Giao dịch nông sản đóng cửa do các Sở giao dịch tại Mỹ nghỉ Lễ Thánh Martin Luther King Jr. Trên bảng giá các nhóm hàng khác, nhiều mặt hàng chốt ngày dao động nhẹ quanh mức tham chiếu. Chỉ số MXV-Index ở mức 2.107 điểm.
Giá dầu giảm không đáng kể trước các thông tin cơ bản trái chiều
Theo MXV, giá dầu diễn biến giằng co trong ngày giao dịch đầu tuần 15/1 và kết phiên không đổi so với mức tham chiếu trước các thông tin cơ bản trái chiều. Một mặt, tác động hạn chế của cuộc xung đột ở Trung Đông với sản lượng dầu thô đã thúc đẩy hành động chốt lời của nhà đầu tư. Mặt khác, thời tiết buốt giá tại tiểu bang North Dakota của Mỹ đã gây đình trệ cho hoạt động sản xuất dầu trong khu vực, khiến sản lượng dầu sụt giảm.
Thanh khoản thị trường tương đối mỏng. Giá đóng cửa sẽ được tính toán vào rạng sáng ngày 17/1 do phiên đầu tuần đóng cửa sớm nghỉ lễ. Tính đến 2 giờ 30 phút ngày 16/1, giá dầu WTI giảm 0,3% xuống 72,5 USD/thùng. Dầu Brent giảm 0,2% xuống 78,15 USD/thùng.
Nhiều chủ tàu chở dầu tránh Biển Đỏ và thay đổi hải trình sau khi Mỹ và Anh tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen. Dữ liệu theo dõi tàu từ LSEG và Kpler cho thấy, ít nhất 6 tàu chở dầu nữa đã rời khỏi phía nam Biển Đỏ vào thứ Hai, Torm Innovation, Proteus Harvonne và Alfios I chuyển sang tuyến đường dài hơn quanh Mũi Hảo Vọng của châu Phi.
Mặc dù vậy, thị trường không thấy khả năng cuộc xung đột đang gia tăng sẽ gây nguy hiểm cho hoạt động sản xuất dầu thô và dòng chảy từ Trung Đông, khu vực chiếm khoảng 1/3 sản lượng dầu của thế giới. Điều này đã thúc đẩy hành động bán chốt lời của các nhà đầu cơ giá lên, gây áp lực lên giá dầu.
Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu dần thu hẹp trong bối cảnh nguồn cung tại Mỹ có xu hướng thắt chặt. Theo ước tính mới nhất từ Cơ quan Đường ống North Dakota, sản lượng dầu của North Dakota đã giảm 400.000 xuống 425.000 thùng/ngày do thời tiết lạnh giá và các vấn đề vận hành liên quan. Trước khi sản lượng dầu thô giảm, North Dakota đang sản xuất khoảng 1,2-1,3 triệu thùng dầu/ngày, tương đương hơn 1% nhu cầu toàn cầu.
Giá Robusta lên cao nhất 16 năm trước lo ngại thiếu hụt nguồn cung
Giá Robusta đã đi lên mức cao nhất trong 16 năm, tăng 1,65% khi khép lại phiên giao dịch ngày 15/1. Căng thẳng trên Biển Đỏ tiếp tục gia tăng lo ngại về tình trạng vỡ nợ hợp đồng và thiếu hụt nguồn cung trên thị trường trong ngắn hạn.
Giới giao dịch cà-phê trên toàn cầu lo ngại về việc căng thẳng trên Biển Đỏ làm giá cước vận chuyển cà-phê từ các quốc gia châu Á sang Mỹ và châu Âu tăng lên, đồng thời thời gian giao hàng kéo dài. Điều này có thể khiến nông dân tại các nước sản xuất lớn như Việt Nam hạn chế bán cà-phê. Do đó, những đơn hàng đã giao dịch trước không được thực hiện đúng thời hạn và nguồn cung trên thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt trong ngắn hạn.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận sáng nay (16/1), giá cà-phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng thêm 600 đồng/kg. Theo đó, giá cà-phê trong nước được thu mua quanh mức 70.600-71.300 đồng/kg.
Giá đường trắng tăng 1,29% trong phiên hôm qua với sự hỗ trợ từ giá dầu thô. Theo đó, giá dầu mạnh lên, thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho chiết xuất ethanol, một dòng nhiên liệu sinh học có thể thay thế dầu. Do đó, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đường có thể bị hạn chế khi hoạt động nghiền mía cho niên vụ hiện tại gần như đã kết thúc.
Sau 7 phiên tăng liên tiếp, giá dầu cọ thô đã điều chỉnh giảm gần 1% trong phiên hôm qua. Lo ngại về nhu cầu yếu đi tại các quốc gia nhập khẩu dầu cọ chính như Trung Quốc và Ấn Độ đã lấn át dữ liệu nguồn cung kém tích cực tại hai quốc gia sản xuất hàng đầu là Indonesia và Malaysia.