Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chung quanh việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới và những điểm mới trong quan điểm, mục tiêu mà Nghị quyết số 41-NQ/TW đã đề ra.
Cơ hội lịch sử hiếm có để doanh nghiệp Việt tạo "cú bật" mới
Phóng viên: Trong nhiều năm qua, chúng ta luôn kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ có những doanh nghiệp lớn, mang tầm cỡ khu vực, toàn cầu. Thực tế, chúng ta đã có một số doanh nghiệp đạt kỳ vọng đề ra với một số doanh nhân lọt tốp tỷ phú USD, nhưng chưa nhiều, ít có doanh nghiệp có năng lực dẫn đầu chuỗi cung ứng,... Đồng chí đánh giá thế nào về tiềm năng, thế mạnh, "sức khỏe" của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay trong nền kinh tế toàn cầu?
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Rõ ràng, trải qua 3 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, có thể khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua được "con sóng dữ" một cách mạnh mẽ. Minh chứng trong số liệu thống kê 9 tháng năm 2023, có hơn 165 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 1,2% so với cùng kỳ; GDP tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã ứng biến, nhanh chóng khắc phục khi chuỗi cung ứng chưa được phục hồi, mở rộng thị trường xuất khẩu, ổn định sản xuất. Chính vì vậy, trong 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước tăng trưởng vô cùng ấn tượng, đạt 497,66 tỷ USD với cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD.
Tiềm lực và kinh nghiệm điều hành kinh tế của Việt Nam cũng đã rất khác so với cách đây hơn 10 năm. Nói như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Đây là tiền đề để chúng ta tự tin trong thực hiện các biện pháp, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.
Sản xuất, lắp ráp ô-tô tại Nhà máy Hyundai Thành Công (Ninh Bình). (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Có một thực tế, gần như là quy luật trong sự phát triển trên thế giới, đó là những nền kinh tế lớn và những nền kinh tế phát triển thì đều phải có một đội ngũ doanh nghiệp xứng tầm. Đội ngũ đó gồm những doanh nghiệp đầu đàn, những doanh nghiệp lớn đứng đầu chuỗi giá trị, làm chủ những công nghệ lõi. Đồng thời, đội ngũ đó cũng phải có những doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp phụ trợ rất đông đảo.
Hiện nay, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã đạt tầm cỡ khu vực và thế giới và những doanh nhân lọt vào top "tỷ phú USD" toàn cầu. Chỉ cần có môi trường đúng, chính sách đúng và triển khai xây dựng chính sách một cách phù hợp, kịp thời thì chúng ta có sản phẩm, kết quả nhận được sẽ là những tập đoàn, những doanh nghiệp rất hùng mạnh.
Đến nay, sau 37 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển không ngừng cả về số lượng và chất lượng khi có khoảng gần 10 triệu doanh nhân, gần 900 nghìn doanh nghiệp, hơn 5 triệu hộ kinh doanh và hơn 14 nghìn hợp tác xã. Khu vực này cũng đang đóng góp hơn 60% GDP, 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 15 triệu lao động.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phải chịu không ít tổn thất, khó khăn từ những biến động lớn trên thế giới. Theo một khảo sát của VCCI, những khó khăn hàng đầu mà doanh nghiệp đang gặp phải là tiếp cận tín dụng, thị trường bị thu hẹp, khó tìm kiếm khách hàng và tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 vẫn còn kéo dài,...
Đồng hành, tạo điều kiện phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam
Phóng viên: Trước những tác động chưa từng có của tình hình thế giới, đồng chí đánh giá thế nào về sự phát triển và phục hồi của doanh nghiệp Việt Nam? Đâu sẽ là những cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp trong thời gian tới thưa đồng chí?
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Hiện tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới đang có biến động khó lường, rất bất thường. Việt Nam lại là quốc gia có độ mở rộng, nên bất cứ một biến động nào của thị trường nước ngoài cũng sẽ tác động đến Việt Nam. Bởi vậy, khi thế giới khó khăn thì Việt Nam cũng sẽ khó khăn.
Từ cuối năm 2022, những biến động về thị trường bất động sản đã kéo theo sự ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực khác và cả nền kinh tế. Sang năm 2023, nửa đầu năm tình hình vẫn tiếp tục khó khăn chính, đến cuối năm 2023 bắt đầu có những "tia sáng", nhưng cũng chưa nên lạc quan quá. Bởi về bản chất, kinh tế thế giới chưa tốt lên, GDP thế giới chưa tăng trưởng, lạm phát cũng chưa được khắc phục.
