Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Đàn đang quyết tâm, nỗ lực để hiện thực hóa mục tiêu đến cuối năm nay, toàn bộ 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đến năm 2025 sẽ trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Phát huy vai trò chủ thể của nhân dân
Mỗi lần về với huyện Nam Đàn là thêm cảm nhận mới về sự chuyển mình nơi đây. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng lên. Kết cấu hạ tầng giao thông, trường học, thiết chế văn hóa được đầu tư ngày càng đồng bộ, khang trang...
Với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Nam Đàn đang xóa dần khoảng cách, tạo sự phát triển khá đồng đều giữa các vùng, các địa phương.
Mặc dù xuất phát điểm thấp, với tinh thần quyết tâm cao “Không kêu khó, không bàn lùi, không thể không làm”, đến cuối năm 2017, xã Nam Lĩnh đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Sau khi đạt chuẩn, Nam Lĩnh bắt tay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao. Cùng với những cơ chế, chính sách của Nhà nước hỗ trợ kinh phí, xã tiếp tục kêu gọi sự đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng đường giao thông. Xã còn kêu gọi được gần một tỷ đồng do con em xa quê đóng góp.
Ngoài ra, người dân hiến hàng nghìn m2 đất ở để mở rộng, xây dựng các tuyến giao thông. Năm 2023 vừa qua, các hộ dân đã hiến hơn 2.100m2 đất ở. Tiêu biểu như gia đình ông Trần Văn Cường (xóm 3) hiến hơn 108m2, gia đình ông Nguyễn Văn Thọ 34m2, gia đình ông Trần Văn Sơn hơn 30m2... nhờ đó, các tuyến đường được mở rộng tối thiểu 4,5m và có mương thoát nước.
“Trước đây, đường phần lớn chỉ rộng khoảng 2,5m, nay mở rộng tối thiểu 4,5m, hầu hết các gia đình phải dỡ bỏ bờ rào và cổng nhưng mọi người đều vui vẻ, đồng lòng”. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Lĩnh Lê Văn Thành cho biết.
Về phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, xã Nam Lĩnh mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ngày càng có nhiều cánh đồng lúa chất lượng cao, mô hình trồng nho thân gỗ trong nhà màng, trang trại chăn nuôi... Nhờ đó, hiện nay, thu nhập bình quân đã tăng lên hơn 56 triệu đồng/người/năm, so với năm 2018 mới chỉ 30 triệu đồng.
Khi nói về công tác xây dựng nông thôn mới ở huyện Nam Đàn, không thể không nhắc đến xã Nam Anh. Đây là xã được tỉnh Nghệ An lựa chọn thực hiện điểm xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu theo tiêu chí “khai thác các giá trị văn hóa, cảnh quan sinh thái với phát triển du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng trải nghiệm”. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Anh Hồ Viết Sỹ cho biết, thu nhập bình quân của xã hiện nay 66 triệu đồng/người/năm.
Hoa lý và quả hồng đang mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây. Theo ông Hồ Viết Sỹ, doanh thu từ mỗi héc-ta hoa lý khoảng 300 triệu đồng/năm. Quả hồng có giá từ 22.000 đồng đến 30.000 đồng/kg.
Hiện nay, xã Nam Anh có gần 200 ha hồng. Một số hộ gia đình có vườn hồng cổ lớn, như gia đình ông Nguyễn Hữu Hùng (xóm 7); gia đình ông Hồ Viết Vinh, Bùi Đình Huệ (xóm 5)...
Đặc biệt là vườn hồng cổ nằm ở chân núi Đại Huệ có những gốc hơn 100 năm tuổi. Vào mùa hồng chín, mỗi ngày có hàng trăm lượt du khách về tham quan, chụp ảnh. Một số vườn hồng cũng đã mở cửa đón du khách vào tham quan, chụp ảnh với phí từ 20 nghìn đồng/lượt.
Xã Nam Anh còn được nhiều người biết đến với Khu du lịch tâm linh chùa Đại Tuệ nằm trong quần thể du lịch của huyện Nam Đàn và dãy núi Đại Huệ; Khu du lịch sinh thái Thung Pheo, mỗi tháng thu hút hàng nghìn lượt du khách...
Đây là những lợi thế để Nam Anh đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch. Địa phương còn đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu hình ảnh đến với du khách thông qua trang thông tin điện tử, mạng xã hội.
Nam Anh hiện có 11 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao; trong đó, tương Sa Nam, bột sắn dây, tinh bột nghệ, trà ngũ sắc... là những sản phẩm được du khách ưa chuộng, thường mua về dùng, làm quà biếu khi có dịp đến Nam Anh.
“Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt mức từ 80 đến 110 triệu đồng/năm. Một trong những giải pháp được xã xác định tập trung đẩy mạnh chính là khai thác các giá trị văn hóa tâm linh và du lịch cộng đồng trải nghiệm. Mỗi con đường làng có thể là một điểm tham quan; mỗi khu vườn đều có thể đón khách và mỗi câu lạc bộ văn hóa văn nghệ đều có thể biểu diễn phục vụ du khách... Điều này cần sự đồng lòng, chung tay góp sức của mỗi người dân, gia đình, phát huy sức mạnh của cả cộng đồng”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Anh chia sẻ.
Không chỉ Nam Lĩnh, Nam Anh mà các xã khác ở Nam Đàn cũng phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới nâng cao và đang tiến tới trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Khai thác thế mạnh về truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng
Trên cơ sở tiềm năng và lợi thế về văn hóa và du lịch, năm 2017, sau khi đạt chuẩn huyện nông thôn mới, Nam Đàn được Chính phủ chọn thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018-2025, theo Quyết định số 17/QĐ-TTg, ngày 4/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Để hỗ trợ Nam Đàn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020, quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ huyện Nam Đàn phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, huyện Nam Đàn được hưởng 100% tiền sử dụng đất trên địa bàn huyện để bố trí nguồn vốn đầu tư các dự án, công trình thiết yếu trên địa bàn. Ngoài cơ chế hỗ trợ xi-măng của tỉnh, Nam Đàn còn được hỗ trợ thêm 3.000 tấn xi-măng/năm để nâng cấp, xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn.
“Sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tỉnh đã ban hành một số cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ Nam Đàn. Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội từ huyện đến cơ sở đã vào cuộc tích cực, đồng bộ… Đây là động lực quan trọng đối với Nam Đàn trong thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”, ông Nguyễn Đình Thế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Đàn chia sẻ.
Trong 5 năm thực hiện Đề án thí điểm xây dựng huyện Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu, toàn huyện đã huy động được 2.734 tỷ đồng; trong đó ngân sách các cấp hơn 1.315 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án là 602 tỷ đồng; vốn xã hội hóa 187 tỷ đồng; vốn huy động từ cộng đồng dân cư là 630,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhân dân tự nguyện hiến 42.368m2 đất, tháo dỡ 28.980m2 tường rào và đóng góp hàng chục nghìn ngày công lao động…
Thời gian qua, một số công trình hạ tầng kết nối du lịch, như cảnh quan tuyến đường vào quê nội, quê ngoại Bác Hồ; đường Cầu Đòn-Chùa Viên Quang, đường ngã tư Thị trấn-khu lăng mộ Vua Mai; Đài tưởng niệm đồng chí Lê Hồng Sơn... đã được nâng cấp, sửa chữa.
Công tác quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên và Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền thờ và khu lăng Vua Mai cũng đã hoàn thành.
Một số hạng mục của Khu di tích cụ Phan Bội Châu, Khu mộ đồng chí Lê Hồng Sơn; Đền Trung Chính xã Nam Lĩnh, Đền Câu xã Nam Xuân, đền Chỉ Thiện xã Nam Cát… cũng đã được đầu tư xây dựng, tu sửa.
Đến tháng 5/2024, Nam Đàn có 13 xã nông thôn mới nâng cao; trong đó, sáu xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, gồm: Kim Liên, Nam Giang, Nam Cát, Nam Anh, Nam Nghĩa và Xuân Lâm.
Đây là tiền đề, động lực để cán bộ, đảng viên và nhân dân Nam Đàn tiếp tục nỗ lực, phấn đấu để hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí một cách bền vững, có chiều sâu. Nam Đàn đặt mục tiêu đến cuối năm 2024, toàn bộ 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đến năm 2025 sẽ trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Đàn Vương Hồng Thái cho biết, để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, Đảng bộ, chính quyền huyện Nam Đàn xác định nhiều giải pháp trọng tâm cần thực hiện, như: Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng từ huyện đến xã; phát triển toàn diện ngành kinh tế gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm, nâng cao giá trị các sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan “sáng-xanh-sạch-đẹp”; bảo tồn, trùng tu, nâng hạng các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng.
Địa phương cùng các đơn vị liên quan và nhà tài trợ đang phối hợp triển khai các bước để giải phóng mặt bằng, đầu tư dự án xây dựng bãi đậu xe và khu dịch vụ du lịch tại xã Kim Liên; hoàn thành tu bổ, tôn tạo nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên; đầu tư xây dựng, chỉnh trang, tạo cảnh quan Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên; hoàn thành xây dựng bến thuyền Vua Mai thuộc Dự án tu bổ, tôn tạo cụm di tích Vua Mai...