Nỗi lo sạt lở núi đe dọa tính mạng và tài sản của nhiều hộ dân ở huyện miền núi Sơn Hà, Quảng Ngãi

NDO - Mưa lớn kéo dài những ngày qua đã gây ra tình trạng sạt lở tại nhiều địa phương thuộc huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi), làm hư hỏng nhiều công trình giao thông, thủy lợi, hạ tầng thiết yếu. Đáng lo ngại, tình trạng sạt lở núi đe dọa tính mạng và tài sản của nhiều hộ dân.
0:00 / 0:00
0:00
Lũ lớn làm tuyến đường bê-tông xi-măng từ Ủy ban nhân dân xã Sơn Bao đi thôn Nước Bao bị sạt lở nghiêm trọng, có đoạn ngoạm vào bên trong tạo hàm ếch sâu từ 8m-12m.
Lũ lớn làm tuyến đường bê-tông xi-măng từ Ủy ban nhân dân xã Sơn Bao đi thôn Nước Bao bị sạt lở nghiêm trọng, có đoạn ngoạm vào bên trong tạo hàm ếch sâu từ 8m-12m.

Trước tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp, Ủy ban nhân dân huyện miền núi Sơn Hà đã có Tờ trình đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai do mưa lũ gây ra (từ ngày 13 đến ngày 16/11) trên địa bàn huyện, đối với các điểm sạt lở tại núi Van Cà Vãi (thị trấn Di Lăng); cầu Nước Lố (xã Sơn Bao); tuyến ĐH 77 đi hồ Nước Trong (xã Sơn Bao) và tuyến đường từ Ủy ban nhân dân xã Sơn Bao đi thôn Nước Bao (xã Sơn Bao).

Sống sợ hãi bên núi lở

Từ nhiều năm qua, cứ đến mùa mưa lũ, các hộ dân sống dưới chân núi Van Cà Vãi, tổ dân phố Làng Dầu, thị trấn Di Lăng, huyện miền núi Sơn Hà lại nơm nớp lo sợ trước nguy cơ sạt lở núi luôn chực chờ. Dẫu biết nguy hiểm, nhưng vì điều kiện kinh tế quá khó khăn, chưa thể di dời đến nơi ở mới an toàn nên một số hộ dân đành lòng “bám trụ” sống thấp thỏm, âu lo dưới chân núi.

Đến giờ, người dân sống dưới chân núi Van Cà Vãi vẫn còn ám ảnh vụ sạt lở núi nghiêm trọng xảy ra vào giữa tháng 11/2020. Ông Đinh Văn An, ở tổ dân phố Làng Dầu, người từng chứng kiến vụ sạt lở kể lại, sau đợt mưa lớn kéo dài, người dân phát hiện vết nứt trên núi Van Cà Vãi. Mấy ngày sau, bất ngờ hàng chục nghìn mét khối đất đá cùng cây cối từ trên cao đổ ụp xuống khu vực dân cư dưới chân núi, tràn vào nhà gây nứt vách tường và phá hư hỏng nhiều công trình phụ.

Nỗi lo sạt lở núi đe dọa tính mạng và tài sản của nhiều hộ dân ở huyện miền núi Sơn Hà, Quảng Ngãi ảnh 1

Dấu tích vụ sạt lở núi Van Cà Vãi xảy ra năm 2020 làm hư hỏng nhiều công trình phụ của người dân vẫn còn hiện hữu.

“Biết hiện tượng nứt, sụt có thể xảy ra sạt lở núi nhưng người dân ở đây không ngờ lại diễn ra nhanh đến vậy. Nghe tiếng nổ, lập tức đất đổ xuống tràn lấp nhà bếp, nhà vệ sinh, chuồng bò, chuồng gà. Các gia đình hốt hoảng sơ tán qua nhà người thân ở tạm”, ông Đinh Văn An nhớ lại.

Trước tình hình khẩn cấp và nguy hiểm, năm 2021, huyện Sơn Hà bố trí gần 3 tỷ đồng để khắc phục tạm thời một số vị trí có nguy cơ sạt, trượt từ đỉnh núi. Do nguồn lực của huyện eo hẹp, không đủ để khắc phục triệt để, nên đến mùa mưa năm 2023, tình trạng sạt lở tại núi Van Cà Vãi lại tiếp tục xảy ra.

