“Lá phổi xanh” của vùng Đông Nam Bộ

Hơn 25 năm trước, Đồng Nai là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên. Từ đó đến nay, rừng được quản lý, bảo vệ và không ngừng phát triển, nâng cao tỷ lệ che phủ. Rừng Đồng Nai đã và đang được ví như “lá phổi xanh”, góp phần điều hòa không khí cho vùng Đông Nam Bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Rừng tự nhiên ở xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) đang được bảo vệ và phát triển tốt.
Rừng tự nhiên ở xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) đang được bảo vệ và phát triển tốt.

Cùng với bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên đang có và trồng mới mỗi năm, tỉnh Đồng Nai đang hướng đến phát huy giá trị của rừng bằng kêu gọi đầu tư các dự án du lịch sinh thái để phát triển bền vững.

Đóng cửa rừng từ sớm

Dưới cơn mưa nặng hạt đầu mùa một ngày giữa tháng 5, đồng chí Nguyễn Văn Thuộc, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu, người từng công tác nhiều năm tại Lâm trường Mã Đà, dẫn chúng tôi vượt hơn 30km từ thị trấn Vĩnh An đến khu rừng với nhiều cây gỗ lớn hơn 50 năm tuổi ở xã Mã Đà.

Chỉ tay về những cây Gõ Mật có đường kính hai người dang sải tay ôm không hết, đồng chí Thuộc chia sẻ: Để diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ, phát triển như hôm nay là nhờ một phần quyết định mang tính lịch sử hơn 25 năm về trước.

Thời điểm trước năm 1997, nạn chặt phá rừng bừa bãi cũng như sau khi khai phá lòng hồ Trị An mất đi một diện tích rừng khá lớn khiến độ che phủ rừng của Đồng Nai ngày càng giảm, chỉ còn 25,48%.

Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã ra Quyết định số 631/QĐ-UBT ngày 24/2/1997, về việc đóng cửa tất cả các loại rừng tự nhiên trên địa bàn. Với quyết sách trên, Đồng Nai trở thành một trong những tỉnh đầu tiên cả nước đóng cửa rừng tự nhiên.

Là người có hơn 30 năm công tác trong ngành kiểm lâm, Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm Đồng Nai Lê Việt Dũng khẳng định: Đóng cửa rừng là quyết định mang tính bước ngoặt, nhưng lúc bấy giờ cũng gây sốc đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ.

Sau khi đóng cửa rừng, toàn bộ diện tích có khả năng phát triển, được đưa vào danh mục rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để quản lý nghiêm ngặt; đồng thời, các tổ chức lâm nghiệp được kiện toàn để làm nhiệm vụ giữ rừng.

Đồng Nai hiện có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất ở phía nam, với hệ động thực vật rất phong phú. Rừng Đồng Nai đang góp phần điều hòa không khí cho khu vực Đông Nam Bộ, nơi tập trung rất đông khu công nghiệp. Có lẽ, rất ít nơi trong cả nước hiện nay người dân còn có thể xem được thú rừng. Ở Đồng Nai không chỉ một vài loài mà có tới hơn 100 loài thú rừng

LÊ VIỆT DŨNG

Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm Đồng Nai

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai Cao Tiến Sỹ cho biết: Sau hơn 25 năm đóng cửa rừng tự nhiên, tỉnh Đồng Nai đã từng bước phục hồi, phát triển thêm nhiều diện tích rừng, góp phần phủ một mầu xanh tràn đầy sức sống tại nhiều địa phương.

Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 123.939ha rừng tự nhiên, tỷ lệ che phủ luôn duy trì mức hơn 29%. Rừng Đồng Nai được xem như “lá phổi xanh” cho tỉnh và cả khu vực Đông Nam Bộ, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai đang quản lý, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên lớn nhất của Đồng Nai với gần 68.000ha.

Giám đốc Khu Bảo tồn Nguyễn Hoàng Hảo cho biết: Hệ sinh thái rừng tự nhiên đầu nguồn ở đây được đánh giá cực kỳ quan trọng, với chức năng ổn định nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai, cung cấp nước ngọt vào mùa khô và hạn chế ngập lụt vào mùa mưa cho vùng hạ lưu.