Nhưng chính vì vậy, bối cảnh này đang tạo ra cơ hội lịch sử cho các doanh nghiệp Việt Nam tranh thủ được tham gia và tạo vị thế mới trong các chuỗi giá trị quốc tế. Sự đứt gãy và sắp xếp lại của chuỗi cung ứng quốc tế do dịch Covid-19 và do xung đột địa chính trị đang tạo ra cơ hội hiếm có để Việt Nam không chỉ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, mà còn đón nhận làn sóng các nhà đầu tư, dòng vốn và công nghệ của các "đại bàng" đang tìm điểm đến "làm tổ" mới tại Việt Nam.
Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội lịch sử này, tạo cú bật mới về tăng trưởng kinh tế, đây là lúc Việt Nam cần khơi dậy tinh thần kinh doanh trong giới kinh doanh, khơi dậy tinh thần năng động, dám nghĩ, dám làm, dám quyết của đội ngũ cán bộ công chức và doanh nhân.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Cần khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong giới kinh doanh và đội ngũ cán bộ công chức. |
Rõ ràng, hiện nay chúng ta có nhiều khó khăn, nhưng thời kỳ đầu đổi mới nước ta còn khó khăn hơn nhiều, khi đó doanh nhân vốn liếng nhỏ bé, kiến thức, kinh nghiệm thị trường không có gì, còn cán bộ cũng đầy bỡ ngỡ với kinh tế thị trường, nhưng chính sự hưng phấn cùng tinh thần kinh doanh lập nghiệp, dám nghĩ, dám làm đã giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế 2 con số và thoát khỏi đói nghèo. Sức mạnh tinh thần luôn là nguồn lực vô tận, một thế mạnh truyền thống của con người Việt Nam, cả trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nếu chúng ta giải phóng được sức mạnh tinh thần lúc này, tạo ra sự hưng phấn kinh doanh trong doanh nhân, doanh nghiệp, sự hưng phấn dám nghĩ, dám làm trong cán bộ nhà nước, chúng ta sẽ chớp được cơ hội lịch sử mà thế giới đang tạo ra cho Việt Nam và chắc chắn mục tiêu tăng trưởng kinh tế cùng khát vọng trở thành quốc gia phát triển sẽ thực hiện được.
Nghị quyết số 41-NQ/TW là điểm tựa, tạo dựng niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp
Phóng viên: Ngày 10/10 vừa qua, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Điều này đã thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, phát triển. Vậy theo ông, đâu là điểm mới mấu chốt để Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương làm căn cứ để xây dựng các chương trình, chính sách hỗ trợ mới cho doanh nghiệp, doanh nhân?
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Như chúng ta đã biết, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW đã tạo thêm động lực, niềm tin và nhận được sự hân hoan đón chào của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Đây có thể xem là "món quà" đặc biệt của Bộ Chính trị gửi tặng cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân đúng dịp "Tết doanh nhân" ngày 13/10 năm nay.
Nghị quyết mới là sự đồng bộ hóa, cụ thể hóa chủ trương định hướng Đại hội XIII đề ra khi Đảng ta xác định đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đặt ra yêu cầu xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Tuy Nghị quyết số 41-NQ/TW cơ bản được kế thừa từ Nghị quyết số 09-NQ/TW đã ban hành cách đây 12 năm của Bộ Chính trị, nhưng có sự đổi mới và xây dựng trên cơ sở căn cứ khảo sát tình hình doanh nghiệp hiện tại với các điều kiện, tình hình trong nước, thế giới thay đổi, để từ đó có sự điều chỉnh phù hợp với thời kỳ mới.
Xuất khẩu xe ô-tô điện Vinfast tại cảng Hải Phòng. (Ảnh: AN KHÁNH) |
Theo đó, Nghị quyết khẳng định "Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh". Như vậy, đội ngũ doanh nhân được nâng tầm, không chỉ có vai trò góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ mà còn được giao thêm nhiệm vụ góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, điểm mới đáng chú ý trong Nghị quyết số 41-NQ/TW được các doanh nghiệp hết sức ủng hộ đó là: "Bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng, nhất là trong tiếp cận nguồn lực về đất đai, tài chính, công nghệ; bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, đặc biệt, không hình sự hoá quan hệ kinh tế,..."
Như vậy, xu hướng thời gian tới doanh nghiệp sẽ không còn phải lo ngại "hình sự hóa các quan hệ kinh tế". Đây cũng là xu hướng khá phổ biến, ở nhiều nước phát triển khi doanh nghiệp vi phạm có chế tài về kinh tế, có khi khá nặng lên tới hàng tỷ USD nhưng hãn hữu mới xử lý hình sự, tránh gây ra những cú sốc lớn, có thể làm "sập" cả một thương hiệu, doanh nghiệp lớn, gây ra hệ lụy xấu cho xã hội.
Cùng với đó, Nghị quyết xác định rất rõ trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp rất vui mừng vì điều này, bởi an ninh, an toàn trong sản xuất-kinh doanh là yếu tố rất quan trọng và được ưu tiên hàng đầu.
Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới
Phóng viên: Trong Nghị quyết số 41-NQ/TW đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, phù hợp với bối cảnh và tình hình mới. Vậy VCCI với vai trò là tổ chức đại diện, hỗ trợ, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển sẽ làm gì để cụ thể hóa những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 41-NQ/TW?
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Nếu theo đúng tinh thần của Nghị quyết 41-NQ/TW, thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh chắc chắn sẽ có sự hoàn thiện hơn, có những bước thay đổi lớn trong tương lai khi có nhiều yêu cầu rà soát hệ thống thể chế, chính sách, thể chế hóa nghị quyết của Đảng, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Thời gian tới, VCCI sẽ tích cực phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt nam để triển khai đưa Nghị quyết số 41-NQ/TW thực sự đi vào cuộc sống. Để cùng với doanh nghiệp, doanh nhân phát triển đúng hướng; xác định vai trò, vị trí, tầm quan trọng và giải pháp để phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân lành mạnh, cống hiến cho dân tộc, quốc gia. Hỗ trợ, tạo động lực cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam từng bước phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ mới.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công.
Đội ngũ doanh nhân cần thống nhất những giá trị và những nguyên tắc đạo đức, văn hoá cơ bản trong kinh doanh. Những nguyên tắc đó cần được phổ cập, lan tỏa và thực hành trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp. Việc xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh là quá trình lâu dài, không ngừng nghỉ để đất nước ta vừa giàu có, vừa văn minh, hiện đại.
Tất nhiên, cộng đồng doanh nghiệp cũng phải nêu cao tinh thần tuân thủ pháp luật, văn hóa kinh doanh, nhưng việc Nghị quyết số 41-NQ/TW ra đời lúc này chính là một nhân tố quan trọng để nâng cao niềm tin của giới doanh nhân, doanh nghiệp về đường lối phát triển đất nước, đường lối phát triển kinh tế, từ đó rõ nét hơn đường lối phát triển của mỗi doanh nhân.
Bên cạnh công tác sản xuất-kinh doanh, đội ngũ doanh nhân cần thống nhất những giá trị và những nguyên tắc đạo đức, văn hoá cơ bản trong kinh doanh. Những nguyên tắc đó cần được phổ cập, lan tỏa và thực hành trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 41-NQ/TW đã đề ra. Lấy đạo đức, văn hoá kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; nâng cao vai trò của doanh nhân đóng góp cho ngoại giao kinh tế, đối ngoại nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hoá Việt Nam.
Để làm được điều này cần có sự phối hợp chung của toàn xã hội, từ các cơ quan nhà nước, hệ thống giáo dục, hệ thống báo chí truyền thông,… đến chính đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp. Bởi việc xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh là quá trình lâu dài, không ngừng nghỉ để đất nước ta vừa giàu có, vừa văn minh, hiện đại. Từ năm 2022, VCCI đã đưa 6 quy tắc đạo đức doanh nhân vào trong bộ tiêu chí đánh giá và công nhận danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu". Từ đó, chúng có những điển hình, những câu chuyện truyền cảm hứng để lan tỏa ra cộng đồng doanh nghiệp.
Chính vì vậy, có thể khẳng định, Nghị quyết số 41-NQ/TW là điểm tựa để phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ mới, xứng tầm hơn khi Việt Nam vươn mình hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển. Để thực hiện mục tiêu còn rất nhiều việc phải làm, bao gồm sửa đổi luật pháp, cơ chế chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh,...
VCCI sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của VCCI, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nhân, doanh nghiệp; Đặc biệt, VCCI sẽ luôn phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương, nỗ lực hết sức để đóng góp cho quá trình phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân và đất nước.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!