Tham dự sự kiện, có đại diện Cơ quan Đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải Việt Nam, Bộ Công thương Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Trung Quốc, Chính quyền tỉnh Kaluga, Tập đoàn đường sắt Nga, Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc, Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga...
Phát biểu tại Hội thảo, Tham tán thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga Dương Hoàng Minh cho biết, hiện nay hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên bang Nga, các nước Liên minh kinh tế Á-Âu chủ yếu được vận chuyển bằng đường biển.
Chỉ một phần nhỏ lượng hàng hóa này được chở bằng đường sắt qua tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam-Trung Quốc-Nga, dù hệ thống đường sắt đã được kết nối triển khai sử dụng từ rất lâu.
Chưa kể hiện nay, công suất vận tải qua tuyến đường này đang có xu hướng giảm. Tính đến tháng 10/2023, sản lượng vận chuyển hàng hóa hai chiều chỉ đạt mức 555 container, so với mức 1.015 container vào năm 2022.
Nhấn mạnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, các đại biểu tập trung thảo luận, phản ánh hiện trạng, chỉ ra những tiềm năng, cơ hội và những khó khăn, trở ngại để từ đó đưa ra các giải pháp nhằm khai thác tiềm năng của tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam-Trung Quốc-Nga.
Các ý kiến thảo luận đều lạc quan cho rằng, việc sử dụng hiệu quả tuyến đường sắt liên vận nói trên được kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội mới, có thể giúp cải thiện việc vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc khẳng định, tuyến liên vận Việt Nam-Trung Quốc-Nga cần sự chung tay, phối hợp về chính sách giữa các cơ quan liên quan, cũng như thu hút nguồn lực đầu tư từ các tập đoàn đường sắt lớn, uy tín để nâng cấp hạ tầng các tuyến đường sắt, bảo đảm sự kết nối hạ tầng cứng một cách thông suốt và hiệu quả.
Đồng thời, cần tăng cường kết nối hạ tầng mềm, hài hòa hóa các tiêu chuẩn kỹ thuật, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông người và hàng hóa giữa ba nước.
Đại diện các doanh nghiệp đường sắt Nga bày tỏ nguyện vọng tìm hiểu thông tin và sẵn sàng hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề về cước phí, năng lực vận chuyển, việc tối ưu hóa chi phí logistics, cũng như các vấn đề về thanh toán, thủ tục hải quan giữa các bên.
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: THÙY VÂN) |
Phát biểu kết luận, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi nhấn mạnh, việc tổ chức hội thảo lần này đặc biệt ý nghĩa và hết sức kịp thời, nhất là trong bối cảnh Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 178/NQ-CP về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, có một nội dung rất quan trọng, Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải duy trì và phát triển vận tải đường sắt liên vận quốc tế giữa Việt Nam-Trung Quốc và quá cảnh qua Trung Quốc đến các nước trong khối Tổ chức hợp tác đường sắt (OSJD) và châu Âu.
Ban tổ chức Hội thảo đã thống nhất tổng hợp lại tất cả các ý kiến để báo cáo tham mưu cho các bộ, ngành của Việt Nam tổ chức nghiên cứu, đánh giá toàn diện về tính khả thi của từng giải pháp để cùng nghiên cứu, triển khai, thúc đẩy phát triển tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam-Trung Quốc-Nga thời gian tới.