Nỗi lo sạt lở núi đe dọa tính mạng và tài sản của nhiều hộ dân ở huyện miền núi Sơn Hà, Quảng Ngãi ảnh 2

Người dân sống dưới chân núi Van Cà Vãi nơm nớp lo âu sạt lở núi, đe dọa đến tính mạng và tài sản.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện miền núi Sơn Hà Đinh Thị Trà, mưa lớn từ ngày 13 đến ngày 16/11 vừa qua, làm một phần ta-luy dương khu vực núi Van Cà Vãi bị trượt, sạt lở gây nguy hiểm đến 5 hộ dân với 24 khẩu sinh sống dưới chân núi. Để bảo đảm an toàn tính mạng về con người, chính quyền huyện Sơn Hà đã vận động các hộ dân sống dưới chân núi Van Cà Vãi đến nơi ở an toàn.

Trước tình hình khẩn cấp và nguy hiểm, năm 2021, huyện Sơn Hà bố trí gần 3 tỷ đồng để khắc phục tạm thời một số vị trí có nguy cơ sạt, trượt từ đỉnh núi. Do nguồn lực của huyện eo hẹp, không đủ để khắc phục triệt để, nên đến mùa mưa năm 2023, tình trạng sạt lở tại núi Van Cà Vãi lại tiếp tục xảy ra.

“Bây giờ, ban đêm người dân ở đây lại khăn gói đến ở xen ghép với bà con trong khu vực để an toàn tính mạng chứ không dám ngủ tại nhà vì lo sợ sạt lở núi. Ban ngày, trở về lao động sản xuất, chăn nuôi. Nhiều năm, sống phập phồng bên núi lở rất lo sợ nên các hộ dân đều mong mỏi di dời đến nơi ở mới an toàn để an cư, lạc nghiệp”, bà Đinh Thị Thẻ bày tỏ.

Nhiều công trình giao thông hư hỏng nghiêm trọng

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện miền núi Sơn Hà, mưa lớn kéo dài còn gây hư hỏng nhiều công trình giao thông, thủy lợi, hạ tầng thiết yếu, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân trên địa bàn huyện, nhất là tại xã Sơn Bao.

Cụ thể, cầu Nước Lố, xã Sơn Bao thuộc tuyến đường ĐH 77 (Di Lăng-Sơn Bao) bị hư hỏng hoàn toàn tường cánh phía hạ lưu, sạt lở sâu vào nền đường, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng việc đi lại của cán bộ và nhân dân xã Sơn Bao.

Nỗi lo sạt lở núi đe dọa tính mạng và tài sản của nhiều hộ dân ở huyện miền núi Sơn Hà, Quảng Ngãi ảnh 3
Cầu Nước Lố thuộc tuyến đường ĐH 77 (Di Lăng-Sơn Bao) bị hư hỏng hoàn toàn tường cánh phía hạ lưu, sạt lở sâu vào nền đường.

Tuyến ĐH 77 đi hồ Nước Trong đoạn qua xã Sơn Bao xuất hiện điểm sạt lở ta-luy dương chiều dài khoảng 75m, với khối lượng đất tràn xuống mặt đường khoảng 2.000m³, dù đã được khắc phục tạm thời nhưng có nguy cơ tiếp tục sạt lở trong thời gian tới, gây chia cắt giao thông.

Đặc biệt, tuyến đường bê-tông xi-măng từ Ủy ban nhân dân xã Sơn Bao đi thôn Nước Bao, lũ lớn gây sạt lở khoảng 200m, ngoạm vào bên trong đường bê-tông, tạo hàm ếch sâu từ 8m-12m, gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Ngay sau xảy ra sạt lở, huyện lập tức rào chắn, thông báo cho người dân biết, cấm các phương tiện không được lưu thông, chỉ được phép đi bộ.

Nỗi lo sạt lở núi đe dọa tính mạng và tài sản của nhiều hộ dân ở huyện miền núi Sơn Hà, Quảng Ngãi ảnh 4
Sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đường bê-tông xi măng từ Ủy ban nhân dân xã Sơn Bao đi thôn Nước Bao, với chiều dài sạt lở khoảng 200m.

