Xây dựng thương hiệu OCOP
Tại Đan Phượng, chương trình OCOP được huyện triển khai một cách đồng bộ, nhân dân hưởng ứng tích cực. Tính đến tháng 3 năm 2023 huyện đã có 97 sản phẩm được đánh giá phân hạng OCOP, trong đó có 24 sản phẩm đạt 4 sao và 73 sản phẩm đạt 3 sao.
Từ chương trình OCOP, huyện đã đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Một số mô hình thí điểm được triển khai như lắp đặt camera giám sát quá trình sản xuất bưởi tại xã Thượng Mỗ, tích hợp tem truy suất nguồn gốc; xây dựng câu chuyện về sản phẩm bưởi; nâng cấp website nông nghiệp Đan Phượng với các tính năng marketing online, cập nhật các hình ảnh 360; cập nhật các sản phẩm OCOP lên trang dulichdanphuong.com và tuyên truyền các chủ thể tham gia sàn thương mại điện tử của thành phố Voso.vn và Postmart.vn
Công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP được thành phố Hà Nội quan tâm và thường xuyên triển khai thực hiện. |
Rau hữu cơ là sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao. Tuy nhiên, trước đây HTX mới chỉ ở quy mô nhỏ, chủ yếu là bán lẻ cho người dân. Sau khi tham gia OCOP, sản phẩm được nhiều người biết đến hơn và mở rộng bán tại các cửa hàng, siêu thị lớn với nguồn thu ổn định, bền vững.
Bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý, huyện Đan Phượng
Tại huyện Chương Mỹ, tính đến tháng 6 năm 2023, trên địa bàn huyện có 18 xã thị trấn có sản phẩm OCOP với 145 sản phẩm của 28 chủ thể được phân hạng OCOP 3 sao. Nửa cuối năm 2023, huyện dự kiến tổ chức đánh giá, phân hạng 40 sản phẩm của 21 chủ thể, ở 15 xã, thị trấn. Chương trình OCOP đã trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh, Giám đốc công ty TNHH mây tre đan Việt Quang, một trong những đơn vị sản xuất các hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu mây, tre có tiếng ở Thủ đô Hà Nội chia sẻ, các sản phẩm tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" muốn đạt sao phải qua tuyển chọn rất kỹ về kỹ thuật đan, cách đóng gói sản phẩm... Qua đó, tính sáng tạo, nghiên cứu những mẫu mã mới cũng được phát huy. Việc này đã tạo động lực cho các làng nghề từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm.
Phát huy thế mạnh của OCOP
Để gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm OCOP, hiện các địa phương đang đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP trên các kênh bán hàng truyền thống, sàn thương mại điện tử. Đồng thời, thành phố cũng rất quan tâm và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các hội chợ xúc tiến thương mại quy mô khu vực, cả nước và quốc tế.
Đi đầu trong những hoạt động xúc tiến thương mại nói trên phải kể đến Sở Công thương; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố. Đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức các sự kiện như Festival, sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh, thành phố trong cả nước; tuần hàng Việt Nam chất lượng cao, tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; tham gia các Hội chợ do Trung ương và các địa phương tổ chức. Bên cạnh đó, Thành phố Hà Nội đã lựa chọn và khai trương đưa vào hoạt động được 85 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên toàn Thành phố.
Để tiếp tục gìn giữ và tiếp tục phát triển Chương trình OCOP năm 2023, thành phố Hà Nội cần hỗ trợ các chủ thể khắc phục các vấn đề như bao bì, nguồn gốc sản phẩm và sở hữu trí tuệ. Thành phố cũng cần định hướng xuất khẩu các sản phẩm OCOP trên cơ sở tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phấn đấu số sản phẩm OCOP đạt 5 sao chiếm 3 đến 5%.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình, Thành phố đã công nhận được 2.167 sản phẩm OCOP, bằng khoảng 22% của cả nước. Trong đó, có 6 sản phẩm được trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao, kết quả trên cho thấy, chương trình OCOP đã đánh thức tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Thủ đô, tạo đột phá trong thay đổi tư duy sản xuất, tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn.
Chia sẻ về những thành công của Hà Nội, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội cho biết, thành phố đã linh hoạt trong bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 cho UBND cấp xã tổ chức đánh giá một số tiêu chí, nội dung về: Nguồn gốc sản phẩm/nguyên liệu địa phương; sử dụng lao động địa phương; nguồn gốc ý tưởng sản phẩm; bản sắc, trí tuệ địa phương. Đồng thời, việc đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao do UBND cấp huyện thực hiện. Điều này đã và đang làm tăng trách nhiệm của UBND cấp xã, cấp huyện trong đánh giá, phân hạng sản phẩm. Đồng thời cũng gắn kết và tăng trách nhiệm cho các chủ thể OCOP trong duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
Với nhiều giải pháp đồng bộ và những sáng kiến trong phát triển sản phẩm OCOP, thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả ấn tượng trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững.