Cải thiện đời sống văn hóa tại các xã nông thôn mới kiểu mẫu

Cùng với đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế, cải thiện hạ tầng... trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, các địa phương đều quan tâm xây dựng, trang bị cho các thiết chế văn hóa, thể thao; triển khai các hoạt động để thiết chế thể thao thu hút cộng đồng. Nhờ đó, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân các xã nông thôn mới kiểu mẫu tiếp tục được cải thiện, nâng cao.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà truyền thống xã Yên Mỹ là mô hình được khuyến khích nhân rộng trên địa bàn thành phố.
Nhà truyền thống xã Yên Mỹ là mô hình được khuyến khích nhân rộng trên địa bàn thành phố.

Là địa bàn còn nhiều khó khăn, nhưng sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nhiều xã của huyện Sóc Sơn bắt tay ngay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện nay, sáu xã: Xuân Giang, Quang Tiến, Trung Giã, Mai Đình, Phú Cường, Phú Minh đều đạt đủ tiêu chí để công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, các thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện Sóc Sơn cơ bản được đầu tư, chỉnh trang bài bản. Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sóc Sơn Tống Giang Phúc cho biết: “Đời sống văn hóa là vấn đề được cấp ủy, chính quyền của huyện quan tâm, đầu tư xây dựng. Thí dụ như xã Quang Tiến có bảy nhà văn hóa thôn, xã Phú Cường có một Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã, bốn nhà văn hóa thôn, còn xã Mai Đình có tới 15 nhà văn hóa thôn”.

Thực tế cho thấy, các nhà văn hóa tại những xã nông thôn mới kiểu mẫu đều được nâng cấp, chỉnh trang cơ sở hạ tầng với đầy đủ các khu chức năng như: Khu vực hội họp, khu thể thao cộng đồng, tủ sách cộng đồng, sân chơi... Nhiều thôn đã kêu gọi xã hội hóa thực hiện cải tạo khuôn viên cây xanh.

Bí thư Chi bộ thôn Ấp Cút (xã Mai Đình) Nguyễn Văn Vũ cho biết: “Nhà văn hóa thôn sau khi được cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp cơ sở hạ tầng đã trở thành địa chỉ văn hóa, thể thao cho người dân của thôn. Từ chiều đến tối, người dân trong thôn đến nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng rất đông. Tủ sách cộng đồng đã thu hút nhiều thiếu nhi đến đọc sách, giải trí”.

Xác định hiệu quả của xây dựng nông thôn mới nâng cao, nhất là nông thôn mới kiểu mẫu chỉ đi vào thực chất nếu nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nên trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, các địa phương trên địa bàn thành phố đều tập trung nâng cao cơ sở vật chất cho hệ thống nhà văn hóa, sân tập luyện thể thao; đồng thời xây dựng cơ chế hoạt động cho các nhà văn hóa, sân thể thao. Việc làm này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng. Nhiều nơi, người dân còn tự nguyện đóng góp thêm các trang, thiết bị cho nhà văn hóa, sân thể thao.

Huyện Đan Phượng hiện có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Do đó, hoạt động của các nhà văn hóa, sân thể thao ở cơ sở được đầu tư nâng cấp và hoạt động hết sức sôi nổi. Về xã Liên Hà, không ai không ngạc nhiên khi cả bốn thôn của xã đều có nhà văn hóa, xã có sân thể thao rộng tới hơn 3.700 m2.

Nhờ có hạ tầng khang trang, các nhà văn hóa, sân thể thao thu hút đông đảo người dân. Chính quyền, nhân dân các địa phương còn tổ chức các câu lạc bộ tại các nhà văn hóa để thu hút người dân tham gia sinh hoạt. Liên Hà cũng là xã có Trung tâm Văn hóa thể thao thuộc hàng quy mô, hiện đại của thành phố. Ngoài ra, xã cũng huy động nguồn xã hội hóa làm cổng làng; cải tạo, nâng cấp các công trình tâm linh; duy trì phong trào vệ sinh môi trường, chăm sóc hoa, cây xanh, tạo cảnh quan sạch đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân...

Huyện Thanh Trì cũng là địa bàn đã có 100% số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Riêng xã Yên Mỹ, Đại Áng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện ở tất cả các tiêu chí.

Trong đó, xã Yên Mỹ không chỉ tự hào về hệ thống nhà văn hóa khang trang, hiện đại mà còn có một thiết chế văn hóa hết sức độc đáo là Nhà truyền thống xã Yên Mỹ, nơi đang trưng bày, giới thiệu hơn 300 hiện vật, trong đó có hàng chục hiện vật hơn 100 tuổi. Toàn bộ hiện vật do các hộ dân trên địa bàn xã quyên góp.

Bà Trần Thị Huệ, người trông coi Nhà truyền thống chia sẻ: “Chúng tôi coi Nhà truyền thống là nơi giáo dục tinh thần yêu quê hương, để giới trẻ hiểu về cuộc sống của người dân trước đây, qua đó, thêm yêu mến quê hương mình”. Bên cạnh mô hình nhà văn hóa, mô hình Nhà truyền thống của xã Yên Mỹ được nhiều chuyên gia đánh giá cao, cần nhân rộng để trở thành địa chỉ ý nghĩa trong giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử tại các địa phương.

Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá hoạt động của các thiết chế văn hóa tại các xã nông thôn mới kiểu mẫu. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đánh giá cao việc các địa phương đầu tư, chỉnh trang bài bản các thiết chế văn hóa.

Tuy nhiên, để các thiết chế này đi vào hoạt động hiệu quả thực chất, trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao cho người dân thì các địa phương cần phải có thêm nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như các giải thi đấu thể thao, hoạt động văn nghệ quần chúng, rà soát lại việc thành lập Ban chủ nhiệm nhà văn hóa... để các thiết chế ngày càng đóng góp vào nâng cao đời sống tinh thần của người dân nông thôn.