Tập huấn truyền thông về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

NDO - Ngày 13/6, tại Quảng Ninh, Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức chương trình tập huấn truyền thông về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Hình ảnh tại buổi tập huấn. (Ảnh: UN Women tại Việt Nam)
Hình ảnh tại buổi tập huấn. (Ảnh: UN Women tại Việt Nam)

Chương trình có sự tham gia của hơn 50 đại biểu làm công tác truyền thông tại các cơ quan báo chí trung ương và địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội...

Tại buổi tập huấn, các chuyên gia đã chia sẻ với các đại biểu về góc nhìn với lĩnh vực bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; sử dụng AI trong truyền thông về bình đẳng giới cũng như công cụ Social Listening đo lường ảnh hưởng tới nhận thức của truyền thông về bình đẳng giới.

Các đại biểu tham gia chương trình cũng được chia sẻ, cùng thảo luận về nguyên tắc truyền thông về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; những khó khăn, thách thức và cơ hội của những người làm truyền thông về bình đẳng giới; xu hướng, thực trạng bạo lực giới, bạo lực trên không gian mạng trên thế giới và tại Việt Nam.

Là một tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, tại Việt Nam, UN Women đã hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính để thực hiện nhiều dự án nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.

Hoạt động của UN Women tại Việt Nam tập trung vào ba vấn đề chủ chốt. Đó là: Chấm dứt bạo lực với phụ nữ; tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ; tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng thông qua hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Theo đánh giá của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tới hết năm 2023, công tác bình đẳng giới ngày càng thực chất hơn, vai trò và địa vị của phụ nữ được cải thiện, nâng lên. Công tác truyền thông về bình đẳng giới tiếp tục được ưu tiên và đẩy mạnh thực hiện với sự tham gia hưởng ứng, vào cuộc của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức. Đặc biệt, lần đầu tiên một đơn vị khối doanh nghiệp (Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines) tham gia, phối hợp tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan trong việc phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được đẩy mạnh. Số lượng và chất lượng các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới được mở rộng và nâng cao. Hoạt động của mạng lưới đối tác về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được duy trì và đi vào thực chất hơn.

Trong năm 2023, công tác tập huấn đã triển khai cho hơn 1.400 lượt cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, đội ngũ nhà báo, phóng viên, tuyên truyền viên, người làm công tác truyền thông tại các cơ quan, tổ chức, người cung cấp các dịch vụ hỗ trợ bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới với các nội dung chuyên môn và kỹ năng chuyên ngành trong công tác.

Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2023 do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố cho thấy, Việt Nam hiện xếp hạng 72 trong danh sách này với tiến độ bình đẳng giới đạt 71,1%, tăng 11 bậc so với vị trí năm 2022.