Trong cuộc họp trực tuyến của Diễn đàn các nền kinh tế lớn về năng lượng và khí hậu, Tổng thống Biden kêu gọi những người đồng cấp của mình có tham vọng đặt ra các mục tiêu giảm khí thải và đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu nói chung ở mức 1,5 độ C.
"Chúng ta đang ở thời điểm đầy nguy hiểm, nhưng cũng có những khả năng lớn, những khả năng nghiêm trọng. Với cam kết đúng đắn và sự tuân thủ từ mọi quốc gia... trong lời kêu gọi này, mục tiêu hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ có thể nằm trong tầm tay", ông Biden nói.
Theo Nhà trắng, các quốc gia tham gia diễn đàn chiếm khoảng 80% lượng khí thải nhà kính và tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Cuộc họp hôm thứ Năm là cuộc họp thứ tư của nhóm dưới nhiệm kỳ tổng thống của Biden.
Tổng thống Biden công bố khoản đóng góp 1 tỷ USD của Mỹ cho Quỹ Khí hậu Xanh, quỹ tài trợ cho các dự án về năng lượng sạch và khả năng phục hồi biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển, tăng gấp đôi khoản đóng góp chung của Mỹ.
Ông cho rằng: “Những tác động của biến đổi khí hậu sẽ được cảm nhận nhiều nhất bởi những nước phát thải ít nhất gây ra vấn đề này, trong đó có các quốc gia đang phát triển. Là những nền kinh tế lớn và phát thải lớn, chúng ta phải đẩy mạnh và hỗ trợ những nền kinh tế này".
Tổng thống Biden cũng công bố kế hoạch đóng góp 500 triệu USD trong vòng 5 năm để đóng góp cho Quỹ Amazon, quỹ hoạt động để chống nạn phá rừng ở Amazon của Brazil và các hoạt động liên quan. Một quan chức chính quyền cấp cao cho biết, nhóm của Tổng thống Biden sẽ phải làm việc với Quốc hội để bảo đảm khoản tài trợ đó.
“Chúng ta phải làm rõ rằng rừng được bảo tồn có giá trị hơn là bị chặt phá”, ông Biden nói.
Brazil hoan nghênh cam kết này của Mỹ. "Đó rõ ràng là một thành tựu to lớn, cả về ý nghĩa của việc Mỹ đóng góp cho một quỹ như Quỹ Amazon và khối lượng tài nguyên được đóng góp", Bộ trưởng Môi trường Brazil Marina Silva phát biểu tại một cuộc họp báo.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các nước giàu đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040, một thập kỷ trước mục tiêu đặt ra trong thỏa thuận khí hậu Paris và các nước đang phát triển đạt được cột mốc đó vào năm 2050.
Ông cũng kêu gọi các nước OECD loại bỏ dần than vào năm 2030 và 2040 ở tất cả các quốc gia khác và chấm dứt mọi hoạt động cấp phép hoặc tài trợ - cả công và tư - cho các dự án nhiên liệu hóa thạch mới.
Các quốc gia và tổ chức tạo nên Diễn đàn các nền kinh tế lớn gồm Argentina, Australia, Canada, Chile, Trung Quốc, Ai Cập, Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Nigeria, Na Uy, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Anh và Việt Nam.