Phát biểu tại hội nghị giao ban báo chí ngày 3/8, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông Lê Quang Dần cho biết, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 38 dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp, tổng diện tích đất, rừng cho thuê là 28.862ha.
Trong đó, diện tích quy hoạch trồng rừng (sản xuất), trồng cao su hơn 14 nghìn ha (chiếm khoảng 50%), phần còn lại là quy hoạch khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên; trồng các loại cây khác và các mục đích khác.
Hiện, tổng diện tích rừng bị phá, lấn, chiếm… tại các dự án nông lâm nghiệp trên địa bàn là hơn 4.000ha.
Rừng tại nhiều dự án ở Đắk Nông đã biến thành những vườn cà-phê xanh tốt và nơi làm nhà ở kiên cố của người dân. |
Đây là kết quả từ việc theo dõi tổng hợp hồ sơ thanh, kiểm tra; kết quả theo dõi rừng hằng năm được tỉnh Đắk Nông phê duyệt theo thẩm quyền; kết quả rà soát, khoanh vẽ hiện trạng rừng từ ảnh vệ tinh và ảnh máy bay không người lái…
Trong tổng số hơn 4.000ha rừng bị mất, có hơn 3.200ha (chiếm khoảng 70%) bị phá từ thời điểm năm 2017 trở về trước.
Bên cạnh đó, tổng diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm (bao gồm hơn 4.000ha rừng nêu trên) trên toàn tỉnh Đắk Nông hiện nay gần 6.500ha (chiếm hơn 22% tổng diện tích rừng, đất rừng đã giao).
Phần lớn diện tích đất này đã bị các đối tượng lấn, chiếm trồng cây công nghiệp và nông nghiệp ngắn ngày.
Hàng nghìn ha rừng dự án nằm xuống nhường chỗ cho các loại cây nông nghiệp, cây công nghiệp lâu năm mọc lên. |
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Đắk Nông đã thu hồi 5 dự án nông lâm nghiệp, bao gồm dự án của các doanh nghiệp: Công ty TNHH Hoàng Ba; Công ty TNHH Thương mại Đỉnh Nghệ; Công ty cổ phần đầu tư Phú Gia Phát; Công ty TNHH Thương mại Nguyên Vũ; Hợp tác xã Nông nghiệp-Dịch vụ-Thương mại Hợp Tiến. Đồng thời thu hồi một phần dự án của 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Vĩnh An và Công ty cổ phần Thiên Sơn.
Cũng theo ông Lê Quang Dần, nhìn chung, việc triển khai các dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai chưa thực sự có hiệu quả, chưa bảo đảm tiến độ và mục tiêu ban đầu của dự án được thẩm định; một số dự án triển khai trồng các loài cây không đúng quy hoạch dự án; một số chủ dự án để rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm với diện tích lớn, diễn biến phức tạp dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn...
Hiện tỉnh Đắk Nông đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê trọng Yên làm trưởng đoàn, sẽ đánh giá tổng thể và xử lý các tồn tại, vướng mắc liên quan tới các dự án nông lâm nghiệp trên toàn tỉnh.
Rừng ở Đắk Nông còn tiếp tục bị triệt hạ nếu việc giao đất, giao rừng vẫn còn nhiều bất cập, buông lỏng trong quản lý như thời gian qua. |