Kiên Giang ứng phó hạn, mặn xâm nhập

Tỉnh Kiên Giang có bờ biển dài khoảng 200km với hệ thống các xã đảo, cụm đảo ven biển. Bên cạnh tiềm năng phát triển kinh tế, các địa phương ven biển, hải đảo của tỉnh thường xuyên đối mặt với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn, tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt vào mùa khô.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống thủy lợi cống Cái Lớn, tỉnh Kiên Giang.
Hệ thống thủy lợi cống Cái Lớn, tỉnh Kiên Giang.

Bước vào mùa khô 2023-2024 (từ tháng 12/2023 đến đầu tháng 4/2024), nhiều hộ dân sống tại các cụm tuyến dân cư ven biển và hải đảo thuộc các huyện Hòn Đất, Châu Thành, An Biên, An Minh, Kiên Hải, Kiên Lương đều lo thiếu nước sạch sinh hoạt, hoặc chất lượng nước kém do bị nhiễm phèn, mặn. Do vậy, các hộ dân đã chuẩn bị lu xi-măng, kiệu đá, bồn nhựa để trữ nước ngọt.

Theo ông Trần Văn Nam ở xã Đông Thạnh, huyện An Minh, nhiều giếng khoan trên địa bàn đã nhiễm phèn, mặn khá nặng, có nơi máy khoan sâu hàng trăm mét vẫn không tìm được nước ngọt. Đầu tháng 12/2023, dù đã có nước máy, nhưng ông Nam vẫn trữ hơn 10 lu nước mưa để sinh hoạt. "Có thời điểm nước máy, nước bơm tay có mùi hôi không sử dụng được. Do vậy, tôi luôn chuẩn bị nước mưa đủ để ăn uống cho tới khoảng tháng 4, tháng 5", ông Nam nói.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, bà Lâm Thị Lý ở ấp Bảy Biển, xã Nam Thái A, huyện An Biên rửa sạch năm bể chứa tôm rộng để tận dụng thành các bể chứa nước ngọt sinh hoạt. Bà Lý cho biết, đây là thời điểm bà không còn mua tôm nữa, cho nên tận dụng các bể nhựa để trữ nước ngọt.

"Trung bình mỗi bể chứa khoảng 1,3m3, tổng lượng nước trữ được khoảng hơn 6m3, gần đủ nấu ăn và nước uống cho khoảng bốn tháng mùa khô. Mặc dù đã có nước máy kéo về, nhưng dự trữ nước ngọt vẫn tốt hơn. Mùa khô 2015-2016, gia đình tôi phải mua từng can nước 30 lít với giá rất cao và phải chạy vỏ máy đi xa mới mua được nước ngọt", bà Lý cho biết thêm.

Ở gần nhà bà Lý, chị Ngô Thị Giúp cũng tranh thủ những trận mưa cuối mùa hứng đầy ba lu nhựa. Theo chị Giúp, giờ người dân ở đây đều tiết kiệm và trữ nước ngọt.

Rút kinh nghiệm từ vụ hạn, mặn năm 2015-2016, vụ đông xuân 2023-2024, ông Lê Quốc Đạt ở xã Đông Yên, huyện An Biên gieo sạ sớm. Đến thời điểm này, ông Đạt đang thu hoạch gần dứt điểm toàn bộ 40 công (một công bằng 1.000 m2) lúa, năng suất bình quân khoảng 1 tấn/công. Ông Đạt cho biết, do xuống giống và thu hoạch sớm, lúa năm nay đủ nước, cho nên chắc hạt, không bị lép do nước nhiễm mặn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, toàn tỉnh xuống giống 280.265 ha lúa đông xuân 2023-2024 và 72.395 ha vụ lúa mùa 2023-2024, đến nay đã thu hoạch gần hết. Một số diện tích còn lại chưa thu hoạch nằm trong vùng cơ bản đã hoàn thiện hệ thống cống kiểm soát mặn.

"Nhờ chủ động ứng phó kịp thời tình hình hạn, xâm nhập mặn, đến nay, tỉnh bảo đảm an toàn sản xuất, nhu cầu nước sinh hoạt của nhân dân. Từ đầu mùa khô đến nay, nguồn nước cung cấp đầu vào cho các nhà máy nước, các trạm cấp nước và hoạt động cung cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định", Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn thông tin.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, mùa khô 2023-2024 có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cục bộ ở một số khu vực. Đặc biệt, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm và tiếp tục duy trì ở mức cao.