“Tuyến đường bê-tông xi-măng này là tuyến đường duy nhất đi vào thôn Nước Bao và thôn Mang Nà (xã Sơn Bao), nơi sinh sống của hơn 280 hộ dân, với hơn 1.100 nhân khẩu. Do vậy, việc bị sạt lở nghiêm trọng gây khó khăn trong việc đi lại, nhất là vận chuyển hàng hóa, vật tư của người dân để phát triển kinh tế”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện miền núi Sơn Hà Đinh Thị Trà lo lắng.

Cần kinh phí triển khai các giải pháp căn cơ

Cũng theo đồng chí Đinh Thị Trà, ngoài việc đưa ra các biện pháp ứng phó ban đầu đối với các tình huống khẩn cấp về thiên tai do mưa lũ gây ra, huyện cũng đã đề xuất các biện pháp cần tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, đối với điểm sạt lở tại núi Van Cà Vãi (thị trấn Di Lăng), huyện đưa ra phương án xây dựng khu dân cư, phát triển quỹ đất để bố trí tái định cư cho 5 hộ với 24 khẩu sống dưới chân núi Van Cà Vãi và các hộ dân nằm trong vùng sạt lở ở các khu vực khác trên địa bàn huyện.

Nỗi lo sạt lở núi đe dọa tính mạng và tài sản của nhiều hộ dân ở huyện miền núi Sơn Hà, Quảng Ngãi ảnh 5

Tuyến đường bê-tông xi-măng từ Ủy ban nhân dân xã Sơn Bao đi thôn Nước Bao bị sạt lở, cấm các phương tiện lưu thông, chỉ được đi bộ.

Đối với cầu Nước Lố (xã Sơn Bao) sẽ xây dựng mới cầu bản bê-tông cốt thép vượt lũ. Đối với tuyến ĐH 77 đi hồ Nước Trong đoạn qua xã Sơn Bao, tiến hành đào, xúc đất, vận chuyển đất sạt lở, tăng cường gia cố rọ đá dọc theo chân ta-luy, nạo vét rãnh thoát nước dọc để bảo đảm thoát nước tốt; tuyến đường từ Ủy ban nhân dân xã Sơn Bao đi thôn Nước Bao (xã Sơn Bao), tiến hành gia cố và mở rộng ta-luy âm bằng tường chắn bê-tông kết hợp kè rọ đá theo dọc tuyến dài khoảng 200m, chiều cao kè rọ đá trung bình khoảng 8m, mở rộng mái ta-luy dương, làm lại nền, mặt đường dài khoảng 200m và khơi dòng chảy của suối Nước Bao nhằm bảo đảm an toàn tuyến đường.

Nỗi lo sạt lở núi đe dọa tính mạng và tài sản của nhiều hộ dân ở huyện miền núi Sơn Hà, Quảng Ngãi ảnh 6

Khắc phục tạm thời điểm sạt lở trên tuyến ĐH 77 đi hồ Nước Trong, đoạn qua xã Sơn Bao.

“Để thực hiện các giải pháp trên, huyện Sơn Hà đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi sớm công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn huyện. Là huyện miền núi, kinh tế còn khó khăn nên huyện mong tỉnh và Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí để địa phương kịp thời khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống và đi lại của người dân”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện miền núi Sơn Hà Đinh Thị Trà kiến nghị.

Kiểm tra tình hình sạt lở tại huyện miền núi Sơn Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền biểu dương, đánh giá cao sự chủ động của huyện trong việc ứng phó với mưa lũ, nhất là sự chuẩn bị chu đáo phương châm 4 tại chỗ, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng cho người dân.

Nỗi lo sạt lở núi đe dọa tính mạng và tài sản của nhiều hộ dân ở huyện miền núi Sơn Hà, Quảng Ngãi ảnh 7

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền kiểm tra các điểm sạt lở nguy hiểm tại huyện miền núi Sơn Hà.

“Trước mắt, huyện Sơn Hà phát huy tính chủ động trong ứng phó thiên tai trong mùa mưa lũ năm 2023, đặc biệt cần làm tốt công tác cảnh báo nguy cơ mưa lũ gây sạt lở cho người dân. Tỉnh sẽ xem xét, ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho huyện khắc phục khẩn cấp các điểm sạt lở để bảo đảm cuộc sống và đi lại của người dân”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền yêu cầu.

Ông Trần Phước Hiền cho biết thêm, về lâu dài, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng của tỉnh phối hợp huyện xây dựng, triển khai các giải pháp kỹ thuật mang tính căn cơ trong việc di dời dân ở các vùng sạt lở núi.