Thúc đẩy điều tra các vụ án liên quan lĩnh vực điện, xăng dầu
Liên quan việc điều tra một số vụ án trong lĩnh vực điện, xăng dầu, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết: Với phương châm xử lý một vụ, cảnh tỉnh một vùng, lĩnh vực, bộ đã tích cực “thăm khám điều trị một số bệnh nan y trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Bộ đã triệt phá vụ án chuyến bay giải cứu, ngân hàng SCB, Công ty Việt Á và hiện chuyển sang điều tra lĩnh vực điện, xăng dầu, đá cát sỏi.
Đối với vụ án tại Công ty cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân, Công ty Điện lực Bình Thuận, theo ông Xô, đây là điển hình việc chủ đầu tư - nhà thầu bắt tay nhau nâng giá nhiều loại vật tư, thiết bị điện lên vài chục tới vài trăm phần trăm. Thậm chí, có loại vật tư được nâng giá 300%. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng giá điện ảnh hưởng tới người tiêu dùng, do được cộng vào giá thành. “Loại virus Việt Á biến thể tương đối phổ biến ở các địa phương, tới đây Bộ sẽ có vaccine điều trị”, ông Tô Ân Xô nói.
Đối với vụ án Hải Hà Petro, Xuyên Việt Oil là điển hình vi phạm quy định về xuất nhập khẩu xăng dầu, quản lý sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu. Hải Hà gây thiệt hại 15 tỷ đồng; thất thoát khoảng 300 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Đối với vụ án Xuyên Việt Oil, cơ quan điều tra đang phong tỏa 17 tài khoản cá nhân số tiền khoảng hơn 4 tỷ đồng; tạm dừng giao dịch mua bán chuyển nhượng với 54 nhà đất đứng tên cá nhân và 6 nhà đất đứng tên công ty. Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định, Tết Nguyên đán cận kề nhưng cơ quan điều tra quyết tâm đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ án, tinh thần quyết tâm, quyết liệt, không có vùng cấm, ngoại lệ, triệt để thu hồi tài sản thất thoát lãng phí cho nhà nước, nhân dân.
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: VGP) |
Liên quan vấn đề thúc đẩy đầu tư công, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung khẳng định, đầu tư công là một trong số nội dung được Thủ tướng, Chính phủ chỉ đạo sát sao. Từ đầu nhiệm kỳ, đầu tư công là lĩnh vực vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa là trụ đỡ tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn phát triển. Trước ngày 31/12 của năm trước, Thủ tướng sẽ phân giao vốn cho các bộ, ngành, địa phương. Số vốn đầu tư công được giao năm nay là 657.000 tỷ đồng, hiện Thủ tướng đã quyết định giao các bộ, ngành địa phương đến nay đã giao được gần 97%, tương đương 623.000 tỷ đồng. Với số vốn giao cao này phản ánh ngay vào kết quả giải ngân tháng 1, đạt 2,58%, khoảng 16.900 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 2023 (1,8%).
Kết quả này đạt được là nhờ xác định rõ khó khăn từng ngành, lĩnh vực trong các thủ tục pháp luật liên quan các lĩnh vực xây dựng, ngân sách… trong giải ngân đầu tư công. Kết quả này là đáng khích lệ từ đầu năm. Theo Thứ trưởng, có những giải pháp đã làm từ đầu nhiệm kỳ, 2021-2022 và những giải pháp tháo gỡ về thể chế, khó khăn trong thực tế như nguồn đất, vật liệu thay thế… Điều này được kỳ vọng sẽ giải quyết khó khăn cho các dự án. Năm 2024, các dự án đầu tư công, nhất là dự án quan trọng quốc gia cơ bản hoàn thiện thủ tục, và đây là tiền đề đẩy nhanh và tin năm nay sẽ giải ngân tốt và cao.
Nói rõ thêm vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết: Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu 5 Tổ công tác Chính phủ ngay sau Tết Nguyên đán triển khai việc rà soát và kiểm tra, đốc thúc việc triển khai đầu tư công tại các địa phương. Khẳng định giải ngân đầu tư công vẫn là mục tiêu trọng tâm năm nay để khơi thông, tạo đà cho tăng trưởng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Trần Văn Sơn tin chắc chắn năm nay sẽ đạt mục tiêu, kế hoạch trong giải ngân đầu tư công.