Xác định tầm quan trọng như vậy, nên cùng với bảo vệ diện tích rừng tự nhiên đang có, Khu Bảo tồn đã phối hợp với chính quyền địa phương trồng rừng để tăng diện tích hằng năm; thành lập 10 tổ công tác lâm nghiệp và 11 câu lạc bộ xanh thu hút hàng trăm thành viên tham gia bảo vệ rừng, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, hiện nay vùng giáp ranh với diện tích khá lớn là không còn rừng. Việc mất đi vùng đệm gây áp lực lớn cho công tác bảo vệ rừng và đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, hơn 20 năm qua, tỉnh Đồng Nai thực hiện chủ trương di dời người dân ở trong vùng lõi Khu Bảo tồn ra khỏi rừng, nhưng đến nay vẫn còn 6.441 hộ với 23.848 người sinh sống đan xen trong rừng.

Một khó khăn nữa trong công tác bảo vệ rừng là từ khi thực hiện Nghị định số 01/2019 của Chính phủ chuyển lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn thành chuyên trách bảo vệ rừng đã có 43 viên chức xin nghỉ việc, trong khi không thể tuyển mới, khiến đơn vị thiếu nhân lực.

Theo quy định mới, lực lượng bảo vệ rừng không được trang bị vũ khí, không có thẩm quyền xử lý vi phạm và thay đổi về chế độ. Do đó, từ thực tiễn những người giữ rừng, chúng tôi kiến nghị cần để nguyên lực lượng kiểm lâm ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn

NGUYỄN HOÀNG HẢO

Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai

Để phát triển rừng bền vững

Đầu tháng 5/2023, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu chính là nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ của rừng, cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Từ nay đến năm 2025, Đồng Nai sẽ trồng mới 2.615ha rừng; phấn đấu diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt hơn 10.000ha. Đây chính là sự cụ thể hóa việc thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trên địa bàn đã được tỉnh Đồng Nai thông qua năm 2021.

Đồng chí Lê Việt Dũng cho rằng, Đồng Nai đã xác định được ranh giới rừng trên thực địa và trên bản đồ để đưa vào hệ thống lâm nghiệp quốc gia quản lý nghiêm ngặt. Do vậy, chỉ cần làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, nuôi dưỡng rừng thì tự nó sẽ phát triển, vì rừng nhiệt đới thuận theo tự nhiên.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, địa phương đã và đang thực hiện một loạt đề án, dự án, như: Ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng; nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm; phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ở núi Chứa Chan; Vườn quốc gia Cát Tiên; Khu Bảo tồn, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc và Long Thành.

Tỉnh Đồng Nai sẽ đầu tư hơn 2.206 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch trên, trong đó vốn từ ngân sách tỉnh hơn 1.061 tỷ đồng, còn lại từ nguồn dịch vụ môi trường rừng và huy động các nhà đầu tư.

Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Nguyễn Văn Thuộc cho biết: Cùng với thực hiện tốt bảo vệ, thì phải làm giàu từ rừng nên Nghị quyết nhiệm kỳ này của Đảng bộ huyện xác định, phát triển du lịch sinh thái rừng là một trong những nhiệm vụ đột phá. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu nhưng địa phương chưa kêu gọi đầu tư được, vì Đề án phát triển du lịch sinh thái của Khu Bảo tồn vẫn đang gặp nhiều vướng mắc.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết: Bảo vệ, trồng mới và phát huy giá trị rừng phải đi liền với nhau.

Thực tế lâu nay là Đồng Nai đã làm tốt việc bảo vệ, trồng mới rừng, nhưng phát huy giá trị rừng chưa tốt. Do vậy, tỉnh đang tính toán để làm sao vừa phát huy giá trị du lịch sinh thái rừng, vừa không xâm hại rừng. Nếu sợ phá hoại, xâm hại rừng mà không cho triển khai các hoạt động như du lịch rừng thì không thể phát huy hết giá trị của rừng.