Chuyên gia nêu giải pháp để Việt Nam có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân

NDO -

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 30 năm qua, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế-xã hội nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, chất lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. 

0:00 / 0:00
0:00
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung.

Yêu cầu cấp thiết đặt ra là phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam đông về số lượng, mạnh về chất lượng để tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế, tạo động lực cho đất nước nhanh chóng phục hồi sau cơn biến động và bất ổn từ bên ngoài.

Phóng viên Báo Nhân Dân đã trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về vấn đề này.

Khôi phục niềm tin cho doanh nghiệp, doanh nhân

Phóng viên: Thưa ông nhìn vào dữ liệu đăng ký kinh doanh gần đây có thể thấy đầu tư thành lập doanh nghiệp mới không còn là cơ hội kinh doanh hấp dẫn. Thực trạng này sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với mục tiêu phát triển doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trở thành động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Hơn 3 thập niên qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển nhanh và mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, đóng góp to lớn, quan trọng đối với đất nước. Nhiều doanh nghiệp đã tạo được đột phá, thực hiện những dự án đầy tham vọng, vươn xa ra thị trường quốc tế.

Nhưng đến nay, số lượng doanh nghiệp Việt Nam chưa nhiều, mật độ doanh nghiệp/1.000 dân còn thấp nên số việc làm do doanh nghiệp tạo ra cho nền kinh tế vẫn khiêm tốn. Việt Nam có rất ít doanh nghiệp lớn, thiếu vắng doanh nghiệp vừa nhưng có tới 70% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân trong nước ở tất cả chỉ số đều thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Trong giai đoạn 2011-2022, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi đang giảm, số doanh nghiệp báo lỗ có xu hướng gia tăng.

Đáng lưu ý, trong giai đoạn 2011-2022, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi đang giảm, số doanh nghiệp báo lỗ có xu hướng gia tăng. Chỉ 40% doanh nghiệp tư nhân trong nước kinh doanh có lãi, trong khi tỷ lệ tương ứng ở doanh nghiệp FDI là 50% và ở doanh nghiệp nhà nước là khoảng 80%. Đặc biệt, doanh nghiệp tư nhân trong nước yếu thế toàn diện so với doanh nghiệp FDI cả về hội nhập và năng lực cạnh tranh ngay trên “sân nhà”.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, nền kinh tế nước ta có độ mở rất lớn và sẽ tiếp tục mở ngay trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực được dự báo là sẽ có biến động khó lường hơn. Vì vậy, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và có sức chống chịu đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển là một trong các yếu tố quyết định sức chống chịu của nền kinh tế. Bởi vì, cộng đồng doanh nghiệp như thế sẽ là động lực tăng trưởng cao bền vững, tạo công ăn việc làm tốt và ổn định cho người dân, tạo nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước; đóng góp chủ yếu vào các quỹ dự trữ quốc gia… và cũng là động lực làm cho nền kinh tế nhanh chóng phục hồi sau các biến động lớn, bất thường từ bên ngoài.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung

Phóng viên: Theo ông, cần tập trung vào những giải pháp gì để phục hồi “sức khỏe” của doanh nghiệp?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Từ trước đến nay, chúng ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể qua từng thời kỳ về khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân. Các giải pháp được đề ra là đầy đủ, phù hợp, có hệ thống, tập trung vào các vấn đề cơ bản của môi trường pháp lý đối với kinh doanh hiện nay. Tuy vậy, các chủ trương, giải pháp này chưa được thực hiện một cách đầy đủ và nhất quán.

Trong khó khăn, khủng hoảng, doanh nghiệp hay bất cứ ai đều có suy nghĩ đầu tiên là phải tồn tại, vượt qua bằng các giải pháp cơ cấu lại sản phẩm, thị trường, quản trị, phải tiết giảm chi phí… Trong cái khó luôn ló cái khôn, vẫn có cơ hội, nhiều doanh nghiệp đã biết bám lấy cơ hội đó.

Về phía Nhà nước cần đưa ra các giải pháp tiếp tục giữ ổn định vĩ mô, thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm chi phí như giảm lãi suất, giảm thuế, phí... Các giải pháp này một mặt giúp doanh nghiệp giảm chi phí, mặt khác có tác dụng tăng cầu tiêu dùng cũng là một giải pháp hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp.

Điều doanh nghiệp hiện nay đang cần là các giải pháp đề ra phải được thực hiện một cách đầy đủ, nhất quán, mạnh mẽ với mức độ cao hơn, đột biến hơn để bù đắp khó khăn cho doanh nghiệp. Qua đó khôi phục niềm tin cho cộng đồng sản xuất kinh doanh. Trong thời điểm đặc biệt khó khăn như hiện nay, thứ cần nhất đối với doanh nghiệp là niềm tin niềm tin.

Coi phát triển doanh nghiệp là mục tiêu ưu tiên

Phóng viên: Ông có những kiến nghị gì để các chủ trương, giải pháp về phát triển kinh tế tư nhân được thực hiện đầy đủ, đạt kết quả như mục tiêu đề ra?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Từ những chủ trương, định hướng của Đảng, cần có thêm một số giải pháp tập trung gỡ các "điểm nghẽn” đang kìm hãm phát triển của doanh nghiệp tư nhân.

Đó là tăng nhanh số doanh nghiệp gia nhập thị trường; tiếp tục mở rộng và nâng cấp quyền tự do kinh doanh; bảo đảm an toàn tối đa trong hoạt động kinh doanh, giảm rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ một cách linh hoạt, chuyên trách và hiệu quả trong khi vẫn có các chương trình hỗ trợ có chọn lọc đối với các doanh nghiệp vừa và lớn.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc bảo đảm an toàn cho hoạt động kinh doanh, giảm rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ là hết sức cần thiết. Để làm được điều này, hệ thống luật pháp phải rõ ràng, nhất quán, minh bạch và đặc biệt là dự đoán trước được; có hệ thống tài phán (tòa án, trọng tài…) cung cấp dịch vụ công lý công bằng, tin cậy và hiệu quả; có thể chế thực thi luật pháp công bằng, minh bạch và hiệu quả. Trong điều kiện nước ta hiện nay, các yếu tố nói trên còn chưa đầy đủ ở mức độ khác nhau.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung

Đổi mới cách thức, thái độ làm việc của công chức và cơ chế kiểm soát chất lượng văn bản pháp luật về đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực hội nhập của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và lớn đầu tư ra nước ngoài…

Phóng viên: Với tình hình khó khăn như vừa qua, ông đánh giá thế nào về mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế là chủ trương đặt ra trong Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030.

Chiến lược này cũng đặt mục tiêu có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%. Nhưng đến nay, mục tiêu này trở nên rất thách thức.

Để đạt mục tiêu đề ra, mỗi năm trung bình phải tăng thêm ít nhất 143.000 doanh nghiệp. Chính phủ phải xác định số lượng doanh nghiệp tăng thêm hàng năm là mục tiêu ưu tiên của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm và 5 năm.

Đồng thời, phải có hàng loạt giải pháp tương ứng nhằm tăng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay lại hoạt động, giảm số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giảm đến mức tối đa số doanh nghiệp giải thể, phá sản.

Các giải pháp, biện pháp cụ thể sẽ được thể hiện trong một chương trình khuyến khích khởi nghiệp, đồng hành và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân kéo dài và liên tục trong suốt thời kỳ 2024-2030. Như vậy, chương trình này có thể sẽ được bổ sung, sửa đổi, làm mới hàng năm, nhất là nội dung liên quan đến nhiệm vụ, giải pháp, để phù hợp với bối cảnh và điều kiện thực tế đã thay đổi.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!