Mở đầu buổi lễ là màn biểu diễn nghệ thuật với hoạt cảnh chèo “Linh khí Côn Sơn” dài 30 phút. Hơn 70 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công đã tái hiện những giá trị lịch sử chùa Hun tức “Thiên Tư Phúc” tại Côn Sơn, nơi Đệ Nhất tổ Trần Nhân Tông chọn làm nơi giảng kinh, thuyết pháp.
Sau diễn văn khai hội, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn là bảo vật quốc gia.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn là bảo vật quốc gia. |
Tiếp đó các đại biểu dâng hương, dâng hoa, tưởng niệm 690 năm ngày viên tịch của Đệ Tam tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả.
Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái, sinh năm 1254, tại hương Vạn Tư (nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), thuộc dòng dõi quan lại nhà Lý. Ông cùng Phật hoàng Trần Nhân Tông và Pháp Loa đi khắp nơi trong nước thuyết pháp, giảng kinh và trở thành vị Tổ thứ 3 của thiền phái Trúc Lâm.
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm Đệ Tam tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả. |
Những năm cuối đời, ông về trụ trì tại chùa Côn Sơn, xây dựng tòa Cửu phẩm liên hoa, biên soạn kinh sách truyền lại cho đời sau. Ngày 23 tháng Giêng năm 1334, ông viên tịch tại chùa Côn Sơn, thọ 80 tuổi.
Hằng năm, ngày mất của ông trở thành ngày giỗ Tổ của chùa Côn Sơn. Từ đó, di tích Côn Sơn luôn giữ vai trò là trung tâm Phật giáo xứ Đông xưa.
Nghi lễ cúng tế trên hồ Côn Sơn. |
Trong ngày khai hội tại Khu di tích chùa Côn Sơn còn có nhiều hoạt động nổi bật như: Buổi sáng diễn ra Lễ rước nước. Đây là là nghi thức tâm linh, thể hiện lòng thành kính, tri ân chư vị Phật, thánh, nguyện mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bệnh tật tiêu trừ, nhân khang vật thịnh.
Nghi lễ còn biểu dương sức mạnh, gợi mở sự gắn kết tình cảm cộng đồng làng xã. Lễ rước nước là nghi lễ quan trọng, một nét đẹp văn hóa đặc sắc, độc đáo tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc mà không nhiều lễ hội có.
Cũng trong buổi sáng, Ban tổ chức lễ hội đã khai mạc Tuần Văn hóa ẩm thực, du lịch và xúc tiến thương mại, với 43 gian hàng giới thiệu các món ăn đặc sắc của Hải Dương và các địa phương, các sản phẩm OCOP, du lịch, làng nghề truyền thống của Hải Dương; các trò chơi dân gian...
Buổi chiều diễn ra Liên hoan pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ 11 với sự tham gia của 7 đội pháo đất truyền thống đến từ 3 huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang; khai mạc, thi đấu giải vật dân tộc và cờ tướng.