp trên những con đường làng khi đi giao sữa tươi cho điểm thu mua giờ thay bằng cảnh đôn đáo với thuốc trị bệnh cho bò. “Mấy ngày nay, hằng ngày gia đình phải bỏ tiền triệu để mua thuốc chữa trị và tăng sức đề kháng cho đàn bò. Nhìn những con bò kiệt quệ, chờ chết mà ứa nước mắt. Phải cứu lấy cơ nghiệp mình đã, chuyện khác tính sau”, ông Nguyễn Minh Đệ đau xót. Gia đình ông Đệ tiêm vắc-xin cho 51 con bò sữa từ ngày 20/7, đến ngày 9/8, có bốn con bò trưởng thành đã chết; tám con bò bị bệnh, sảy thai. Những con bò sữa đang lâm bệnh, nguồn tiền bán sữa tươi bị đứt quãng, hằng ngày gia đình ông Đệ đều phải lo tiền thuốc trị bệnh cho bò, cái khó càng thêm khó, khi khoản nợ vay ngân hàng vẫn nằm đó.

Trên cung đường nối hai vùng chăn nuôi bò sữa của tỉnh Lâm Đồng, từ xã Tu Tra sang xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, chúng tôi gặp nhiều người từ hội trường thôn, xã và tiệm thuốc thú y cầm theo những bao thuốc trị bệnh cho bò vội vàng trở về, nét mặt tỏ vẻ âu lo. Lẽ ra, công việc hằng ngày của họ là đang phải bận rộn trên đồng cỏ, hay ngắm nhìn đàn bò đang nhai cỏ để cho ra dòng sữa tươi thanh sạch… Nhưng giờ họ đều tập trung tối đa mọi biện pháp, nguồn lực để cứu đàn bò. Nhiều chủ trang trại tranh thủ chợp mắt ngay kho trữ cỏ, bởi nhiều ngày qua họ lo lắng theo cái ngã khuỵu của những con bò mắc bệnh.

Bên trang trại của gia đình, nhìn đàn bò không còn đủ con số, tiều tụy, bà Lê Thị Ánh Hồng, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh rơm rớm nước mắt: “Anh thấy đó, giờ nhiều trang trại nuôi bò sữa ở đây đều chằng chịt bình truyền dịch, thuốc kháng sinh. Nó ăn lúc nào thì mừng lúc đó, bị bệnh cả rồi”. Lấy lại sự bình tĩnh, bà Hồng cho biết, 26 con bò sữa của gia đình bà đã được địa phương hỗ trợ tiêm vắc-xin phòng viêm da nổi cục, hai con bê nhỏ không tiêm. Sau 7 đến 10 ngày tiêm, đàn bò xuất hiện triệu chứng như đàn bò đã tiêm của các hộ khác trong vùng: Tiêu chảy, sốt, bỏ ăn, lượng sữa sụt giảm, kiệt sức... Riêng hai con bê không tiêm nên bình thường. Đến ngày 10/8, bốn con đã chết, hai con tắc sữa, nhiều con hết sức sống.

Tại thôn Bồng Lai, trang trại của vợ chồng bà Đỗ Thị Thu Nga thuộc hàng tốp đầu về quy mô nuôi bò sữa. Để có cơ ngơi khang trang như ngày hôm nay, từ năm 2011, gia đình bà quyết định chuyển đổi từ chăn nuôi heo sang bò sữa và thuê hơn 2 ha đất để trồng cỏ, bắp và xây dựng trang trại. Ban đầu, gia đình bà nuôi tổng đàn 150 con bò sữa, sau đó bán bớt 50 con. “Giờ mỗi ngày đưa cỏ vào, con nào bỏ ăn, nằm biếng trong chuồng là vợ chồng tôi đau điếng”, bà Nga bùi ngùi.

Cả tuần nay, giống nhiều hộ chăn nuôi bò sữa trong thôn, vợ chồng bà Nga mất ăn mất ngủ, chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm cách cứu đàn bò. Ngoài bốn con bò sữa đang mang bầu vẫn khỏe mạnh vì chưa tiêm vắc-xin phòng viêm da nổi cục, nhiều con còn lại xảy ra tình trạng tiêu chảy, bỏ ăn, kiệt sức… Trong đó, hai con đã chết, một con sảy thai, vài con đang lừ đừ, bỏ ăn và đang được cách ly.

Theo phản ánh của người chăn nuôi, tình trạng bò sữa bị tiêu chảy, sốt, bỏ ăn, tụt sữa, kiệt sức và lăn ra chết chỉ xảy ra đối với những con bò đã tiêm vắc-xin Navet-Lpvac phòng bệnh viêm da nổi cục của Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco), còn những con không tiêm vẫn bình thường.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, tính đến ngày 2/8, toàn tỉnh đã tiêm phòng loại vắc-xin trên cho hơn 9.120 con bò sữa (chiếm 37,3% tổng đàn bò sữa của tỉnh) trên địa bàn sáu huyện, thành phố. Nhiều nhất là huyện Đơn Dương, với 4.912 con; Đức Trọng là 3.200 con. Tình trạng bò sữa bị mắc bệnh tiêu chảy và bị chết vẫn tiếp tục diễn ra, đáng quan tâm hơn là địa bàn huyện Lâm Hà đã bắt đầu xuất hiện bò mắc bệnh và chết. Ghi nhận đến ngày 12/8, đã có hơn 5.350 con bò sữa phát bệnh và 237 con chết. Trong đó, huyện Đơn Dương có 2.923 con phát bệnh, 172 con chết; huyện Đức Trọng có 2.392 con phát bệnh, 63 con chết; huyện Lâm Hà 35 con phát bệnh, 2 con chết và thành phố Bảo Lộc có 6 con mắc bệnh, nhiều con bỏ ăn, tụt sữa.

Ngày cuối tháng 7/2024, sau khi nhận được thông tin từ các địa phương, qua kiểm tra thực tế, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng xác định, tình trạng chung trên đàn bò sữa đã tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục là bị tiêu chảy, nặng thì tiêu chảy ra máu; bò bỏ ăn, sốt, kiệt sức và nhiều con đã chết. Cơ quan chuyên môn đã thông báo tạm dừng tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò.

Sau đó, tỉnh Lâm Đồng liên tục chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa; tập trung nhân lực, vật lực, trang thiết bị, thuốc điều trị… để cứu chữa bò sữa mắc bệnh và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn sinh học, vệ sinh môi trường. Đồng thời, thành lập Tổ công tác do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc làm tổ trưởng để chỉ đạo, điều hành, triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa.

Theo ghi nhận, sau khi ban hành phác đồ điều trị, tình trạng bò chết có xu hướng giảm dần, nhưng có một số con bò phục hồi lại tái bệnh. Hiện địa phương đang theo dõi sát sao tình hình, lập sơ đồ theo dõi để kịp thời xử lý, báo cáo. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng liên tục kiểm tra thực tế và đã làm việc với Cục Thú y, Công ty Navetco… để xác định chính xác nguyên nhân và sớm có hỗ trợ thỏa đáng cho các hộ dân đang bị thiệt hại.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Thú y cử đoàn công tác vào Lâm Đồng hỗ trợ phòng, chống dịch và sớm xác định nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp chữa trị, phòng ngừa hiệu quả. Ngày 10/8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã vào Lâm Đồng kiểm tra và chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa. Lãnh đạo Bộ đề nghị các cơ quan Trung ương cùng địa phương nhanh chóng triển khai mọi giải pháp để cứu chữa gia súc bị tiêu chảy, hạn chế thấp nhất thiệt hại, cũng như tránh để bệnh lan rộng, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Tính đến tháng 5/2024, tổng đàn bò sữa trên địa bàn Lâm Đồng hơn 24,6 nghìn con; tập trung tại huyện Đơn Dương (hơn 16,8 nghìn con/650 hộ), Đức Trọng (hơn 5.500 con/245 hộ)… Trong đó, đàn bò sữa nuôi tại các nông hộ hơn 19,2 nghìn con, chiếm 78,1% trên tổng đàn; còn lại nuôi tại các doanh nghiệp. Sản lượng sữa tươi đạt hơn 109,7 nghìn tấn/năm.