Sáng 14/12, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023-2028”.
Buổi tọa đàm được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu Liên đoàn lao động các địa phương trong cả nước. Các đồng chí: Huỳnh Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phạm Đức Long, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông chủ trì tọa đàm.
Phát biểu đề dẫn, đồng chí Huỳnh Thanh Xuân cho biết: Những năm qua, công tác truyền thông của các cấp công đoàn có nhiều đổi mới: Nội dung được chọn lọc và ngày càng phong phú; đối tượng mở rộng và hướng mạnh về cơ sở; phương thức đa dạng và coi trọng ứng dụng công nghệ số.
Nhờ đó, đời sống, việc làm, tâm tư, tình cảm của đoàn viên, người lao động và hình ảnh Công đoàn Việt Nam được tuyên truyền và lan tỏa rộng rãi trong đời sống xã hội; tạo sự quan tâm của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và các tầng lớp nhân dân đối với tổ chức Công đoàn và người lao động, góp phần quan trọng vào kết quả chung của Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Huỳnh Thanh Xuân phát biểu đề dẫn tọa đàm. |
Ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong quản trị truyền thông, phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin liên quan đến đoàn viên, người lao động, nhất là công nhân lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam trên không gian mạng.
Thường xuyên tổ chức các cuộc thi trực tuyến thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia. Tiếp cận các nhóm trên mạng xã hội, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và các vấn đề liên quan đến công nhân.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Huỳnh Thanh Xuân nhấn mạnh: Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Chương trình “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam, giai đoạn 2023-2028”.
Theo đó, sẽ tập trung nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông trong và ngoài Công đoàn, sử dụng đa dạng và hiệu quả các hình thức, phương thức truyền thông, tuyên truyền và lan tỏa mạnh mẽ đến đoàn viên, người lao động và toàn xã hội về hoạt động của Công đoàn Việt Nam, đời sống, việc làm, tâm tư, tình cảm của đoàn viên, người lao động;
Tập trung quảng bá, giới thiệu vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, đóng góp và những đổi mới của Công đoàn Việt Nam; bảo vệ các giá trị và truyền thống vẻ vang của tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam; phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động đối với Đảng và Nhà nước...
Đáng chú ý, tổ chức Công đoàn tập trung đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, phương tiện truyền thông, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới trong công tác truyền thông công đoàn.
Nhất là, phát huy hiệu quả các hình thức truyền thông đang được đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động đón nhận; linh hoạt kết hợp các phương pháp, công cụ, kênh, nền tảng truyền thông đa dạng, từ truyền thống (báo in, truyền hình, phát thanh, pano, loa truyền thanh, hội nghị...) đến hiện đại (báo điện tử, các nền tảng tương tác trên Internet, các ứng dụng di động), từ truyền thông đại chúng chính thống (các cơ quan báo chí được thành lập theo quy định) đến truyền thông xã hội (các diễn đàn trực tuyến, Facebook, Twitter, LinkedIn, Youtube, Google+,...).
Các ý kiến từ tọa đàm khẳng định: Báo chí công đoàn phải thực hiện sứ mệnh chủ động, tiên phong dẫn dắt thông tin tuyên truyền về công nhân, công đoàn.
Các trang thông tin điện tử của 79 Liên đoàn Lao động, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn phải là kênh truyền tải thông tin chính thống chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp công đoàn, đóng góp tích cực vào công tác thông tin, tuyên truyền.
Tăng cường chủ động, phối hợp cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí Trung ương, Hà Nội, và Thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức giao ban báo chí hằng quý...
Bên cạnh đó, muốn công tác truyền thông đạt hiệu quả tốt cần có sự đầu tư về con người, thời gian, trang thiết bị, nguồn kinh phí. Tăng cường thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu với báo chí, truyền thông trong và ngoài hệ thống công đoàn.
Công tác truyền thông phải hướng về cơ sở, do cơ sở thực hiện, gắn với triển khai nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị, cơ sở, với nhu cầu, thói quen, sở thích, xu hướng tiếp cận thông tin của đoàn viên, người lao động....
Các ý kiến đến từ các chuyên gia truyền thông, cán bộ công đoàn tại Tọa đàm là cơ sở để hoàn thiện dự thảo Chương trình “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023-2028” trình Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn thông qua và triển khai trong toàn hệ thống Công đoàn trong thời gian tới.
Phấn đấu 100% sản phẩm truyền thông được số hóa, kết nối, sử dụng chung và phổ biến trên không gian mạng để lan tỏa thông tin tích cực, nhân văn; phát hiện, xử lý 80% tin sai lệch, tin xấu độc về tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam.