“Mẹ đỡ đầu” - Hành trình kết nối yêu thương

NDO - Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động từ tháng 10/2021 với mong muốn san sẻ tình cảm ấm áp, mang yêu thương, niềm vui đến với các em nhỏ mồ côi do Covid-19. Trong đó, chú trọng vận động, kết nối phụ nữ tại địa bàn trẻ mồ côi sinh sống nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại gia đình, quan tâm chăm sóc trẻ hằng ngày với tinh thần tự nguyện.
0:00 / 0:00
0:00
Niềm hạnh phúc của Mẹ công an khi đỡ đầu trẻ mồ côi.
Niềm hạnh phúc của Mẹ công an khi đỡ đầu trẻ mồ côi.

Với ý nghĩa đặc biệt nhân văn đó, chương trình nhận được sự hưởng ứng tích cực của 100% Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố và đơn vị trực thuộc, đưa nội dung thực hiện chương trình là một trong các tiêu chí thi đua của các cấp Hội, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.

Trang mới của những mảnh đời bất hạnh

Ở lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, lại mất đi người thân là nỗi đau, sự thiệt thòi khó lấp đầy đối với bất kỳ đứa trẻ nào. Hiểu được điều này, ngay từ những ngày đầu triển khai chương trình, cán bộ, hội viên Hội phụ nữ các cấp đã nỗ lực tìm “Mẹ đỡ đầu” cho các con mồ côi, kết nối vận động nguồn lực hỗ trợ...

Nhớ lại những tháng ngày ấy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị Trần Thị Thanh Hà vẫn vẹn nguyên sự xúc động, cho biết; Khi tiếp nhận chủ trương từ Trung ương Hội, chúng tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng, bởi có thêm một chương trình hỗ trợ trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, lo vì đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Quảng Trị, việc tìm “Mẹ đỡ đầu” ở một tỉnh còn nhiều khó khăn như Quảng Trị không đơn giản. Trong khi đó, số lượng trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn rất lớn.

“Mẹ đỡ đầu” - Hành trình kết nối yêu thương ảnh 2

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân với các đại biểu, các con mồ côi dự Trại hè “Hoa hướng dương” năm 2023.

Tuy nhiên, thử thách vẫn không lớn bằng quyết tâm, với sự đồng lòng, đồng sức, các cán bộ, hội viên nhanh chóng kết nối yêu thương. Ngoài cán bộ, hội viên nhận là mẹ đỡ đầu, thông qua kết nối, nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh tình nguyện hỗ trợ, tham gia.

Cứ như vậy, bằng tình thương yêu, sự sẻ chia của cộng đồng, xã hội, thông qua chương trình "Mẹ đỡ đầu", cuộc đời của nhiều trẻ thiếu may mắn đã bước sang trang mới như thế.

Bên cạnh việc thăm hỏi, động viên, tặng quà, tặng học bổng, nhu yếu phẩm, chăm sóc thường xuyên về tình cảm, tâm lý, sức khỏe, các cấp Hội địa phương chú trọng đẩy mạnh vận động nguồn lực, kết nối “Mẹ đỡ đầu”, thành lập các tổ, nhóm, câu lạc bộ, đơn vị, tập thể “Mẹ đỡ đầu” tự nguyện, trực tiếp chăm sóc trẻ hằng ngày, ngay tại gia đình của trẻ, hạn chế tối đa sự thay đổi về môi trường sống của trẻ.

“Mẹ đỡ đầu” - Hành trình kết nối yêu thương ảnh 3

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị tổ chức Chương trình "Mẹ đỡ đầu lan tỏa yêu thương".

Qua kết nối của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đã có 34 Mẹ đỡ đầu tại châu Âu cam kết nhận hỗ trợ, chăm sóc 56 con mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên mọi miền Tổ quốc.

Trưởng ban Gia đình và Xã hội, Trương Thị Thu Thủy cho biết: Sau 2 năm triển khai, Chương trình nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lan tỏa sâu rộng, thu hút sự quan tâm của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân đồng hành cùng với tổ chức Hội. Bên cạnh đó, sự vào cuộc kịp thời, nhanh chóng, đầy quyết tâm của Hội phụ nữ các cấp với nhiều cách làm cụ thể, thiết thực, dựa trên thực tiễn của từng địa phương, bước đầu mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tại nhiều địa phương, 100% số trẻ mồ côi do Covid-19 trên địa bàn đã có Mẹ đỡ đầu. Nhiều tỉnh, thành hội cam kết hỗ trợ đỡ đầu không chỉ con mồ côi do Covid-19 mà còn mở rộng đến đối tượng mồ côi do các nguyên nhân khác. Nhiều mẹ cam kết đỡ đầu cho các con đến khi học xong đại học.

Việc triển khai Chương trình dù chỉ mới bắt đầu cho một hành trình dài đồng hành cùng trẻ nhưng bước đầu đã hạn chế được sự trùng lặp trong điều phối, phân bổ nguồn lực, bảo đảm các con được hỗ trợ tương đối đồng đều, tránh bỏ sót.

Sau 2 năm triển khai, đến nay Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã huy động được gần 150 tỷ đồng, hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu cho 27.670 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó, có hơn 3 nghìn trẻ mồ côi do dịch Covid-19.

Điểm tựa đầy yêu thương, trách nhiệm cho trẻ mồ côi

Để chương trình được lan tỏa sâu rộng, các cấp Hội đã chủ động quán triệt, xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa tổ chức triển khai; sáng tạo, linh hoạt khai thác thế mạnh của mạng xã hội (Zalo, Facebook, website của Hội...).

Tập trung thực hiện có hiệu quả hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng tham gia với nhiều hoạt động phù hợp, sát với nhu cầu của trẻ, ưu tiên tối đa điều kiện để trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường tình thân gia đình...

Quá trình triển khai xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao như: Đưa nội dung thực hiện Chương trình là 1 tiêu chí thi đua của các cấp Hội; Tổ chức Hội nghị giao chỉ tiêu cụ thể đỡ đầu cho đơn vị trực thuộc.

Một số cấp ủy phân công Ban thường vụ huyện ủy/thành ủy nhận hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu con mồ côi; Nhiều tỉnh, thành phố phát huy vai trò của mạng lưới câu lạc bộ hưu trí, hội đồng hương xa quê, việt kiều... kết nối hiệu quả Mẹ đỡ đầu ở xa, đỡ đầu trực tiếp trẻ.

Nhiều địa phương đã và đang đề xuất nhiều gói chính sách để hỗ trợ, miễn học phí, mua bảo hiểm y tế... cho trẻ, điển hình như: Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh; Hội phụ nữ tỉnh Nam Định, Hưng Yên tích cực, chủ động kết nối doanh nghiệp đào tạo dạy nghề; tỉnh Khánh Hòa kết nối chăm sóc sức khỏe trọn đời. Hay mô hình "Thu gom phế liệu lấy nguồn đỡ đầu con mồ côi" của Hội phụ nữ tỉnh Gia Lai. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh khác đề xuất chính sách hỗ trợ hoặc miễn học phí cho các con...

“Mẹ đỡ đầu” - Hành trình kết nối yêu thương ảnh 4
Mẹ đỡ đầu Phan Bích Thiện nhận đỡ đầu con nuôi Đậu Thị Hằng dưới sự chứng kiến của Hội phụ nữ và chính quyền địa phương.

Lần trở lại Việt Nam vào dịp hè 2023 của gia đình Tiến sĩ kinh tế Phan Bích Thiện, Phó Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary, không chỉ là dịp trở về thắp hương cho tổ tiên, thăm lại bà con thân tộc mà còn là chuyến đi mang ý nghĩa đặc biệt nhân văn. Đó là trực tiếp đến từng nhà, thăm hỏi, động viên 5 đứa con đỡ đầu.

Tiến sĩ Phan Bích Thiện chia sẻ: "Thông qua sự kết nối của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tôi vui mừng và hạnh phúc khi hỗ trợ được phần nào cuộc sống cho các con, giúp các con vợi đi sự mất mát đau thương, tiếp tục vững bước trên con đường học tập, trở thành người có ích cho xã hội, gia đình".

"Tôi nghĩ việc đỡ đầu không chỉ đơn thuần là hỗ trợ vật chất mà mỗi người "Mẹ đỡ đầu" còn là điểm tựa tinh thần của các con trong cuộc sống. Chính vì vậy, ngoài việc chuyển tiền hỗ trợ thường xuyên, tôi sẽ thu xếp hằng năm để về thăm, động viên các con, giúp các con phát triển đúng hướng khi trưởng thành. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi sẽ hỗ trợ các con tìm kiếm công việc", bà Thiện cho biết thêm.

Vững tin bước tiếp

Dù bối cảnh nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, tuy nhiên, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam quyết tâm tiếp tục triển khai hiệu quả, bền vững Chương trình Mẹ đỡ đầu, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ, chăm sóc, đỡ đầu cho trẻ mồ côi.

Với sự ủng hộ của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện, Hội Phụ nữ Việt Nam có cơ sở vững chắc để vững tin triển khai tiếp chương trình, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong những năm tiếp theo.

“Mẹ đỡ đầu” - Hành trình kết nối yêu thương ảnh 5

Những giọt nước mắt hạnh phúc của cặp Mẹ đỡ đầu con nuôi trong Trại hè Hoa hướng dương lần đầu tiên dành cho trẻ mồ côi cấp toàn quốc, do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức.

Theo đó, các cấp hội tiếp tục làm tốt vai trò vận động, kết nối tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho trẻ em mồ côi. Phát huy vai trò của những người mẹ trực tiếp là cán bộ, hội viên, phụ nữ tại địa phương, cùng gia đình, người đại diện quan tâm, chăm sóc tốt hơn nữa con đỡ đầu.

Tùy điều kiện từng địa phương, mở các lớp tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các Mẹ đỡ đầu, nhất là các kiến thức, kỹ năng về chăm sóc trẻ, kỹ năng sống an toàn; kết nối tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề, kỹ năng nắm bắt tâm lý lứa tuổi, kỹ năng sống… Từ đó, các Mẹ, các chị tiếp tục nâng cao tính trách nhiệm, sẵn sàng sẻ chia, sát sao thấu hiểu với những đứa con mình nhận đỡ đầu.

Hoạt động nhận đỡ đầu các con mồ côi của các cấp Hội ngày càng mang tính thời sự, thể hiện sự tri ân kịp thời.

Điển hình là việc Hội Phụ nữ Công an tỉnh Hà Tĩnh đã nhận đỡ đầu 2 con mồ côi của liệt sĩ Đại úy Trần Trung Hiếu vừa hy sinh ngày 17/11 vừa qua trong trận chiến chống lại tội phạm ma túy.

Hai con cũng đã được Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội tặng sổ tiết kiệm từ ngân sách của Chương trình.