Theo dự kiến chương trình, phiên họp chuyên đề pháp luật sẽ diễn ra trong 2 ngày, từ 1 đến 2/4/2024 tại Nhà Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự, phát biểu khai mạc và cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành các nội dung thảo luận.
Trong 2 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vị trí việc làm đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời, cho ý kiến về 5 dự án luật, gồm: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi).
Đây đều là những dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5 tới. Riêng với dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội thảo góp ý kiến ngày 28/3 vừa qua.
Tại hội thảo, các đại biểu nhất trí cho rằng, việc sửa đổi Luật Công đoàn tại thời điểm hiện nay là thực sự cần thiết và phù hợp. Đặc biệt, Bộ luật Lao động năm 2019 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung về quan hệ lao động, về quyền của người lao động tham gia tổ chức đại diện.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các cam kết tuân thủ các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động theo các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có Công ước số 98 của ILO về Quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể.
Các đại biểu đã tập trung góp ý về: giải thích từ ngữ; quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn; giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; trách nhiệm của Nhà nước với công đoàn; bảo đảm về tổ chức cán bộ; tài chính công đoàn; xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn...