Thời gian qua, nhiều ngân hàng ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án xanh nhằm thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh trong thời gian tới. Ông Phạm Trung Kiên, Phó Trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền nam cho biết: Từ năm 2016, Agribank đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50 nghìn tỷ đồng và không hạn chế nguồn vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch vì sức khỏe cộng đồng.
Đối tượng khách hàng vay vốn của chương trình là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm. Đến nay, doanh số cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Agribank đạt hơn 25 nghìn tỷ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này, dư nợ đạt 12 nghìn tỷ đồng với hơn 43 nghìn khách hàng.
Tính đến 31/12/2022, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt gần 12.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 1% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế), với hơn 41 nghìn khách hàng vay vốn. Từ nguồn vốn của Agribank, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao được hình thành trên khắp mọi vùng, miền của Việt Nam.
Các mô hình do Agribank đầu tư đã, đang mang lại hiệu quả thiết thực, như: Mô hình trồng rau, hoa, quả (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (thành phố Cần Thơ), chăn nuôi (Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam), đầu tư máy móc thiết bị cho nông nghiệp (Tiền Giang, Long An), nuôi tôm giống (Kiên Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận), trồng hoa lan, nuôi bò sữa (Củ Chi, Kon Tum)... Theo ông Phạm Trung Kiên, định hướng phát triển trong thời gian tới, Agribank quyết tâm triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh, hỗ trợ phát triển bền vững.
Giải pháp thực hiện là nghiên cứu và triển khai các sản phẩm tín dụng xanh, có chính sách ưu đãi, khuyến khích cho vay các dự án, phương án kinh doanh hiệu quả, thân thiện với môi trường... Chủ động tìm kiếm, tiếp cận nguồn vốn quốc tế xanh thông qua các bộ, ngành đầu mối hoặc các định chế tài chính, tổ chức phi chính phủ, quỹ tín thác tín dụng xanh... để tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án xanh.
Từ năm 2018, Nam A Bank đã giải ngân 970 khoản vay trong các lĩnh vực xanh: Năng lượng mặt trời; năng lượng gió; năng lượng thủy điện; lắp đặt hệ thống điện; nông nghiệp xanh; tiêu dùng xanh…
Năm 2022, Nam A Bank bổ sung kế hoạch phát triển du lịch xanh vào danh mục tín dụng của mình, sau đó ngân hàng này triển khai tín dụng xanh cho Khu du lịch thác Prenn. Đại diện Nam A Bank cho biết: "Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam có sự hợp tác giữa ngân hàng và chủ đầu tư từ khâu lên ý tưởng, thiết kế ban đầu đến vận hành sau khi hoàn thành".
Theo yêu cầu từ gói tài chính xanh của Nam A Bank, dự án Khu du lịch thác Prenn đã đạt được chứng nhận Edge cho giai đoạn thiết kế, nhận toàn bộ chi phí kiểm toán Edge. Trong dự án này, Nam A Bank luôn đồng hành cùng chủ đầu tư tập trung vào ba mục tiêu chính: giảm 22% năng lượng tiêu thụ, giảm 22% lượng nước tiêu thụ và giảm 44% năng lượng chứa trong vật liệu xây dựng…
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cả nước hiện có 39 tổ chức tín dụng cấp vốn xanh với tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt hơn 25%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân tín dụng chung nền kinh tế.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, các tổ chức tín dụng cho vay dự án xanh trong các ngành dệt may, nông nghiệp sạch, năng lượng tái tạo và vệ sinh môi trường mới chỉ đạt gần 500 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,2% tổng dư nợ kinh tế, một con số rất thấp.
Nguyên nhân của tình trạng này, chính từ việc chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành, lĩnh vực làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh; công tác giám sát, quản lý rủi ro khi cấp tín dụng xanh còn vướng mắc do thiếu quy định, tiêu chí đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường…
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa, trong giai đoạn hiện nay, nếu không chuyển đổi xanh thì doanh nghiệp không thể xuất hàng đi đâu được cho nên mong muốn sớm chuyển đổi. Để thực hiện, doanh nghiệp rất cần các chương trình tín dụng xanh. Tuy nhiên, đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa cho nên để tự thân mỗi doanh nghiệp đứng ra phát hành trái phiếu xanh là điều rất khó.
Do đó, các định chế tài chính, cơ quan chức năng nên có cơ chế, giải pháp để các định chế tài chính có thể đứng ra phát hành trái phiếu xanh cho doanh nghiệp vay lại theo quá trình chuyển đổi. Ông Trường An, đại diện Tập đoàn CT Group cho biết: Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, các công trình bất động sản của CT Group đều đạt những kiểm định và chứng chỉ xanh để có thể tiếp cận được những khoản tín dụng xanh. Tập đoàn cũng đã đầu tư và nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ nhằm tối ưu việc giảm phát thải cũng như tối ưu về tiêu thụ năng lượng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài chính xanh, trái phiếu xanh nếu phát triển các công nghệ nói trên tại Việt Nam. Do đó, các công ty phát triển công nghệ của CT Group đều phải đặt trụ sở tại các nước phát triển như: Pháp, Israel, Thụy Sĩ… vì các nước này có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp startup về công nghệ để có thể tiếp cận nguồn tín dụng xanh.
Theo ông Trường An, để có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào thị trường tài chính xanh, thành phố nên kết nối các nhà làm chính sách, các doanh nghiệp với các quỹ đầu tư, cùng chính quyền thành phố để có thể đưa ra các cơ chế, chính sách phát triển thị trường tài chính tại Việt Nam và có thể thí điểm đầu tiên tại thành phố.
Chia sẻ về định hướng chuyển đổi xanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Phan Văn Mãi khẳng định: Thành phố Hồ Chí Minh xác định sứ mệnh là địa phương đi đầu, nhận lãnh những nhiệm vụ lớn nhất trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, góp phần để thực hiện các cam kết quốc gia trong hợp tác quốc tế. Quan điểm, lực lượng quyết định đến thành công của chuyển đổi xanh là doanh nghiệp, làm sao để các doanh nghiệp tiếp cận được tài chính xanh để chuyển đổi sản xuất, tiếp cận được thị trường và phát triển bền vững. Thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.