Hội thảo tập trung đánh giá thực trạng về hoạt động dinh dưỡng học đường tại Việt Nam và đề xuất các giải pháp trong thời gian tới; trao đổi học tập kinh nghiệm của các chuyên gia Nhật Bản về hoạt động dinh dưỡng học đường tại Nhật Bản.
Tình trạng dinh dưỡng của trẻ em và học sinh tại Việt Nam đã và đang đối diện với gánh nặng kép về dinh dưỡng nghiêng về thừa cân, béo phì nhiều hơn suy dinh dưỡng ở khu vực thành thị và nông thôn, ở khu vực miền núi tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn cao.
Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã phối hợp trong việc xây dựng các hướng dẫn, thông tư, tài liệu và thực đơn về bữa ăn học đường. Việc triển khai bữa ăn học đường được thực hiện ở hầu hết các trường mầm non, tuy nhiên còn nhiều hạn chế và khó khăn trong công tác tổ chức và chất lượng bữa ăn học đường tại nhiều trường tiểu học trên toàn quốc.
Báo động trẻ thừa cân, béo phì do đồ uống có đường
PGS,TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhấn mạnh, dinh dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khoẻ, sự phát triển thể lực, trí lực và thể chất của người tiêu dùng mà còn góp phần phát triển giống nòi, phát triển kinh tế và an sinh xã hội của quốc gia, dân tộc.
Từ năm 2011, các hoạt động bảo đảm dinh dưỡng tại Việt Nam đã được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện theo Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng. Tuy nhiên, việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng của Việt Nam chưa đồng đều giữa các vùng miền, đặc biệt tại vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có nhiều chỉ tiêu chưa đạt được mục tiêu đặt ra về vi chất, tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em; các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy sự gia tăng nhanh tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tăng gần gấp đôi trong vòng 10 năm, khu vực thành thị cao gấp nhiều lần so nông thôn và miền núi; tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh của một số trường trung học cơ sở và trung học phổ thông năm học 2020-2021 ở mức cao.
Nghiên cứu của PGS,TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề (Viện Dinh dưỡng quốc gia) ở nhóm trẻ 5 đến 19 tuổi cho thấy khá rõ nét tình trạng giảm suy dinh dưỡng và tăng thừa cân, béo phì. Tình trạng suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 24,2% xuống 12,2% (ở nhóm 5 đến 10 tuổi); suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm từ 23,4% xuống 14,8% (trẻ từ 5 đến 19 tuổi)… thì thừa cân, béo phì tăng từ 8,5% lên 19% (nhóm trẻ 5 đến 19 tuổi).
Một nghiên cứu về tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh lớp 5 tại một số quận, huyện của Hà Nội được thực hiện năm 2023 cho thấy các trường tại các quận nội thành tỷ lệ thừa cân, béo phì dao động từ 45,5% đến 55,7%. Còn các huyện ngoại thành là từ 20,9% đến 31,1%.
Bữa ăn trưa của học sinh Trường tiểu học Phan Đình Phùng (Thành phố Hồ Chí Minh) theo mô hình dự án Bữa ăn học đường. |
Hội thảo đã chia sẻ thông tin về các chương trình quốc gia về dinh dưỡng, sức khỏe học đường của Việt Nam, mô hình điểm của Đề án "Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018-2025" (Quyết định số 41/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) về dinh dưỡng học đường và giáo dục dinh dưỡng; phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng; mô hình thử nghiệm lồng ghép nội dung giáo dục dinh dưỡng trong dạy học môn giáo dục thể chất tại một số trường tiểu học ở Việt Nam.
Các đại biểu cũng thảo luận về các giải pháp can thiệp cải thiện tình trạng dinh dưỡng học đường và giáo dục dinh dưỡng ở Việt Nam, tập trung vào nghiên cứu xây dựng chính sách, phát triển nguồn lực, đảm bảo an toàn thực phẩm và chất lượng bữa ăn học đường; truyền thông giáo dục dinh dưỡng học đường; giám sát tình trạng dinh dưỡng học sinh; huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện tốt công tác dinh dưỡng học đường góp phần thực hiện mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.