Xây dựng lộ trình áp dụng điều chỉnh giá điện theo từng giai đoạn phù hợp
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Bộ Công thương đã có đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng 1 lần, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: tại dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đang được Bộ Công thương lấy ý kiến, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thẩm quyền điều chỉnh dưới 5% và rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện xuống 3 tháng một lần, tức là mỗi năm có thể sẽ có 4 lần điều chỉnh giá điện.
Thứ trưởng cho biết, cơ sở đề xuất sửa Quyết định 24/2017/QĐ-TTg nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo hướng điều chỉnh giá điện theo lộ trình, tránh giật cục. Về thẩm quyền của EVN được điều chỉnh 3% đến dưới 5% khi có biến động các thông số đầu vào, quy định này nhằm bảo đảm mức độ tự quyết của doanh nghiệp trong khung giá Chính phủ quy định.
Việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện tối thiểu 3 tháng một lần cũng nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về điều chỉnh giá theo lộ trình, tránh giật cục, cũng nhằm bảo đảm giá điện phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào tác động tới chi phí sản xuất kinh doanh điện, tránh trường hợp để treo chưa thanh toán các chi phí phát sinh thực tế, dẫn tới trường hợp giá điện tăng đột biến trong một lần điều chỉnh.
Mặt khác, rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá, theo ông Hải, cũng phù hợp với quy định hiện nay tại Quyết định 24/2017/QĐ-TTg về việc EVN phải báo cáo cập nhật giá điện hằng quý.
Giá điện là mặt hàng nhạy cảm, tác động trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp nên việc điều chỉnh giá mặt hàng này, thời điểm điều chỉnh cần thiết báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm điều hành vĩ mô, kinh tế-xã hội.
Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải. |
Trước câu hỏi vì sao chưa xây dựng biểu giá điện 2 thành phần (công suất và điện năng) khi Bộ Công thương đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, trên cơ sở phân tích đặc điểm tình hình kinh tế-xã hội hiện nay, Bộ Công thương đề nghị thực hiện cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện theo 2 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1, sửa đổi giá bán điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt ở mức tối thiểu, bảo đảm tránh gây biến động quá lớn trong việc thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện nhưng vẫn giải quyết được những vấn đề cấp thiết mà dư luận và người dân đặt ra trong thời gian qua. Theo đó, bổ sung nhóm khách hàng "cơ sở lưu trú du lịch" để áp dụng giá bán lẻ điện bằng với giá bán lẻ điện cho sản xuất trên cơ sở tách ra từ nhóm khách hàng kinh doanh.
Gộp giá bán điện theo các cấp điện áp để phù hợp với thực tế phát triển lưới điện tại các Tổng công ty Điện lực, cụ thể: Giá bán lẻ điện theo các cấp điện áp gồm cao áp: Cấp điện áp trên 35kV (bao gồm cấp điện áp từ trên 35kV đến dưới 220kV và cấp điện áp từ 220kV trở lên), trung áp từ 1kV đến 35kV, hạ áp dưới 1kV áp dụng cho các nhóm khách hàng sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch.
Bổ sung cơ cấu giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện cho sản xuất tại cấp điện áp 220 kV trở lên để phù hợp với thực tế phát triển khách hàng và bảo đảm giá điện phản ánh chi phí sản xuất kinh doanh điện với việc hiệu chỉnh kết quả tính toán giá bán điện cho cấp 220kV trên cơ sở chênh lệch giá điện của cấp 110kV và giá thành bình quân đến cấp 220kV; giữ nguyên cơ cấu giá bán lẻ điện cho đối tượng khách hàng hành chính sự nghiệp để tránh tác động quá lớn đến nhóm khách hàng chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19; giữ nguyên giá điện hiện hành đối với các hộ kinh doanh khác nhằm bảo đảm giảm thiểu biến động lớn tới giá bán lẻ điện bình quân và hạn chế tối thiểu việc tăng giá điện cho nhóm khách hàng sản xuất; bổ sung cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng trạm/trụ sạc xe điện theo nguyên tắc giá điện phản ánh đúng, đủ chi phí sản xuất, kinh doanh của ngành điện.
Giai đoạn 2, trong các năm tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với EVN theo dõi, cập nhật số liệu, đánh giá ảnh hưởng của phương án đề xuất tại Đề án (theo nguyên tắc giá phản ánh chi phí) tới tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân, xây dựng lộ trình áp dụng theo từng giai đoạn phù hợp với sự phục hồi của nền kinh tế để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định, trong đó có xem xét việc áp dụng thử nghiệm đề xuất giá bán điện 2 thành phần theo công suất và điện năng để áp dụng cho các khách hàng sử dụng điện cho sản xuất tại cấp 110kV trở lên để có đánh giá kỹ lưỡng trước khi áp dụng chính thức.
Bắt tạm giam Nguyễn Cao Trí vì tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”
Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an. |
Về thông tin liên quan đến ông Nguyễn Cao Trí là thành viên hội đồng trường Đại học Văn Lang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Linh, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, ngày 15/1/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Cao Trí (sinh năm 1970) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo Khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo báo cáo của Cơ quan cảnh sát điều tra, trong quá trình mở rộng điều tra vụ án tại Công ty cổ phần An Đông hay còn gọi là vụ án Vạn Thịnh Phát, Cơ quan điều tra phát hiện Trương Mỹ Lan có quan hệ làm ăn, đầu tư với Nguyễn Cao Trí. Trương Mỹ Lan đã chuyển cho Trí số tiền hơn 40 triệu USD để mua bán dự án, kinh doanh. Khi Lan bị bắt, Trí đã nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền Lan đã chuyển cho Trí. Nguyễn Cao Trí đã chỉ đạo một số nhân viên tiêu hủy giấy tờ, chứng cứ việc Lan chuyển tiền cho Trí với mục đích chiếm đoạt toàn bộ số tiền kể trên.
Tại Cơ quan điều tra, Trí đã nhận tội và sẽ phải nộp lại số tiền đã chiếm đoạt. Cơ quan điều tra đã kê biên, phong tỏa tài sản của Trí để bảo đảm thu hồi tài sản trong vụ án.
Qua vụ án này, Bộ Công an cảnh báo: Pháp luật sẽ xử lý nghiêm khắc những ai dùng thủ đoạn để chiếm đoạt tiền, tài sản mà họ đã được đối tác chuyển giao nhưng khi đối tác vướng vòng lao lý thì tìm cách chiếm đoạt.