Còn theo ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, đến đầu tháng 2/2024, trên sông Cái Bé độ mặn 4,0 phần nghìn, xâm nhập sâu khoảng 15km (ghi nhận tại xã Minh Hòa, huyện Châu Thành) và trên sông Cái Lớn độ mặn 4,0 phần nghìn, xâm nhập sâu khoảng 35km (tại thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao).

Trước tình hình nêu trên, mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai do xâm nhập mặn để kịp thời ứng phó trên địa bàn huyện Kiên Lương và ban hành lệnh xây dựng khẩn cấp công trình đắp đập ngăn mặn trên kênh Rạch Giá-Hà Tiên.

Đến nay, việc xây dựng công trình đã cơ bản hoàn thành. Cao trình đỉnh đập 2m, dài 45,6m, kết cấu đập bằng Lasen IV, tổng mức đầu tư gần 10,25 tỷ đồng bảo đảm phục vụ công tác phòng chống, ứng phó hạn và xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024. Đập ngăn mặn này sẽ trực tiếp bảo vệ khoảng 50.000 ha lúa đông xuân 2023-2024 của huyện Kiên Lương và huyện Giang Thành; hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà máy, xí nghiệp và nguồn nước sinh hoạt của khoảng 67.000 người dân trong khu vực.

Hiện, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang đã phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác thủy lợi miền nam vận hành các cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô và một số hệ thống cống trên địa bàn tỉnh để ngăn mặn, giữ ngọt hợp lý theo yêu cầu thực tế tại từng thời điểm sản xuất của từng khu vực.

Riêng các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng mặn như An Biên, An Minh đã đắp mới, gia cố các đập đất ngăn mặn theo thời vụ. Chi cục Thủy lợi tỉnh vận hành cống để kiểm soát mặn, trữ ngọt cho khu vực trong đê bao vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng; gia tăng mực nước tại các kênh ven đê bao ngoài vùng đệm để hạn chế sự sụt lún, sạt lở tuyến đê bao ngoài vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng.

Theo lãnh đạo thành phố Phú Quốc và huyện Kiên Hải, các địa phương đã chủ động tích nước an toàn vào các hồ chứa Dương Đông (thành phố Phú Quốc); Bãi Nhà, Bãi Cây Mến (huyện Kiên Hải) để cấp nước sinh hoạt an toàn cho nhân dân trên đảo. Ngành chức năng tỉnh đã sửa chữa xong cống Hà Giang, huyện Giang Thành, bảo đảm cho sản xuất và nguồn nước cấp cho Nhà máy nước Hà Tiên 1 triệu m3, bảo đảm nguồn nước sạch cho thành phố Hà Tiên và huyện Giang Thành.

Đại diện Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, qua khảo sát tại các địa phương trong vùng hạn, mặn, dự báo có khoảng 30.000 hộ dân có khả năng bị thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô.

Hiện, đơn vị đã hoàn thành khảo sát, thiết kế và lập dự toán kinh phí mở rộng tuyến ống từ các công trình cấp nước tập trung tại các xã Vân Khánh Đông, Vân Khánh, huyện An Minh; đầu tư bồn trữ nước xã đảo Hòn Nghệ thuộc huyện Kiên Lương. Tỉnh cũng đã lên phương án hỗ trợ cấp nước nhỏ lẻ bằng bồn nhựa chứa nước dung tích 0,5-1m3 và hóa chất xử lý nước khẩn cấp cho các hộ dân ở phân tán, vùng khó khăn về nước sạch.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành yêu cầu các ngành có liên quan, các địa phương trong vùng ảnh hưởng mặn phối hợp, ưu tiên cân đối nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024. Trong đó, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân kiểm tra chất lượng nguồn nước trước khi bơm tưới, thường xuyên kiểm tra các cống, đập để kịp thời phát hiện, khắc phục rò rỉ.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đề nghị ngành chức năng vận hành đóng, mở cống, âu thuyền vàm Bà Lịch, huyện Châu Thành để chủ động kiểm soát mặn từ sông Cái Bé vào kênh Ông Hiển bảo đảm nguồn nước ngọt cho các nhà máy nước ở huyện Châu Thành và thành phố Rạch Giá. Cùng với đó, kéo lưới điện ba pha để vận hành các cống ngăn mặn trên tuyến đê biển An Biên-An Minh…