Việc không thể hoàn thành cam kết đúng thời hạn đã làm suy yếu lòng tin với các cuộc đàm phán khí hậu quốc tế. Tìm kiếm nguồn tài chính dành cho chống biến đổi khí hậu tiếp tục là vấn đề nan giải và là một trong những chủ đề quan trọng được đưa ra tại các diễn đàn, hội nghị trong nỗ lực “giải cứu” hành tinh xanh.
Tài chính là một điểm gây tranh cãi chính trong các cuộc đàm phán khí hậu do Liên hợp quốc chủ trì, khi các nước đang phát triển cho biết không thể ứng phó các hình thái thời tiết cực đoan hoặc đầu tư cho năng lượng sạch nếu không nhận được sự giúp đỡ tích cực hơn từ các nước giàu, vốn gây ra nhiều khí thải nhà kính trong quá khứ dẫn tới tình trạng biến đổi khí hậu hiện tại.
Năm 2009, các nước giàu cam kết đến năm 2020 sẽ cung cấp 100 tỷ USD hằng năm cho các nước đang phát triển chuyển đổi năng lượng và chống đỡ những tác động ngày càng tăng của tình trạng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên trên thực tế, con số tài chính huy động được vẫn chưa như cam kết.
Theo các dữ liệu cập nhật của OECD, các nước giàu đã cung cấp 89,6 tỷ USD cho quỹ khí hậu năm 2021, trong đó 73 tỷ USD là từ tài chính công, các nguồn như ngân hàng phát triển đa quốc gia, các cơ quan cứu trợ quốc gia, mà chưa có sự đóng góp đáng kể từ nguồn vốn tư nhân trong khi nguồn lực này rất cần thiết để bù cho khoản vốn còn thiếu.
Trước những lời kêu gọi khẩn thiết tăng hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo chống biến đổi khí hậu, các nước giàu đã đánh tín hiệu rằng cam kết trên sẽ được hoàn thiện trong năm 2023. Tuy nhiên, Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann cho biết, dựa trên các số liệu sơ bộ và chưa được kiểm chứng, cam kết nêu trên có thể đã được hoàn thiện năm 2022.
Tuy nhiên, con số 100 tỷ USD vẫn thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tế của các nước nghèo. Ước tính, đến năm 2025, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các hành động khí hậu của các nước này có thể lên tới 1.000 tỷ USD/năm.
Nhiều nước đang phát triển dù là nhóm thải ra ít khí gây hiệu ứng nhà kính nhất nhưng lại là nhóm chịu tác động nặng nề nhất do thời tiết khắc nghiệt, nước biển dâng. Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), các khoản tài trợ quốc tế dành cho hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển đã giảm trong năm 2021, bất chấp những tác động ngày càng nặng nề của tình trạng này.
Năm 2009, các nước giàu cam kết đến năm 2020 sẽ cung cấp 100 tỷ USD hằng năm cho các nước đang phát triển chuyển đổi năng lượng và chống đỡ những tác động ngày càng tăng của tình trạng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên trên thực tế, con số tài chính huy động được vẫn chưa như cam kết.
Trong bản đánh giá thường niên về hoạt động cung cấp tài chính chuẩn bị ứng phó biến đổi khí hậu, UNEP nhận thấy tài chính công dành cho các nước đang phát triển giảm 15%, xuống còn khoảng 21 tỷ USD năm 2021, năm gần nhất có dữ liệu đánh giá.
Đây là tiền lệ đáng lo ngại và nhất là lại xảy ra đúng vào năm mà các nước giàu có cam kết tại hội nghị khí hậu Liên hợp quốc ở Glasgow (Anh) rằng đến năm 2025 sẽ tăng gấp đôi tài chính thường niên dành cho việc thích ứng biến đổi khí hậu so với năm 2019, lên 40 tỷ USD.
Trong khi đó, các khoản tài chính thường niên mà các nước đang phát triển cần để thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu trong thập niên này ước tính tăng lên khoảng 387 tỷ USD. Con số này tương đương gần 1% GDP trung bình của các nước đang phát triển, nhưng với nhóm ít phát triển nhất và các quần đảo nhỏ dễ chịu tác động thì tương đương 2% GDP.
Theo các chuyên gia, để huy động tài chính, một trong những yếu tố quan trọng quyết định việc hoàn thành các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, cần thiết phải cải cách các thể chế tài chính quốc tế, xây dựng thị trường carbon và khuyến khích đầu tư tư nhân để có thể đạt được những giải pháp về hỗ trợ tài chính trị giá hàng nghìn tỷ USD.
Chủ tịch COP28, ông Sultan Al Jaber cho biết, Hội nghị sẽ để ngỏ cho khu vực tư nhân tham gia với quy mô chưa từng có tiền lệ. Sự tham gia của khối tư nhân ở mức độ chưa từng thấy trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ đem lại cơ hội tài chính cho các nước.
Tại COP28, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ cùng nhau đánh giá tiến trình hiện thực hóa cam kết của các nước để đạt được những mục tiêu tham vọng theo Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu. Một trong những nội dung chính của hiệp định này là mục tiêu giới hạn tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C và nỗ lực cho một mục tiêu tham vọng hơn là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.
Tuy nhiên, “có thực mới vực được đạo”, để hoàn thành các mục tiêu đề ra hơn bao giờ hết các nước giàu cần nhanh chóng thực thi các cam kết hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo để hành động chống biến đổi khí hậu.