Hướng đến mô hình xanh, thông minh

Sau 20 năm đi vào hoạt động, đến nay, Công ty Phát triển công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) trở thành một công viên phần mềm (CVPM) ngang tầm khu vực châu Á. Đây là tiền đề quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế với ngành công nghiệp trọng tâm - công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin (CNTT); xây dựng, đào tạo đội ngũ nhân lực CNTT chất lượng cao cho TP Hồ Chí Minh nói riêng và  cả nước nói chung…

Công ty TMA Solutions (Công viên phần mềm Quang Trung) trưng bày các sản phẩm ứng dụng công nghệ phần mềm.
Công ty TMA Solutions (Công viên phần mềm Quang Trung) trưng bày các sản phẩm ứng dụng công nghệ phần mềm.

Tính đến cuối năm 2020, QTSC thu hút 165 doanh nghiệp (DN) phần mềm, nội dung số, dịch vụ CNTT, trong đó có 52 DN nước ngoài và 113 DN trong nước với tổng vốn đăng ký kinh doanh gần 2.434 tỷ đồng. Doanh số tích lũy giai đoạn 5 năm 2016-2020 đạt khoảng 50.167 tỷ đồng, cao gấp ba lần so với giai đoạn 5 năm 2011-2015. Trong 20 năm qua, ngân sách nhà nước đầu tư vào CVPM Quang Trung thông qua QTSC khoảng 200 tỷ đồng, trong khi tổng vốn thu hút từ các nhà đầu tư và DN CNTT trong CVPM Quang Trung đến nay là 6.739 tỷ đồng. Ước tính, cứ 1 USD đầu tư của Nhà nước, QTSC thu hút 33,7 USD của xã hội và xu hướng này còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do dư địa còn lớn. Tính bình quân, 1 ha đất tại CVPM Quang Trung tạo ra 1.639 tỷ đồng doanh thu, tương đương 73,21 triệu USD. 

Khi mới đi vào hoạt động, từ việc QTSC tập trung thu hút đầu tư nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm của các DN phần mềm nước ngoài, đến nay, số lượng DN CNTT trong nước đã gấp hai lần DN nước ngoài. Điều này cho thấy, CVPM Quang Trung thật sự là nơi ươm mầm các DN Việt thông qua các mô hình, chính sách.

Giám đốc QTSC Lâm Nguyễn Hải Long cho biết, đặc điểm loại hình DN CNTT là không nhà máy, không gây ô nhiễm; nguyên liệu “đầu vào” của DN chủ yếu là chất xám; các hoạt động xuất khẩu được thực hiện trên môi trường không gian mạng cho nên đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực cao. Giá trị thặng dư của DN chủ yếu là nguồn nhân lực tại Việt Nam. Hiện nay, tổng số lao động tại CVPM Quang Trung khoảng 21.700 người, trong đó trình độ kỹ sư và đại học hơn 11 nghìn người, sinh viên gần 10.500 người. Năm 2017, tổ chức tư vấn quốc tế KPMG xếp CVPM Quang Trung đứng thứ ba trong tám khu công nghệ tiêu biểu tại châu Á về hiệu quả hoạt động; thứ tư về quy mô, hiệu quả hoạt động của DN. 

Thời gian qua, QTSC cũng xây dựng và phát triển CVPM Quang Trung trở thành thương hiệu nằm trong nhóm các khu công nghệ hàng đầu tại khu vực châu Á, được cộng đồng quốc tế thừa nhận, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia đối với ngành CNTT Việt Nam, nâng cao vị trí của Việt Nam và trở thành chỉ dẫn địa lý của ngành công nghệ phần mềm Việt Nam trên bản đồ phát triển phần mềm thế giới. QTSC là đơn vị chủ chốt trong triển khai thí điểm xây dựng chuỗi CVPM Quang Trung với ba thành viên và đang tích cực đẩy mạnh công tác xúc tiến phát triển chuỗi, lan tỏa được hình ảnh chuỗi, thu hút sự quan tâm của nhiều địa phương trong cả nước. QTSC cũng xây dựng được hệ sinh thái ngành CNTT lớn nhất tại Việt Nam trên nền tảng liên kết DN - nhà trường - nghiên cứu và có 650 sản phẩm, giải pháp, dịch vụ CNTT xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia trên thế giới. 

Không như các khu công nghiệp, khu công nghệ cao mang tính đa ngành và có quy mô diện tích đất đai lớn, lĩnh vực phần mềm là một trong những chuyên ngành hẹp của ngành CNTT và tài sản lớn nhất của DN phầm mềm chủ yếu là con người. Do vậy, thiếu nguồn lực chất lượng cao là một bài toán muôn thuở của DN phần mềm Việt Nam. Xác định đây là vấn đề quan trọng trong quá trình phát triển của DN cho nên QTSC đã nỗ lực thu hút các đơn vị đào tạo chất lượng cao đến hoạt động tại CVPM Quang Trung. Hiện tại, CVPM Quang Trung có tám trường, viện với các chương trình đào tạo có uy tín, chất lượng, đáp ứng được tương đối nhu cầu của DN trong nội khu. Ngoài ra, QTSC còn kết nối với hơn 30 trường đại học, cao đẳng nhằm tăng cường liên kết và thực hiện các hoạt động hướng nghiệp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các DN…

Thời gian tới, QTSC tập trung phát triển CVPM Quang Trung trở thành địa điểm nghiên cứu, ứng dụng, cung cấp và chuyển giao các giải pháp công nghệ (tech hub) cho cả nước và khu vực Đông Nam Á. Những thay đổi này sẽ ngày càng góp phần khẳng định vị thế của CVPM Quang Trung trong sự phát triển của ngành CNTT trong nước và nâng cao hình ảnh thương hiệu đối với cộng đồng quốc tế. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2026, QTSC phấn đấu phát triển trở thành đơn vị mạnh cung cấp dịch vụ hạ tầng công nghệ (chính phủ điện tử, an ninh thông tin…); các dịch vụ giải pháp chuyển đổi số trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía nam theo mô hình DN mẹ - con. Xây dựng QTSC và CVPM Quang Trung là mô hình mẫu cho hoạt động chuyển đổi số của cả nước. 

QTSC tiếp tục đầu tư bằng chính nguồn lực của mình, thu hút đầu tư các lô đất còn trống để đến năm 2026 hoàn tất toàn bộ các công trình trong CVPM Quang Trung. Nâng cao chất lượng các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành mô hình xanh, thông minh ngang tầm khu vực châu Á. Tạo hệ sinh thái liên kết các khu công nghệ của đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm phía nam ứng dụng các công nghệ số hiện đại. Liên kết với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao, Trung tâm công nghệ sinh học thành phố cùng phát triển Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông TP Hồ Chí Minh...

Năm 2004, QTSC chính thức được cấp chứng nhận đạt ISO 9001 (chất lượng dịch vụ), năm 2011 được cấp chứng nhận ISO/IEC 27001 (an toàn thông tin), năm 2020 nhận được chứng nhận ISO 14001 (bảo đảm môi trường). Ngoài ba hệ thống nêu trên, QTSC cũng vận dụng và áp dụng thêm ISO 31000 về quản lý rủi ro, xây dựng được các bộ nhận diện và đánh giá rủi ro cho tất cả các hoạt động trọng tâm. Dự kiến, năm nay, QTSC sẽ xây dựng và áp dụng ISO 50001:2018 nhằm tích hợp các hoạt động quản lý năng lượng.