Thời gian qua, sự tăng trưởng của ngành chăn nuôi thiếu bền vững do tồn tại nhiều bất cập như: Trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh theo ngành hàng yếu. Tổng đàn vật nuôi tăng nhanh trong khi sức mua giảm do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ khá cao. Quy hoạch chăn nuôi ở một số nơi còn mang tính hình thức. Chất lượng và công tác quản lý giống vật nuôi hạn chế.
Phân khúc chế biến và thị trường kết nối còn lỏng lẻo, việc phân phối-tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi thì trồi sụt. Đặc biệt, trong thời gian dài, nước ta luôn phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi từ các nước, một trong những tác nhân khiến giá sản phẩm chăn nuôi Việt Nam cao hơn so với một số quốc gia khác.
Việc giá thức ăn chăn nuôi (chiếm từ 65 đến 70% giá thành sản phẩm) vẫn ở mức cao đã tác động trực tiếp đến việc duy trì sản xuất chăn nuôi, nhất là đối với nông hộ. Ông Nguyễn Hưng Thỉnh (Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết, giá thức ăn chăn nuôi tăng, chi phí đầu vào tăng, cho nên giá sản phẩm chăn nuôi năm 2023 cơ bản thấp hơn giá thành sản xuất khiến nông hộ gặp khó. Vấn đề quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường chưa tốt.
Cùng với đó, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới các tỉnh miền trung và miền nam vào Việt Nam thời gian qua diễn ra phức tạp; số liệu báo cáo không phản ánh đúng thực tế khiến việc ngăn chặn gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động điều tiết, quản trị sản xuất, kinh doanh và tác động đến thu nhập của người chăn nuôi, lợi nhuận của doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước thiếu hiệu quả.
Mặt khác, năm 2023, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của ngành nông nghiệp đạt hơn 53 tỷ USD thì giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi chỉ đạt 515 triệu USD, quá khiêm tốn so với tiềm năng. Nguyên nhân là bởi hiện cả nước chỉ có hơn 2.200 cơ sở, vùng chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh, song chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, đã ảnh hưởng đến việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang các thị trường khác do chưa đáp ứng được những tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn của nước nhập khẩu. Các lò mổ thủ công, mất vệ sinh an toàn thực phẩm nhiều nhưng chưa được xử lý rốt ráo.
Hiện cả nước có hơn 24.000 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thì số cơ sở giết mổ tập trung ít, còn lại phần lớn là cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang Lê Bá Thành cho biết, do chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm cơ bản; công nghiệp giết mổ, chế biến sâu và dự trữ sản phẩm chăn nuôi chậm phát triển, sản phẩm tiêu thụ dạng thô và sơ chế là chủ yếu cho nên giá trị gia tăng thấp.
Bên cạnh đó, việc phân tích, cung cấp thông tin, dự báo tình hình thị trường của các cơ quan quản lý nhà nước chưa sát thực tế, khi thị trường biến động theo chiều hướng không thuận lợi thì người chăn nuôi không biết làm cách nào để tiêu thụ sản phẩm, đành chấp nhận chịu rủi ro. Chưa kể, tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi vẫn chưa thể khắc phục triệt để bởi kinh phí đầu tư xử lý vấn đề này khá lớn, có thể lên đến hàng tỷ đồng, cho nên các trang trại quy mô nhỏ và vừa ít có khả năng làm được, chưa nói đến các nông hộ.
Các chuyên gia cho rằng, để phát triển ổn định trong thời gian tới, ngành chăn nuôi nước ta phải khắc phục được những “lỗ hổng” nêu trên bằng việc quyết liệt thực hiện ngay các giải pháp như: Tiếp tục chuyển sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, ưu tiên chế biến sâu và phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh chăn nuôi theo chuỗi khép kín, kinh tế tuần hoàn, hướng tới người chăn nuôi có thể làm chủ được kỹ thuật để sản xuất an toàn, hiệu quả, phù hợp từng đối tượng vật nuôi và vùng sinh thái; phát huy vai trò của các doanh nghiệp, hiệp hội để cân đối, điều hòa sản xuất sát hơn với thị trường; có chính sách dành quỹ đất để phát triển chăn nuôi đáp ứng các quy định của Luật Chăn nuôi, bảo đảm yêu cầu giảm ô nhiễm môi trường, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; tiếp tục chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng ngô, sắn để làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, sớm phát triển các vùng nguyên liệu thay thế tại các địa phương có lợi thế; tận dụng triệt để nguồn thức ăn và phế phụ phẩm nông nghiệp trong nước.
Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, hiện bộ đang chỉ đạo sát sao việc phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (ngô, khoai, mì...) tại Tây Nguyên để từng bước giảm phụ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.
Về lâu dài, cần đánh giá lại tiềm năng, cơ cấu ngành hàng chăn nuôi, quy mô đàn lợn, đàn gia cầm trong thời gian tới phù hợp với quy hoạch sản xuất, tổ chức sản xuất để từ đó có thể cân đối cung cầu. Tạo sự gắn kết hơn nữa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người chăn nuôi để triển khai xây dựng thêm cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh ở các vùng chăn nuôi hàng hóa trọng điểm.
Các địa phương cần xây dựng kế hoạch tái đàn, chăn nuôi theo tín hiệu thị trường, tránh tình trạng cung vượt cầu khiến giá giảm, ảnh hưởng đến nông hộ; có cơ chế hỗ trợ người chăn nuôi trong việc liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác xã từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; kiểm soát tốt dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho đàn vật nuôi với tỷ lệ hơn 80%, tăng cường kiểm dịch thú y, chú trọng kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế sản phẩm động vật.
Các bộ, ngành liên quan cần ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam; tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi.