Phát triển nghề nuôi tôm theo hướng ứng dụng công nghệ cao

NDO - Với lợi thế bờ biển kéo dài, nhiều hồ tự nhiên và nhân tạo nên tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Quảng Bình phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung và nghề nuôi tôm nói riêng. Hiện nay, tỉnh Quảng Bình đang hướng đến phát triển nuôi tôm theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh; chuyển đổi nâng cấp các vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến sang bán thâm canh và thâm canh.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao Grofarm tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao Grofarm tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình, trên địa bàn tỉnh có bờ biển dài 116,04 km, năm cửa sông đổ ra biển, hơn 160 hồ chứa tự nhiên và nhân tạo với diện tích có khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản là 17.000ha. Năm 2022, toàn tỉnh đã thả nuôi 1.480ha tôm nước lợ, sản lượng đạt 4.145 tấn. Các cơ sở sản xuất giống đã sản xuất được 3.409,9 triệu tôm thẻ chân trắng và 15 triệu tôm sú.

Đến nay một số vùng nuôi được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tương đối bảo đảm để phát triển nuôi thủy sản với hình thức thâm canh, nuôi công nghệ cao như: Vùng nuôi tôm Bắc Nam sông Gianh tại Hạ Trạch, Đồng Trạch, Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch; Quảng Châu, huyện Quảng Trạch và vùng nuôi tôm trên cát tại xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy; Hải Ninh, huyện Quảng Ninh...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình Mai Văn Minh cho biết: “Hiện nay, tỉnh Quảng Bình đang xác định nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao, hữu cơ để phát triển. Đặc biệt là khai thác, tận dụng tốt mặt nước tự nhiên để nuôi trồng các loại thủy sản thân thiện với môi trường, bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng. Đến nay những mô hình nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng đang có thu nhập hằng trăm triệu đồng/ha”.

Một trong những mô hình nuôi tôm tiên tiến đang được triển khai tại Quảng Bình thời gian qua đó là nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn và ba giai đoạn. Trong đó, năm 2023 đã triển khai hỗ trợ sau đầu tư mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất lót bạt ứng dụng công nghệ cao tại xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch quy mô 1,2ha với ba hộ. Qua thống kê cho thấy mô hình đã mang lại hiệu quả hơn so với phương pháp truyền thống như: tỷ lệ sống cao, năng suất cao hơn, tỷ lệ tôm đồng đều hơn. Mô hình giúp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường do quá trình xả thải, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh lây lan hướng tới nuôi trồng thủy sản an toàn, bền vững.

Nhằm kết nối giữa doanh nghiệp cung cấp các giải pháp công nghệ với các cơ sở sản xuất, người nuôi tôm. Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã phối hợp Công ty Grobest Việt Nam triển khai mô hình nuôi tôm công nghệ cao Grofarm tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh. Anh Phạm Văn Châm, cán bộ kỹ thuật Công ty Grobest Việt Nam chia sẻ: “Khi tham gia mô hình người chăn nuôi được công ty hỗ trợ tư vấn thiết kế ao nuôi, chọn con giống chất lượng cao, xây dựng quy trình dinh dưỡng trong chăn nuôi, giúp tôm tăng sức đề kháng, tăng tỷ lệ sống. Đồng thời, cán bộ kỹ thuật hỗ trợ người dân ứng dụng kỹ thuật trong kiểm soát môi trường nuôi, dịch bệnh. Từ đó, giúp người nuôi giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất”.

Theo đánh giá, mô hình nuôi tôm công nghệ cao Grofarm giúp thay đổi tư duy sản xuất cho người dân trong việc mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Cùng với đó, người dân làm chủ khoa học công nghệ, ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất giúp giảm tác động xấu đến môi trường, rủi ro dịch bệnh hướng tới nuôi trồng thủy sản an toàn, bền vững.

Mặc dù vậy, hiện nay nghề nuôi tôm tại Quảng Bình đang gặp những khó khăn do một số vùng nuôi tôm tập trung không có quy hoạch chi tiết, không có ao chứa lắng, ao xử lý nước thải và hệ thống cấp thoát nước riêng biệt; cơ sở hạ tầng một số vùng nuôi xuống cấp nên dễ bị ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh; thị trường tiêu thụ sản phẩm bấp bênh, giá thu mua không ổn định, hiện tượng tư thương ép giá để trục lợi vẫn xảy ra...

Để nghề nuôi tôm nước lợ phát triển bền vững, theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình, thời gian tới cần khuyến khích, vận động người dân dồn ghép, tập trung mặt nước, đầu tư cơ sở nuôi tôm đồng bộ để áp dụng khoa học công nghệ mới; rà soát, quy hoạch và quy hoạch lại các vùng nuôi tôm theo hướng xác định các vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi để tập trung phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh; chuyển đổi nâng cấp các vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến sang bán thâm canh và thâm canh.

Đồng thời, quy hoạch một số vùng cát ven biển để phát triển diện tích nuôi tôm sinh thái kết hợp các khu du lịch sinh thái; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, các giải pháp kỹ thuật nuôi mới (nuôi công nghệ sinh học, nuôi tôm hai giai đoạn, nuôi tuần hoàn ít thay nước...) nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm tôm; thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường trong và ngoài nước về nhu cầu tiêu dùng, chủng loại sản phẩm… để các tổ chức, cá nhân chủ động điều chỉnh hoạt động nuôi, hạn chế thiệt hại trong sản xuất;

Tiếp tục xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm tôm; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tôm xuất khẩu, kho đông lạnh lưu trữ và bảo quản sản phẩm bảo đảm đầu ra ổn định, đặc biệt vào thời điểm chính vụ thu hoạch.