Tỉnh Vĩnh Phúc có 175 cơ quan hành chính đang áp dụng, duy trì Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001:2015. Trong đó có 39 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện thuộc diện bắt buộc áp dụng; 136 xã, phường, thị trấn thuộc diện khuyến khích áp dụng. Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh tiến hành kiểm tra việc duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng ở tất cả các đơn vị. Chủ trì công tác quản lý nhà nước về quản lý chất lượng là Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc.
Ông Tạ Văn Sinh, Chi cục trưởng Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Thông qua Hệ thống quản lý chất lượng, các cơ quan, tổ chức phải công khai các yêu cầu về hồ sơ, tài liệu mà người dân phải nộp khi giải quyết thủ tục hành chính. Các cơ quan này cũng phải nêu rõ quy trình xử lý công việc, kết quả xử lý cuối cùng, thời gian hoàn thành, từ đó đưa ra biện pháp để giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Hệ thống quản lý chất lượng giúp vận hành cơ chế "một cửa" và "một cửa liên thông" của nhiều cơ quan, đơn vị hiệu quả hơn, giúp thấy rõ các vấn đề thuộc hoạt động nội bộ cơ quan khi giải quyết công việc. Hệ thống này cũng chỉ ra những chỗ chồng chéo, bất hợp lý để liên tục cải tiến các quy trình xử lý công việc cho phù hợp. Thông qua công tác kiểm tra, các đơn vị đã đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị văn phòng, đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức. Hệ thống quản lý chất lượng cũng tạo điều kiện để người dân cùng giám sát cán bộ, công chức, giám sát quá trình giải quyết các thủ tục hành chính.
Năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng kết quả áp dụng, duy trì, cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2015. Bộ tiêu chí là căn cứ để kiểm tra, đánh giá, chấm điểm, xếp loại các đơn vị bảo đảm chính xác, hiệu quả.
Qua thực hiện bộ tiêu chí này, các cơ quan đã chủ động xây dựng, kiểm soát và thực hiện mục tiêu chất lượng; nhận diện bối cảnh, xác định rủi ro và nhu cầu của các bên quan tâm. Nhiều cơ quan tăng cường đánh giá nội bộ, xem xét công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cấp xã, về mục đích, ý nghĩa và hiệu quả của việc xây dựng, áp dụng chuyển biến tích cực. Nhiều hoạt động nội bộ được các đơn vị xem xét chuẩn hóa thành các quy trình. Số lượng quy trình nội bộ được các đơn vị rà soát xây dựng và đưa vào áp dụng ngày càng tăng.
Vĩnh Phúc đã thực hiện tổng rà soát thủ tục hành chính, công bố 1.743 danh mục thủ tục hành chính; cắt giảm tối thiểu 20% thời hạn giải quyết đối với 825 thủ tục hành chính có thời hạn giải quyết hơn 10 ngày làm việc. Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên chỉ đạo nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện bổ sung tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính vào sáng thứ bảy hằng tuần.
Kết quả hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn đạt tỷ lệ 98,95%. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực thi đua khen thưởng giảm từ 25 ngày xuống còn 12 ngày. Thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư giảm từ 15 ngày xuống còn 11 ngày. Thủ tục thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định là 40 ngày, tại tỉnh giảm còn 36 ngày...
Sở Khoa học và Công nghệ đang tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường áp dụng ISO điện tử gắn với việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số thông qua triển khai Ðề án số hóa và chuyển đổi số hệ thống tài liệu, hồ sơ TCVN ISO 9001:2015 tỉnh Vĩnh Phúc.
Ðể triển khai hoạt động này, sở tổ chức hàng chục lớp tập huấn về áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 cho lãnh đạo, thư ký ISO các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Những kết quả đạt được thông qua việc áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc.