Tổng vốn đầu tư công và Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao là 4.909,9 tỷ đồng; tổng kế hoạch vốn địa phương thực hiện phân bổ là 6.791,2 tỷ đồng.
Đến nay, ước thực hiện giải ngân cả năm là 6.607,3 tỷ đồng, đạt 134,6% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 97,3% kế hoạch địa phương phân bổ.
Cụ thể, tổng kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2023 là 1.301,0 tỷ đồng, ước thực hiện giải ngân cả năm đạt 100% kế hoạch. Kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm nay là 257,946 tỷ đồng, ước thực hiện giải ngân cả năm là 244,0 tỷ đồng, đạt 94,6% kế hoạch.
Bên cạnh đó, tổng kế hoạch vốn nước ngoài (ODA) năm 2023 là 126,85% tỷ đồng, ước thực hiện giải ngân cả năm là 91, 895 tỷ đồng, đạt 72,4% kế hoạch.
Dự án tòa nhà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình đang bảo đảm tiến độ thi công cũng như giải ngân vốn. |
Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm nay trong điều kiện còn nhiều khó khăn như: nguồn vốn hạn hẹp, giá cả nguyên vật liệu tăng cao…, nhưng dưới sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, công tác quản lý đầu tư công đạt kết quả rất tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Được biết, để có kết quả khả quan nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình chỉ đạo quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, thành lập các Tổ công tác hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các dự án; thường xuyên kiểm tra thực tế để chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, nhất là về thủ tục đầu tư, hay như việc giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng đã tích cực, chủ động trong giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục và thanh toán giải ngân kế hoạch vốn.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay đạt cao hơn bình quân cả nước đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. |
Trong năm qua cũng ghi nhận một số địa phương rất nỗ lực trong giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, qua đó tiết kiệm chi phí đầu tư.
Do vậy, theo Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, tỷ lệ giải ngân của tỉnh đạt cao (đạt 134,6% kế hoạch Thủ tướng giao và đạt 97,3% kế hoạch địa phương phân bổ) và cao hơn số bình quân của cả nước. Điều này mang đến sức bật mới trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn trong các năm tới.