Ngày Iftar là thời điểm kết thúc tháng lễ nhịn chay Ramadan - dịp lễ linh thiêng nhất của người Hồi giáo. Dịp này không chỉ thể hiện nét đẹp của sự gắn kết yêu thương, cảm thông, chia sẻ, lòng vị tha, không phân biệt giàu nghèo, mà còn minh chứng cho ý chí kiên cường của người Hồi giáo.
Bà Datin Malai Halimah Yussof, Đại sứ Brunei tại Việt Nam chia sẻ: “Ngày Iftar của Ramadan được tổ chức ở Hà Nội khiến chúng tôi cảm thấy rất vinh dự, đặc biệt trong thời điểm phải rời xa gia đình, đất nước quê nhà. Chúng tôi cảm nhận được sự chào đón của Việt Nam khi tinh thần của Ramadan và Halal được ăn mừng, cùng với sự nhẫn nại, lòng trắc ẩn không chỉ dành riêng cho người Hồi giáo mà còn với các đức tin khác nữa”.
PGS, TS Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi phát biểu tại sự kiện, Ngày Iftar hạnh phúc nhằm giới thiệu nhiều hơn nữa cho người dân, cho cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan ban ngành hiểu thêm về văn hóa của người Hồi giáo. Qua đó chúng ta có thể mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước hồi giáo và thực hiện đúng chủ trương của Đảng và chính phủ về phát triển ngành Hala Việt Nam đến năm 2030.
Theo đó, sự kiện chung tay với Đề án của Chính phủ “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” theo Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 14/02/2023 và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với 57 nước thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC).
Để tăng cường quan hệ hợp tác với các quốc gia Hồi giáo, khai mở một thị trường Halal đầy tiềm năng, với quy mô dân số năm 2022 gần 2 tỷ người, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và quy mô kinh tế năm 2022 bao gồm sản xuất và dịch vụ đạt 2.290 tỷ USD (chưa tính tổng giá trị tài chính), việc tìm hiểu về văn hóa Islam nói chung, hiểu về những phong tục, tập quan, những điều kiêng kỵ Halal/Haram, Iftar nói riêng là vô cùng quan trọng.
Ông Jamale Chouaibi, Đại sứ Maroc tại Việt Nam cho biết: “Đây là lần thứ ba liên tiếp tôi tham dự sự kiện với niềm vui và sự vinh hạnh. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Ban tổ chức. Sự kiện cũng là bằng chứng cho thấy Việt Nam đã gắn kết với sự hòa đồng giữa nhiều nền tôn giáo, tôn trọng sự khác nhau giữa những cộng đồng khác biệt”.
Trải qua 3 năm tổ chức thành công, Ngày Iftar hạnh phúc đã góp phần lan tỏa giá trị nhân văn của người Hồi giáo, tăng cường giao lưu văn hóa và nâng cao nhận thức về văn hóa Đạo hồi.
Trong suốt một tháng lễ Ramadan, tất cả các tín đồ đạo Hồi đều thực hiện nghiêm túc quy định: không ăn, không uống, không hút thuốc, thậm chí không sinh hoạt tình dục, nhưng chỉ áp dụng vào ban ngày, cụ thể là từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn.