Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch trên quê hương Bác

Là mảnh đất “trùng lai danh thắng địa, cổ lai đa hào kiệt”, huyện Nam Đàn (Nghệ An) có một hệ thống di tích lịch sử văn hóa dày đặc với các di sản văn hóa phi vật thể, các lễ hội truyền thống hằng năm vô cùng phong phú và đa dạng.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên Hợp tác xã Sen quê Bác thu hoạch sen.
Nhân viên Hợp tác xã Sen quê Bác thu hoạch sen.

Giờ đây với số sản phẩm OCOP dẫn đầu toàn tỉnh đã tạo thêm một điểm nhấn nữa góp phần đưa Nam Đàn trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách thập phương.

Lịch sử hàng nghìn năm đã bồi đắp cho Nam Đàn có một hệ thống di sản văn hóa truyền thống phong phú với 173 di tích, trong đó có bốn di tích cấp quốc gia đặc biệt, 12 di tích cấp quốc gia, 26 di tích cấp tỉnh.

Cùng với các di sản văn hóa phi vật thể như: Hát ví phường vải, ví đò đưa sông Lam, lễ hội truyền thống… Nam Đàn còn được thiên nhiên ưu đãi, tạo nên những cảnh quan tươi đẹp và đa dạng. Nam Đàn có Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên là nơi lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật, không gian văn hóa-lịch sử về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai lần Bác về thăm quê.

Đây là một trong những di tích quan trọng bậc nhất cả nước và cũng là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ. Với những tiềm năng sẵn có, hằng năm huyện Nam Đàn đón khoảng hai triệu lượt khách. Trong đó, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên đón hơn một triệu lượt khách. Với số lượng khách du lịch về quê Bác ngày càng đông qua các năm, đây là cơ hội để huyện Nam Đàn quảng bá các sản phẩm OCOP của địa phương, đưa các sản phẩm ngày càng vươn xa hơn.

Để tạo cảnh quan thiên nhiên đặc trưng trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua người dân xã Kim Liên đã từng bước mở rộng diện tích trồng sen trên những vùng đầm lầy, ruộng sâu trũng kém hiệu quả.

Mùa hoa sen nở, nơi đây trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh. Theo Giám đốc HTX nông nghiệp Sen quê Bác Phạm Kim Tiến cho biết, ngoài việc phát triển các sản phẩm từ sen, HTX Sen quê Bác đang từng bước tạo cảnh quan nhằm thu hút du khách trải nghiệm, chiêm ngưỡng cảnh đẹp của sen.

Kết hợp giữa du lịch sinh thái với việc cho du khách trải nghiệm quy trình làm trà sen, các sản phẩm khác từ sen là mục tiêu chính mà HTX đang hướng đến. Hiện HTX Sen quê Bác vinh dự là một trong những đơn vị có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP nhất của tỉnh Nghệ An, với 11/15 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao hoặc 4 sao.

Cách trung tâm thị trấn Nam Đàn chừng 25 km, núi Thiên Nhẫn không chỉ nổi tiếng bởi giống chanh thơm ngon, mọng nước mà cảnh đẹp nơi đây cũng làm xao xuyến lòng người. Về nơi đây, du khách được hiểu thêm vùng đất địa linh, nơi được cụ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp chọn để ẩn cư và dạy học. Cũng nhờ địa thế hiểm trở mà vua Lê Lợi chọn vùng đất này dựng thành Lục Niên làm bàn đạp để đánh tan quân Minh xâm lược.

Khi đến đây, du khách sẽ được tham quan những vườn chanh Thiên Nhẫn trĩu quả, cùng với đó là mua sắm các sản phẩm được làm từ chanh. Hiện HTX nông nghiệp sản xuất và chế biến chanh Nam Kim-Nam Đàn có sáu sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao.

Với 60 sản phẩm OCOP, Nam Đàn hiện đang là huyện dẫn đầu về số sản phẩm đạt chất lượng trên toàn tỉnh Nghệ An. Các sản phẩm OCOP như miến gạo Vân Diên, tương Sa Nam, giò me Nam Nghĩa, tinh bột sắn dây, tinh bột nghệ, gạo lứt rong biển, cốm ngũ cốc, gạo làng sen, lạc,… đang dần khẳng định được thương hiệu đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, Vương Hồng Thái cho biết: Việc gắn kết sản phẩm OCOP với du lịch là hướng đi cần thiết nhằm tạo ra không gian phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương.

Bên cạnh đó, huyện Nam Đàn đã xây dựng các điểm bán hàng, hệ thống phân phối sản phẩm OCOP, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, xây dựng các “điểm đến” về sản phẩm OCOP gắn với các hoạt động du lịch, văn hóa, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP.

Để thu hút người tiêu dùng, thời gian tới, Nam Đàn sẽ tập trung chỉ đạo việc đa dạng mẫu mã, bao bì, đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm. Cùng với đó là kết hợp các tour, tuyến du lịch như Cửa Lò-Vinh-Nam Đàn, dùng sản phẩm đặc sản, chủ lực của huyện để thu hút và lôi kéo khách du lịch về địa phương.

Tuy nhiên hiện nay việc hút khách du lịch khi đi tham quan kết hợp với mua sắm vẫn còn nhiều hạn chế do các sản phẩm, địa chỉ du lịch vẫn chưa đa dạng. Trình độ nhân lực của các hộ sản xuất còn nhiều hạn chế, do đa phần là các hộ sản xuất nông nghiệp, chưa áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, quảng bá giới thiệu, do vậy bán sản phẩm chưa được nhiều, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn chia sẻ.

Việc lồng ghép giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đặc trưng gắn với du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, quảng bá những tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, du lịch, miền đất, con người huyện Nam Đàn đến với du khách thập phương; góp phần giữ gìn, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của địa phương.

Đây cũng là cách để tạo dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP huyện Nam Đàn nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung.